Nếu đã âm tính, sao còn bắt buộc khách quốc tế ngồi yên 24 giờ?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Doanh nghiệp du lịch, lữ hành cho rằng quy định thắt chặt kiểm soát dịch của Bộ Y tế sẽ gây ra ảnh hưởng tâm lý cho du khách và khó có thể thu hút khách tới Việt Nam.

Bộ Y tế vừa có công văn phúc đáp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xin ý kiến đối với dự thảo Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung, sửa đổi nội dung dự thảo một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19:

Việc mở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực dự kiến cung cấp dịch vụ lưu trú, thăm quan, vui chơi, giải trí... cho khách du lịch, đồng thời địa phương cần có kế dự phòng, đáp ứng với các tình huống dịch bệnh COVID-19 có thể xảy ra trong quá trình mở cửa đón khách du lịch nhằm đảm bảo an toàn tuyệt cho du khách và cộng đồng.

Nội dung phương án cần quy định, làm rõ trách nhiệm của địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú và đặc biệt cá nhân hành khách trong việc giám sát, quản lý, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, lưu ý việc kiểm tra giám sát việc xét nghiệm, khai báo y tế, thực hiện 5K của hành khách trong những ngày đầu nhập cảnh (3 ngày đối với người đã tiêm đủ mũi vaccine và 7 ngày đối với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine).

Nếu đã âm tính, sao còn bắt buộc khách quốc tế ngồi yên 24 giờ? - 1

Du khách quốc tế đến Việt Nam cần đảm bảo quy định phòng chống dịch COVID-19

Đáng chú ý là Bộ Y tế còn quy định du khách nên ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày.

Trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ, thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 từ khi nhập cảnh. Kết quả từ phương pháp test nhanh kháng nguyên được công nhận.

Phản hồi này của Bộ Y tế khiến nhiều doanh nghiệp du lịch thất vọng và lo lắng sẽ không có nhiều khách quốc tế đến Việt Nam sau ngày 15/3.

Theo ông Trương Gia Khánh - Giám đốc VianTravel, việc đón khách hiện nay vẫn còn một số các rào cản nhỏ về việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong vòng 24 giờ đầu tiên khi đến Việt Nam, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của du khách khi đi du lịch. Doanh nghiệp hoàn toàn đồng tình về việc du khách sẽ phải chờ kết quả để có thể tiếp tục chuyến đi trong 24 giờ giờ đầu tiên để đảm bảo sức khoẻ của du khách và cộng đồng. 

Tuy nhiên, về phía du khách, họ không thể chủ động được kết quả xét nghiệm là âm tính hay dương tính. Vì thế, nếu khách có kết quả dương tính chắc chắn chuyến đi của họ sẽ bị ảnh hưởng về lịch trình cũng như chi phí. Khi du khách bị buộc đi cách ly thì cũng sẽ có những cảm xúc không tốt về chuyến đi,hình ảnh về điểm đến cũng ảnh hưởng nếu công tác phục vụ cách ly không tốt. 

Đối với doanh nghiệp, kết quả dương tính của khách là điều không mong muốn. Doanh nghiệp cũng sẽ cần có phần trách nhiệm để hỗ trợ du khách trong giai đoạn cách ly và điều trị. Chi phí doanh nghiệp sẽ tăng, khó lường trước các chi phí dự trù nếu cả đoàn khách đều có kết quả thì chi phí sẽ rất lớn. 

“Chính phủ đã xác định sống chung với dịch thì tôi nghĩ nên có cách nhìn thoáng hơn về F0 trong cộng đồng, hãy nghĩ nó chỉ là bệnh cúm như WTO đã thông báo. Nếu du lịch mở cửa thực sự thì cần có những bước kiểm soát tốt hơn trước khi khách bắt đầu chuyến đi để tránh việc phải cách ly ở nước sở tại”, ông Khánh nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Châu - Phó Giám đốc Viettours cho rằng tâm lý du khách quốc tế khi đến Việt Nam sẽ không được thoải mái vì khi họ đi du lịch cần phải sẵn có chứng nhận âm tính, lúc đến cửa khẩu Việt Nam vẫn cần phải test nhanh thêm 1 lần nữa. Nếu đã âm tính rồi thì không nên hạn chế du khách rời khỏi nơi lưu trú, điều này tác động tiêu cực đến trải nghiệm của khách. 

Ông Châu cho biết thêm, với quy định mới thì bắt buộc các doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ phải thiết kế lại chương trình tour, chắc chắn sẽ phát sinh thêm 1 ngày tour dẫn đến giá thành tour cũng sẽ tăng lên. Điều này sẽ khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, chậm bước phục hồi.

Nếu đã âm tính, sao còn bắt buộc khách quốc tế ngồi yên 24 giờ? - 2

Tâm lý du khách quốc tế khi đến Việt Nam sẽ không được thoải mái nếu phải xét nghiệm nhiều lần và quy định không rời khỏi nơi lưu trú 24h đầu tiên

Theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel nhận định, thực tế sau khi khách có xét nghiệm PCR trong vòng 72h trước khi nhập cảnh nhưng sau khi về đến Việt Nam và theo dõi sức khỏe tại khách sạn thì vẫn bị nhiễm. Việc mở cửa toàn bộ sẽ tạo điều kiện để khôi phục nhanh chóng ngành du lịch nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối việc phòng, chống dịch COVID-19. 

Vietravel đánh giá quy định du khách ở tại nơi lưu trú trong vòng 24h sau khi nhập cảnh và thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh là cần thiết và không quá gây bất tiện cho khách, thời gian ở tại nơi lưu trú chỉ trong vòng 1 ngày và test nhanh và không bắt buộc phải PCR. 

“Trong trường hợp các cửa khẩu quốc tế đáp ứng được các điều kiện và cơ sở vật chất thì có thể tính toán đến việc test nhanh ngay tại sân bay, cửa khẩu đường bộ, đường biển,... Tuy nhiên phải đảm bảo không để du khách phải chờ đợi quá lâu, gây ùn ứ, tập trung đông người. Nếu kết quả âm tính thì khách được tiếp tục tour, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định”, bà Khanh nói.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 597/BVHTTDL-TCDL gửi Sở quản lý du lịch các địa phương trên toàn quốc về công tác chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch, phương án mở cửa du lịch phù hợp với địa phương và các chủ trương, văn bản hướng dẫn liên quan đến mở cửa lại hoạt động du lịch; đề xuất các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn An

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!