Du lịch tăng trưởng nóng, đào tạo nhân lực "tà tà"
Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam, việc phát triển nguồn nhân lực cơ sở lưu trú du lịch cần trọng tâm cho từng nhóm đối tượng để đạt mục đích hiệu quả, đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng và cơ cấu, yêu cầu phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của khách lưu trú quốc tế ở các cấp độ khác nhau.
Du lịch đang thiếu nhân lực. Ảnh minh họa
Nhân lực du lịch hiện tại suy giảm cả số lượng và chất lượng so với thời điểm năm 2019. Lực lượng lao động trực tiếp khối cơ sở lưu trú du lịch hiện chưa đến 400.000 người, đáp ứng hơn 70% nhu cầu với công suất trung bình dưới 50%, định mức chưa tới 0.6 lao động/buồng.
Tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình chỉ khoảng 0,4 lao động/buồng. Đặc biệt thiếu nhân sự vào thời điểm cao điểm như nghỉ lễ, Tết, cuối tuần. Cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng/miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, du lịch Việt Nam đã tái khởi động theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính Phủ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương và đơn vị trong ngành.
Thời gian qua là cơ hội để các đơn vị trong ngành du lịch tái cơ cấu nguồn nhân lực, nâng cấp, làm mới các cơ sở đón khách. Các đơn vị đã không ngừng nỗ lực bằng những cách làm sáng tạo, đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, ứng dụng thực tế ảo... Những số liệu cho thấy tình hình phục hồi du lịch hết sức khả quan. Sau 4 tháng mở cửa toàn ngành đã phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa,đón 733.400lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu đạt khoảng 316.000 tỷ đồng, trên 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước trở lại hoạt động bình thường.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch
Công tác đào tạo nhân lực du lịch dù đang hướng tới đạt được kiến thức, kỹ năng theo các tiêu chuẩn đã được thỏa thuận trong khu vực và mở rộng ra phạm vi toàn cầu, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Số lượng cơ sở đào tạo du lịch ngày càng gia tăng nhưng năng lực đào tạo dù có cải thiện nhưng vẫn hạn chế. Tính liên thông của chương trình là vấn đề cần giải quyết, kết cấu khung chương trình đào tạo giữa các cơ sở khác nhau về tỉ lệ giữa khối kiến thức đại cương và chuyên ngành, chưa có sự liên kết, thống nhất trong chương trình, mục tiêu đào tạo chưa rõ ràng, không thừa nhận lẫn nhau.
Một số cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, chưa theo kịp các quốc gia trong khu vực, chưa có giáo trình thống nhất theo chuẩn chung. Một số nơi công tác đào tạo còn manh mún cả về quy mô và cơ cấu. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị của nhiều cơ sở đào tạo thiếu, cũ, lạc hậu, không đồng bộ và còn khoảng cách khá lớn so với các khách sạn liên doanh, khách sạn từ 3 sao trở lên, các khu nghỉ dưỡng cao cấp (resort). Công tác đào tạo tại chỗ chưa được quan tâm đúng mức.
GS.TS Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng cần phải định hướng lại cách phát triển nguồn nhân lực khách sạn sau đại dịch COVID-19 do sự thay đổi nhu cầu của khách, thay đổi thị trường, phương thức kinh doanh thay đổi thông qua việc thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức ứng dụng công nghệ số, cách thức đào tạo.,.
"Việc nâng cấp nghiệp vụ của người lao động trong lĩnh vực lưu trú là yêu cầu cấp thiết sau dịch, đặc biệt nâng cấp về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp cần phải được sớm bồi dưỡng, củng cố. Đòi hỏi tính chuyên nghiệp ngày càng cao nhất là trong bối cảnh nhân lực đã không được phục vụ khách trong thời gian dài do giãn cách xã hội và đóng cửa hoạt động du lịch", ông Hùng nói.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đưa ra một số khuyến nghị đối với ngành du lịch khách sạn trong việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể như sau:
Đối với người lao động
Chủ động học hỏi, tăng cường nghiệp vụ và các kỹ năng ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, phân tích dữ liệu, vận hành.
Tăng cường, trau dồi, nâng cao các kỹ năng mềm: giao tiếp, ứng xử, sáng tạo và đổi mới, chăm sóc khách hàng, lấy khách hàng làm trọng tâm.
Đối với các cơ sở lưu trú
Có các chính sách đãi ngộ giữ chân lao động giàu kinh nghiệm, chất lượng cao; khuyến khích, thu hút, kêu gọi người lao động đã có kinh nghiệm trở lại làm việc.
Đào tạo tại chỗ các kỹ năng, kiến thức về công nghệ số, chuyển đổi số.
Chủ động kết nối với cơ sở đào tạo du lịch trong việc cập nhật thông tin, hợp tác, liên kết đào tạo nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp; trong việc tiếp nhận thực tập sinh, nhằm nâng cao chất lượng nghiệp vụ, tìm kiếm đào tạo nhân tài.
Nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ lưu trú, phát triển các dịch vụ mới trong hoạt động lưu trú có tính cạnh tranh cao để nâng cao thương hiệu cho cơ sở lưu trú.
Chủ động các biện pháp đặt hàng, ký kết thỏa thuận đào tạo có ràng buộc đáp ứng nhu cầu thực hiện hoạt động của cơ sở lưu trú, hợp tác với nhà nước, nhà trường trong đào tạo theo nhu cầu của các bên, trực tiếp tham gia giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo du lịch đáp ứng vững lý thuyết, giỏi thực hành.
Đối với các cơ sở đào tạo
Tăng cường thu hút đầu tư vào hệ thống đào tạo, cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng dạy và quản lý đào tạo.
Cập nhật thường xuyên và đưa các tiêu chuẩn nghiệp vụ khu vực và quốc tế vào quá trình đào tạo, hệ thống hóa lại tài liệu giảng dạy nhằm thống nhất, đảm bảo chất lượng đầu ra.
Đưa vào chương trình đào tạo các kiến thức liên quan đến công nghệ số, chuyển đổi số, phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng mới trên thị trường quốc tế và với yêu cầu của các cơ sở lưu trú.
Chủ động mở cửa, hợp tác với bên ngoài để chuyển giao tri thức, các công trình nghiên cứu khoa học hữu ích cho cộng đồng; tích cực tham gia liên kết, hợp tác đào tạo nhân lực du lịch theo đơn đặt hàng của các bên có nhu cầu.
Chương trình, phương pháp đào tạo khoa học (đổi mới, phát triển chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu của xã hội; tăng thực hành, giảm lý thuyết; linh động, tạo điều kiện cho người học đáp ứng về thời gian tham dự, … nhưng vẫn đảm bảo thời lượng, chương trình đào tạo theo quy định).
Đối với Hiệp hội du lịch, Hiệp hội Khách sạn
Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Khách sạn giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc xây dựng các thỏa thuận, chương trình hành động nhằm khắc phục trình độ nghiệp vụ, kỹ năng nghề, công nghệ số, chuyển đổi số…
Hỗ trợ, tư vấn cho các cơ sở lưu trú trong quá trình điều chỉnh, sắp xếp hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với tiêu chuẩn kỹ năng nghề khu vực, quốc tế.
Phát triển đội ngũ quản lý, thẩm định, đánh giá khả năng, chất lượng của nguồn nhân lực dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề khu vực, quốc tế nhằm nâng cao chất lượng mặt bằng chung.
Du lịch Việt Nam cần nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi, thích ứng an toàn, phát triển...