Về Đại Lộc thưởng thức bánh xèo cô Hải thơm ngon

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Món bánh xèo vùng Đại Lộc (Quảng Nam) đã no rồi vẫn muốn được ăn thêm vài cái nữa, bởi bánh được làm khá công phu và có hương vị thơm ngon, bùi béo.

Chúng tôi có dịp thưởng thức các món bánh xèo của cô Hải (trú tại xóm Thượng Phước, tổ 2, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vào một ngày cuối tháng 8.

Người dân vùng Đại Lộc cho hay, bánh xèo thì vùng nào cũng có, tuy nghe cái tên rất dân dã nhưng được chế biến khá cầu kỳ và tinh tế. Khi thưởng thức loại bánh này, dường như người "xứ Đại" đã mang cả "hồn cốt" quê hương với nhiều sản vật từ thiên nhiên và chắt chiu cả tấm lòng của người dân quê vào trong từng chiếc bánh.

Về Đại Lộc thưởng thức bánh xèo cô Hải thơm ngon - 1

Bánh xèo hoa lý thơm ngon, bùi béo.

Thưởng thức bánh xèo xứ Đại ai cũng cảm nhận được hương vị tinh túy của hạt gạo "xuyệt" dẻo thơm; vị béo, ngọt đậm đà của tôm và thịt heo, hương thơm nồng ấm của các loại gia vị sẽ làm say lòng người thưởng thức. Cho nên loại bánh xèo được nâng tầm lên bàn cúng tổ tiên, ông bà vào các dịp giỗ, kỵ, chạp mả, mùng 5, rằm, Tết… ở một số vùng quê xứ Quảng.

Đến vùng quê Đại Lộc vào những ngày mưa gió hay rằm tháng 10, nhà nhà ở Đại Lộc làm bánh xèo nên đi từ đầu làng đến cuối làng đều nghe tiếng đổ bột ướt vào chảo nghe  "xèo", "xèo" rất vui tai và mùi thơm của bánh xèo tỏa khắp xóm làng. Hình ảnh này đọng lại trong ký ức của nhiều người, bởi vậy những người con ở Đại Lộc xa quê vẫn thường nhắc đến món bánh xèo mang đậm hương vị quê nhà mỗi khi nhìn trời đầy mưa gió.

Về Đại Lộc thưởng thức bánh xèo cô Hải thơm ngon - 2

Làm bánh xèo với nhân tôm, thịt, hoa lý…

Theo lời cô Hải, để tạo nên một chiếc bánh xèo thơm ngon, bùi béo, ngoài bột gạo "xuyệt" dẻo thơm, còn cần những nguyên liệu khác như tôm tươi, thịt heo ba chỉ, giá tươi, dầu phộng, hoa lý, các loại gia vị…

Trước khi đúc, bột gạo được khuấy lên, thêm ít muối, bột nghệ rồi trộn đều đến khi có được hỗn hợp bột lỏng, mịn, không đóng cục. Tiếp theo, hành lá (hay lá hẹ, lá lốt) xắt nhỏ cho vào trộn và thêm một chút dầu ăn, để bột khoảng 30 phút nhằm hòa tan tất cả gia vị lại, để khi cho vào chảo, bột sẽ tráng đều mặt chảo.

Riêng tôm phải lột vỏ, cắt râu và làm sạch; thịt heo nạc xắt miếng mỏng, ướp gia vị hành, tiêu, mì chính, tỏi và không thể thiếu gừng cay và đem hổn hợp nhân này vào xào vừa chín là được. Bắc chảo lên bếp lửa, chờ cho chảo nóng, dùng cuốn lá chuối chấm dầu phụng thoa lên mặt khuôn, rồi đổ bột vào, trên bột bỏ thêm giá đỗ và tôm sông, thịt heo và đậy vung lại chờ cho bánh chín.

Cô Hải cho hay, muốn hấp dẫn thực khách không chỉ nhờ vào chiếc bánh vàng ươm, giòn rụm mà rau sống và nước chấm cũng là yếu tố rất quan trọng. Trong đó, rau sống phải có dưa leo, cải con, giá sống, rau quế, nõn chuối chát (chuối hột) xắt mỏng, xà lách, khế chín, tía tô, lá mận, lá gừng…

Còn nước chấm chính là điều làm nên hồn cốt của món ăn. Để pha chế nước chấm, cô Hải chọn loại mắm nêm ngon nhất lấy từ một quầy hàng quen thuộc trong chợ, mang về để nguyên nhằm giữ mùi đặc trưng, sau đó  lấy một muỗng canh bột bắp (hay bột gạo) hòa với 2 phần chén nước sôi cho sền sệt hòa với mè rang (đã giã), thơm (dứa) chín vắt nước, mắm nêm (hoặc mắm nước ngon), mì chính, gừng, tỏi ớt chanh… Khi dọn  bánh bèo đã làm ra mâm, rắc thêm mè rang (không giã) thơm vàng và khuấy đều chén nước chấm có màu nâu sẫm, hương vị đặc trưng.

Về Đại Lộc thưởng thức bánh xèo cô Hải thơm ngon - 3

Đĩa bánh xèo hoa lý với nhiều màu sắc bắt mắt.

Hôm đó, cô Hải cũng làm thêm món "bánh xèo hoa lý" rất ngon như sau: Rửa sạch tôm, thịt, bỏ vào nồi đổ nước dùng ít nhiều tùy lượng bột. Đổ vào một muỗng cà phê dầu phộng, vài lát gừng và vài củ nén đập dập, một muỗng cà phê mì chính và nấu sôi lên khoảng vài phút. Khi nghe mùi thơm thì vớt tôm, thịt ra để ráo và xắt thịt heo dày, mỏng theo ý muốn.

Nước luộc tôm, thịt khi để nguội sẽ sử dụng làm nước hòa đều với bột khô và không quên đập bỏ thêm vào vài quả trứng gà, bột nghệ (để tạo màu bánh), một ít lá lốt xắt sợi và lấy trùng vừa vẹn trước khi làm với mục đích bánh xèo đúc ra mềm, dai, giòn và thơm ngọt nhờ nước luộc tôm, thịt. Chú ý, trộn đều lên cho hỗn hợp này hoà quyện vào nhau và để "bột nở" khoảng 30 phút mới tiến hành làm bánh.

Chia sẻ bí quyết để hoa lý trong bánh xèo có màu tươi, giòn, thơm ngon, bùi béo, cô Hải cho biết, khi trụng (chần) hoa lý thì bỏ vào nồi một ít bột nêm và dầu ăn cho giữ độ bóng, xanh tự nhiên. Vài phút sau vớt hoa lý ra và vắt nhẹ cho hoa lý ráo nước trước khi trải lên bánh xèo đang đúc. Chú ý, hoa lý đã trụng chỉ trải lên trên bánh xèo khi bánh đã gần chín để giữ độ tươi, giòn, bùi, béo của hoa lý góp phần tạo nên hương vị đặc trưng của bánh xèo hoa lý.

Về Đại Lộc thưởng thức bánh xèo cô Hải thơm ngon - 4

Bánh xèo hoa lý thơm ngon với nhiều hương vị.

Với hương vị giòn rụm của bánh xèo Đại Lộc với vỏ bánh ngoài giòn, mềm ngọt bên trong cuốn trong bánh tráng mỏng Đại Lộc cùng với vị ngọt, béo của tôm, thịt, hòa quyện với vị bùi, giòn của hoa lý, vị tươi mát của rau xanh, chấm với một chút nước chấm "chuyên dùng" rồi thưởng thức thì trên cả tuyệt vời.

Còn gì ngon hơn trong những buổi chiều mưa trời lành lạnh khi tiết trời chuyển mùa, được thưởng thức bánh xèo Đại Lộc còn nóng, bọc trong lá chuối được người ăn đem cuộn với rau sống xứ Quảng và bánh tráng mỏng, chấm với nước chấm đặc trưng hòa quyện với hương vị của bột gạo xuyệt, vị thơm của lá lót, lá hẹ; vị cay của ớt, vị mặn của mắm, vị béo ngọt của tôm sông và thịt heo cỏ hòa quyện vào nhau.

Chuyện kể rằng, cô gái "xứ Đại" thường đãi người bạn trai quê ở làng chài Tam Hải (H. Núi Thành) món bánh xèo. Không biết vì mê cô gái hay mê món "bánh xèo xứ Đại" của cô gái làm mà sau này. hai người nên nghĩa vợ chồng.

Hiện nay, vẫn còn lưu truyền câu ca:

"Có công lội suối băng đèo

Cũng vì nhớ cái bánh xèo thơm ngon".

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh: Lê Văn Kỳ

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.