Thị trường nội địa là "bệ đỡ" để phát triển du lịch quốc tế

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du lịch Việt Nam cần nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi, thích ứng an toàn, phát triển nhanh, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế

Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ (Nghị quyết 11/NQ-CP) và triển khai quyết định mở cửa toàn diện, ngành du lịch đang triển khai chương trình khôi phục và phát triển mạnh mẽ.

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM đang tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực để phục hồi kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 8 - 8,5%/năm. Trong 7 tháng của năm 2022, ngành du lịch TP.HCM đã có những khởi sắc đáng khích lệ khi đón khoảng 13 triệu lượt khách du lịch nội địa và khoảng hơn 765.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu du lịch ước đạt 60 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 76% so với kế hoạch năm 2022.

Tuy nhiên, lượng khách quốc tế lại tăng rất chậm, đến hết tháng 6 năm 2022 mới đạt 600.000 lượt, chiếm 12% kế hoạch năm 2022 (5 triệu lượt). Như vậy, nếu không có các hoạt động quyết liệt, khả năng hoàn thành kế hoạch thu hút 5 triệu khách sẽ rất khó khăn. Do vậy, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế là yêu cầu cấp bách hiện nay.

"Vì vậy, TP.HCM đã ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình phục hồi, phát triển du lịch; tập trung nâng chất và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn; đẩy mạnh thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch; khởi động lại hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước", bà Thắng nói.

Thị trường nội địa là "bệ đỡ" để phát triển du lịch quốc tế - 1

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Bộ Trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần tập trung hoàn thiện quy hoạch hệ thống du lịch, coi quy hoạch là gốc, không chỉ là giải pháp mà là mục tiêu, động lực. Các địa phương quy hoạch điểm đến, khu du lịch để tạo điều kiện vấn đề kết nối.

Bên cạnh đó, Bộ cũng phải làm nhiệm vụ quảng bá xúc tiến, kết nối và liên kết, nhân các sự kiện và quan hệ ngoại giao. Cần phải làm sự kiện lớn ở một số thị trường để làm ấm lại thị trường, trong đó có sự kiện Hội chợ triển lãm du lịch tại Hàn Quốc sắp tới. Đồng thời, tính toán, mở rộng thị trường Mỹ, đề xuất cơ chế thành lập Trung tâm phát triển du lịch ở quốc gia và vùng du lịch.

Ngoài ra, mỗi địa phương cần có sản phẩm du lịch đặc sắc. Cùng với đó là tận dụng nguồn lực và vai trò dẫn dắt, điều tiết trong việc hỗ trợ du lịch và phải làm tốt hơn nữa trong công tác quản lý.

"Doanh nghiệp là trái tim của ngành kinh tế. Cần tập trung rà soát chiến lược một cách căn cơ, bài bản, tái cơ cấu, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch tiến hành nhiệm vụ phát triển du lịch theo đúng định hướng", Bộ trưởng nói.

Thị trường nội địa là "bệ đỡ" để phát triển du lịch quốc tế - 2

Bộ Trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, du lịch quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài; hoạt động xuất khẩu tại chỗ và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Ngoài ra, du lịch quốc tế phát triển cũng giúp củng cố và phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới.

Mặc dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành du lịch. Do vậy, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành du lịch.

"Các doanh nghiệp cần hợp tác, liên kết để xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt giúp đưa Việt Nam trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách quốc tế và để người dân Việt Nam có thể đến những vùng đất đáng đến, làm lan tỏa hình ảnh của Việt Nam đến toàn cầu", ông Bình nói.

Thị trường nội địa là "bệ đỡ" để phát triển du lịch quốc tế - 3

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định một số xu hướng du lịch quốc tế ở Việt Nam bao gồm: yếu tố an toàn, du lịch phục hồi sức khỏe, lựa chọn phương thức di chuyển, du lịch ngoài trời, du lịch gắn với công nghệ cao....

"Du lịch Việt Nam cần nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi, thích ứng an toàn, phát triển nhanh, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Hơn lúc nào hết, một lộ trình phục hồi mạnh mẽ cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch quốc tế nói riêng là vô cùng cần thiết để đảm bảo phục hồi, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững", Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, hiện nay vấn đề mở cửa song phương nhiều thị trường lớn rất được quan tâm vì vậy các chính sách visa cũng cần phải khơi thông nhanh chóng. 

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đề xuất có hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn khác biệt độc đáo, đặc biệt với nền tảng du lịch Việt Nam. Doanh nghiệp lữ hành cũng cần xây dựng nhiều sản phẩm du lịch chủ chốt. Hiện các doanh nghiệp đang khó khăn tiếp cận hoạt động xúc tiến nước ngoài nên rất cần sự hỗ trợ xúc tiến tốt cho các điểm đến.

Về nhân lực du lịch sau đại dịch COVID-19, ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) nhận định do bị tổn thất, đứt gãy trong thời gian đại dịch nên ngành du lịch đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Vì vậy, cần thiết có các chính sách hỗ trợ những chương trình, cơ sở đào tạo về du lịch để có thể đẩy nhanh các khóa học, chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo nhu cầu cấp bách trước mắt hiện nay và lâu dài, mở rộng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đối tác quốc tế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn An

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!