Ông Phạm Chánh Trực và cuộc xuất quân của 1 vạn thanh niên sau ngày thống nhất

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

50 năm trước, ông Phạm Chánh Trực cùng với các đồng chí của mình nổi dậy giành chính quyền tại Sài Gòn và ngay sau đó là tập hợp lao động khôi phục sản xuất sau chiến tranh. Trong thời đại Cách mạng 4.0, ông đặt niềm tin vào những thế hệ thanh niên giỏi tiếp thu và làm chủ công nghệ hiện đại.

Thời thanh xuân làm cách mạng

Ông Phạm Chánh Trực (86 tuổi, bí danh Năm Nghị) nguyên Phó ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM có quê gốc ở Vĩnh Long. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở một vùng quê độc lập, nơi không có quân Pháp đóng đồn bốt, quản lý.

Năm 1948, ông học xong tiểu học. Dù muốn tiếp tục lên trung học nhưng với một câu bé mới 9 tuổi, ông không thể xa nhà và tự chăm sóc bản thân. Ở lại quê hương, ông theo cha khi đó là Trưởng ban giáo dục bình dân học vụ của xã đi xóa mù chữ. Năm 1952, giặc Pháp đóng bốt ở một thị trấn đầu xã, khiến cha phải đưa ông cùng người em lên thị xã, gửi nhà người bạn làm giáo viên.

Ông Phạm Chánh Trực và cuộc xuất quân của 1 vạn thanh niên sau ngày thống nhất - 1

Ông Phạm Chánh Trực chia sẻ ký ức ngày độc lập 30/4 và vai trò thanh niên trong thời đại mới. Ảnh: Gia Phúc

Năm 1957 ông lên Sài Gòn học và tham gia phong trào sinh viên, sau đó làm Bí thư đoàn ủy sinh viên Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM) năm 1965. Với tinh thần hăng hái tuổi thanh niên, ông Trực lãnh đạo, tổ chức các hoạt động phong trào sinh viên, xây dựng cơ sở, đấu tranh, biểu tình đòi hòa bình.

Giai đoạn 1966 - 1967 khi sinh viên giành được Tổng hội sinh viên Sài Gòn, chuyển hoạt động từ bí mật sang công khai với các phong trào mạnh mẽ, ở tất cả các thành phần trong xã hội không chỉ riêng học sinh - sinh viên. Khi hoạt động thanh niên, ông hai lần bị bắt vào năm 1961 khi đang là sinh viên. Một năm sau đó, ông Trực và một số đồng chí vượt ngục thành công và trở lại công tác.

Năm 1969, ông bị bắt lần 2, vào trại giam Tân Hiệp, Biên Hòa. Do không đủ hồ sơ để ra tòa và kết án, nhưng địch vẫn tạm giữ ông và các đồng đội vì nghi ngờ theo cách mạng. Một năm sau đó, ông vượt ngục và tiếp tục hoạt động.

Ngày Sài Gòn được giải phóng đến gần khi Chiến dịch Hồ Chí Minh của Quân giải phóng miền Nam bắt đầu vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Ông Năm Nghị khi đó 36 tuổi, đang là Bí thư Thành đoàn Sài Gòn được biệt phái làm Bí thư Ban cán sự Đảng Quận 11 với nhiệm vụ tổ chức nổi dậy giành chính quyền địa phương. Trong giai đoạn này, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định bố trí 5 điểm khởi nghĩa giành chính quyền ở các vị trí cửa ngõ thành phố.

Cùng với đó một số vị trí quan trọng trong thành phố được chọn làm nơi khởi nghĩa giành chính quyền. Quận 11 do ông Trực phụ trách dự kiến tổ chức khởi nghĩa để đón quân giải phóng của Bộ chỉ huy tiền phương phía Tây Nam. “Các vị trí khởi nghĩa giành chính quyền nhiều nơi nhằm mục đích tạo thuận lợi cho bộ đội ta tiến vào tiếp quản thành phố”, ông Trực nói.

Trong đêm 29 đến sáng 30/4 nhiều nơi trong thành phố tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền. Tại quận 11, khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố sỹ quan, binh sĩ giữ nguyên vị trí, không được nổ súng qua sóng phát thanh vào sáng 30/4, các lực lượng của quận 11 tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền. Tại các phường, chính quyền chế độ cũ được yêu cầu giải tán, cán bộ địa phương tiếp quản và điều hành chính quyền mới.

Trưa 30/4, với sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả các đơn vị địa phương, quân giải phóng tiến vào thành phố với cờ bay phấp phới trên các toà nhà, trụ sở chính quyền. Nhiều người dân vui mừng hò reo, bày tỏ niềm hạnh phúc trong ngày độc lập. “Khi bộ đội tiến vào, có sự hưởng ứng, sự phối hợp hiệp đồng các lực lượng để việc tiếp quản chính quyền thực thi hiệu quả. Đây là kết quả việc kết hợp giữa các phương án chính trị, vũ trang, binh vận để có được thành quả cách mạng”, ông Trực nhớ lại.

Khai hoang xây dựng quê hương

Sau khi Sài Gòn giải phóng, thành phố phải đối mặt hai thách thức lớn nhất là nạn đói và thất nghiệp, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy. Nền kinh tế thành phố trong chiến tranh chủ yếu từ nguồn viện trợ của Mỹ, nền sản xuất nhỏ lẻ và bị tàn phá. Khi giải phóng, chính quyền địa phương tổ chức mở kho thóc, phát cho dân để giải quyết nạn đói trước mắt. Nhưng về lâu dài, cần thiết có một chiến lược căn cơ để giải quyết hai vấn đề này.

“Thời kỳ đó thành phố có hàng trăm nghìn lính ngụy tan rã, cùng nhiều tầng lớp lao động từ trung ương đến cơ sở của chế độ cũ. Bên cạnh đó, là lực lượng lao động thành phố như nông dân, công nhân thất nghiệp lên tới hàng trăm nghìn người. Đó là bài toán nan giải”, ông Trực nhớ lại.

Với tinh thần xung kích, dấn thân, ông Trực trở lại làm Bí thư Thành đoàn TPHCM với mục tiêu tổ chức lại sản xuất nhằm đưa thanh niên, người lao động ra các vùng ven khai hoang, phát triển nông nghiệp. Đề xuất đưa thanh niên đi lao động, sản xuất tại các địa bàn vùng ven sau đó được Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt ủng hộ và triển khai.

Bí thư Võ Văn Kiệt sau khi nghe báo cáo đã chỉ đạo các cơ quan, quân đội hỗ trợ cho đợt ra quân sản xuất quy mô lớn. Trước đó, Thành ủy TP HCM chỉ đạo các cơ sở, quận đoàn, vận động quần chúng đăng ký thanh niên xung phong, tìm kiếm các trang bị như cuốc, xẻng, dao, rựa… phục vụ khai hoang, sản xuất. Mỗi thanh niên xung phong được trang bị quần áo, tấm nilong che mưa nắng, hạt giống…

Về phương tiện cơ giới phục vụ vận chuyển, lực lượng hậu cần quân đội hỗ trợ, kết hợp với huy động xe buýt phục vụ đưa đón thanh niên. Theo ông Trực, Thành đoàn trước đó đã liên hệ các tỉnh thảo luận khu vực khai hoang, điều kiện thổ nhưỡng, trồng loại cây, nuôi con gì thích hợp để có kế hoạch sản xuất.

Ông Phạm Chánh Trực và cuộc xuất quân của 1 vạn thanh niên sau ngày thống nhất - 2

Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt trao cờ truyền thống cho Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Chánh Trực (phải) trong lễ ra quân Thanh niên Xung phong năm 1976. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Ngày 28/3/1976 sau quá trình chuẩn bị, khoảng 1 vạn thanh niên, lao động với đủ thành phần tham gia khai hoang, làm kinh tế ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Thời gian đầu, việc khai hoang gặp không ít khó khăn do bom đạn còn sót lại nhiều sau chiến tranh. Lực lượng thanh niên xung phong vừa tổ chức sản xuất vừa phối hợp lực lượng công binh rà phá bom mình để biến những vùng rừng núi rậm rạp, đất cằn cỗi, bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành những cánh đồng hoa màu xanh tươi bạt ngàn.

Ông Phạm Chánh Trực và cuộc xuất quân của 1 vạn thanh niên sau ngày thống nhất - 3

Lực lượng Thanh niên Xung phong TPHCM khai hoang tại Củ Chi năm 1976. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Kể về ý nghĩa hoạt động khai hoang, phục hóa những vùng đất mới, ông Phạm Chánh Trực nói đó không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về tính hòa hợp dân tộc. Những thanh niên xung phong có thể trong chiến tranh họ ở hai đầu chiến tuyến. Nhưng khi hòa bình lặp lại, nhờ lao động sản xuất đã giúp họ thay đổi nhận thức, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.

“Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy tinh thần hòa hợp dân tộc sau giải phóng. Không có những thành kiến hay phân biệt đối xử giữa những người lao động”, ông Trực kể về những thay đổi trong nhận thức của thanh niên xung phong. Quá trình khai hoang thể hiện sự thay đổi từ quan điểm thành phố phục vụ chiến tranh trở thành thành phố lao động sản xuất, tự lực tự cường. Những chàng trai, cô gái trong lao động đã bỏ hết những chuyện quá khứ, cùng xây dựng tương lai, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế. Đây là cơ sở để các lực lượng thanh niên xung phong trưởng thành rất nhanh do tư tưởng thông suốt.

Kỳ vọng thanh niên thời đại mới

Sau thời gian làm công tác đoàn, ông Phạm Chánh Trực chuyển sang làm quản lý nhà nước ở nhiều vị trí khác nhau của TP.HCM như Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo, Bí thư Quận ủy Quận 5, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP.HCM, Phó Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM…

Ông kể, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn quan tâm đến hoạt động thanh niên. Bởi ông cho rằng thanh niên là cánh tay đắc lực, là lực lượng hậu bị của Đảng. Trải qua thăng trầm lịch sử, ông nói sau 50 năm thanh niên Việt Nam luôn thể hiện tinh thần xung kích, năng động sáng tạo trong mọi mặt kinh tế, xã hội. Tuổi trẻ ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng…và nhiều nơi khác có khả năng tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ thế giới.

“Hơn 1 năm trước, tôi từng nghĩ thanh niên cần có thời gian tiếp cận các công nghệ của công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo. Nhưng không ngờ thanh niên hiện nay không chỉ tiếp cận, mà còn tham gia ứng dụng, nghiên cứu phát triển công nghệ thuộc top đầu khoa học công nghệ trên thế giới”, ông Trực bày tỏ tự hào. Ông cho rằng đây là sự trưởng thành rất nhanh của thanh niên về kiến thức, năng lực sáng tạo. Thanh niên ở nông thôn cũng không nằm ngoài xu thế này khi nhiều nơi đã sử dụng máy bay không người lái (drone) phục vụ nông nghiệp.

Tuy nhiên, ông Trực cho rằng, lực lượng thanh niên còn phân tán khi một bộ phận vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều người lao động việc làm bấp bênh, những người làm kinh doanh được lại chủ yếu đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Trong khi đó, hoạt động sản xuất công nghệ cao, sản xuất thông minh chưa nhiều. Nêu lý do, ông Trực nói lực lượng thanh niên đa phần là tuổi đời chưa nhiều, chưa có quá trình tích lũy, tài sản, vốn…

Do vậy, nhà nước, xã hội cần có chính sách tập hợp, phát huy năng lực của thanh niên lao động theo hướng tổ chức lại sản xuất có trang bị kỹ thuật hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị cao theo đúng quy luật phát triển của một nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa hiện đại hóa. Theo ông Trực, thanh niên không chỉ phát huy nền tảng kiến thức, hiểu biết, tiếp cận khoa học công nghệ mà cần có tư tưởng tiến bộ, quyết tâm, đoàn kết cùng nhau để tổ chức thành lực lượng sản mới, làm sao thực hiện cho được lý tưởng cách mạng của mình.

Ông đánh giá, bất cứ quốc gia nào đều coi thế hệ trẻ là là rường cột nước nhà, phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ dám làm của người trẻ để thực hiện những ước mơ, hoài bão lớn. “

TPHCM có truyền thống anh hùng, có tinh thần năng động sáng tạo và nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Nhiệm vụ của thanh niên phải tạo ra được giá trị mới, tổ chức mới, sản phẩm mới cho đất nước, xã hội để xứng đáng với xương máu ông cha đã hy sinh giành lại được độc lập, dân tộc như ngày hôm nay”, ông Trực đặt niềm tin.

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Gia Phúc

CLIP HOT

Những
Những "luồng gió mới" thay đổi thị trường F&B Việt Nam

Bất chấp những khó khăn, kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) vẫn là một trong những ngành thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Năm 2025 được các chuyên gia dự đoán sẽ là bức tranh đầy mới mẻ, với nhiều tín hiệu tích cực và cơ hội cho những ai biết nắm bắt.