Tản mạn về phụ nữ Việt Nam nhân ngày 20/10

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

"Tôi không tin, phụ nữ bình thường ngày nay có thể cùng lúc ‘giỏi việc nhà, đảm việc nước’. Thời chiến, đàn ông ra trận, phụ nữ ở nhà phải gánh việc thay. Còn hòa bình rồi, đừng dại dột độc quyền hai giỏi, phải chia bớt cho đàn ông".

Trên thế giới, chẳng nước nào mà phụ nữ lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử như Việt Nam. Người Việt trước đây theo chế độ mẫu hệ, bởi tổ tiên là phụ nữ.

Từ bé, ai cũng từng thuộc lòng bài học lịch sử "Lạc Long Quân và Âu Cơ với sự tích trăm trứng". Vốn dòng giống Tiên Rồng, nên sau đó mỗi người một ngả. Mẹ Âu Cơ dắt 50 con lên núi và hậu duệ là người Việt ngày nay. Còn cha Lạc Long Quân đưa 50 con xuống biển.

Tản mạn về phụ nữ Việt Nam nhân ngày 20/10 - 1Từ buổi đầu dựng nước, hình tượng người phụ nữ đã lồng lộng nét son. Đó là mẹ của Thánh Gióng.

Ba tuổi, cậu bé làng Gióng nằm yên một chỗ, mẹ vẫn hết mực yêu thương chăm sóc, chẳng nề hà. Vậy mà có giặc, liền "ăn một lúc bảy nong cơm, ba nong cà. Uống liền một lúc cạn đà khúc sông", vươn vai thành Phù Đổng, đánh tan giặc Ân rồi bay về trời.

Mẹ vẫn tiếp tục cuộc sống thầm lặng, chẳng đòi hỏi, kể công. Hình bóng Mẹ đã tỏa sáng và hiện thân vào hàng trăm ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày nay, sẵn sàng hiến dâng những đứa con thân yêu cho Tổ Quốc.

Công chúa Tiên Dung, người Việt đầu tiên làm cuộc cách mạng trong tình yêu. Tiên Dung đã chứng minh, tình yêu chân thực, bất chấp giàu nghèo, địa vị khi kết hôn với chàng nông dân nghèo khó mà hiếu thảo là Chử Đồng Tử.

Công chúa Trinh Nương, người vợ xinh đẹp thủy chung của chàng trai cương trực Mai An Tiêm. Nàng là nguồn động lực để An Tiêm mệt mài chăm chỉ làm nên sự tích quả dưa hấu.

Trong những tháng năm dài bị phong kiến phương Bắc đô hộ, các cuộc khởi nghĩa mở đầu đều của phụ nữ. Năm 40, chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị dấy binh, đánh đuổi quân Đông Hán, xưng vương ở Mê Linh.

Đội quân của hai bà, từ tướng đến lính, đa phần phụ nữ. Chẳng hiểu cánh đàn ông thời đó ở đâu và làm gì?

Đầu thế kỷ thứ 3, Triệu Thị Trinh (225-248) cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi binh với câu nói bất hủ: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách đô hộ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người".

Ta có thể kể mấy ngày chưa hết những câu chuyện đẹp như huyền thoại về các nữ danh nhân tuyệt vời như Thái hậu Nhiếp Chính Dương Vân Nga (952-1000), Nguyên Phi Nhiếp Chính Ỷ Lan (1044-1117), Hoàng Hậu "nữ tướng hậu cần" Trần Thị Dung (1201-1259), Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ (1400-1442), Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748), Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (1772-1822)…

Những tấm gương tuyệt vời này có thể là những đề tài độc đáo của các luận án tiến sĩ lâu nay chưa ai để ý? Tôi không hiểu tại sao quá ít đường phố Việt Nam hiện nay được đặt tên cho những phụ nữ này?

Nhiều nơi còn gộp cả hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị thành Hai Bà Trưng, cứ như thừa anh hùng nữ nên thiếu tên đường, tên trường vậy.

Nhân đây, cũng đề nghị chấm dứt cách gọi tên theo họ, thể hiện sự lệ thuộc. Phải gọi là bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị, bà Triệu Thị Trinh; là cách gọi tên thuần Việt thay cho cách gọi lâu nay bà Trưng, bà Triệu.

Phụ nữ hiện đại là những tấm gương tảo tần thủy chung, hết lòng vì chồng, vì các con như Thái Thị Huyện (1866-1936, vợ Phan Bội Châu), Hoàng Thị Uyển (1870-1947, chị của Hoàng Đạo Thúy, người sáng lập tổ chức Hướng Đạo Việt Nam), Phan Thị Mẫn (1865-1931, vợ Trần Kế Xương)…

Rồi những đội quân tóc dài, những lớp lớp nữ anh hùng trong hai cuộc chiến tranh và cả trong thời bình.

Ngôn ngữ tiếng Việt chỉ toàn giống cái, không có giống đực. Các mẫu tự chính, 24 chữ, toàn chữ cái. Các bộ phận trên cơ thể và đồ vật cũng toàn "cái", vài thứ chuyển động, được gọi là "con", cũng là giống cái, kể cả "con trai". Chừng nào "thằng" mới là giống đực chính hiệu. Loài vật cũng bị vạ lây, toàn "con", nghĩa là giống cái chính hiệu?

Mọi thứ gì to hơn, quan trọng hơn đều gọi là "cái" như ngón tay cái, ngón chân cái, đường cái, sông cái, cửa cái, cột cái, trống cái, đũa cái… Người cầm chịch các trò chơi, chủ xị những sòng bài được gọi là nhà cái. Thứ ngon nhất trong nồi canh cũng được gọi là cái. Trẻ con chứ không có "trẻ thằng", cũng phải gọi là "con cái" chúng ta, "con cái" nhà ai; không được gọi là "con đực". Vợ chồng Việt mới cưới thường bị hỏi "Chừng nào có con?". Sơ yếu lý lịch cũng ghi rõ phần khai báo "Các con"...

Có người định nghĩa: "Vợ là cửa cái, bạn gái là cửa sổ. Nhà càng nhiều cửa sổ càng sang. Cửa cái ta vẫn đàng hoàng vào ra. Nhưng mà cửa cái nhà ta nhiều khi lại là cửa sổ của thằng cha láng giềng!".

Trong tôn giáo, chùa Bà luôn linh thiêng hơn chùa Ông. Phật Bà và Đức Mẹ cũng luôn được tin cậy và cầu khẩn nhiều hơn. Ở Việt Bắc, nhiều nơi có tín ngưỡng thờ Mẫu gồm Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Mẫu.

Dân gian vẫn khẳng định "Nhất vợ, nhì trời", "Mồ côi cha, ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ lót lá mà nằm!", "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Công, có thể trả. Núi cố định, có thể đo cao thấp. Nghĩa, vô định, thấy nhưng không thể cân đo. Suối không ngừng chảy, chẳng tài nào định lượng, đo đếm được.

Các địa danh, truyền thuyết thì nữ cũng ăn đứt nam. Thiên hạ chỉ gọi "Vợ chồng" chứ không ai gọi ngược lại. Về già mới được gọi "Ông bà". Có một số ngoai lệ như "Cha ông" ta, "Cha mẹ" (nói ngược thành chửi). Cá biệt là "Phụ huynh" (cha anh) học sinh. Cha được gọi là "Thân phụ", "Dưỡng phụ", "Nhạc phụ" (có một nửa phụ nữ trong đó)...  

Có chị em đề xuất luật: "Đàn ông muốn bỏ vợ phải ra đi trong giờ hành chính, từ 7h-18h. Khi ra đi, phải bỏ mọi thứ giống cái lại". Thế thì vĩnh viễn chung thân, chỉ có vợ mới được quyền bỏ chồng? Nhà cửa, xe cộ, bàn ghế, giường tủ, laptop, cả USB đến quần áo cũng toàn cái - chẳng có thứ gì đực. Khi chết cũng chỉ còn "cái" xác...

Tuy vậy, thực tế cuộc sống hiện nay, phụ nữ lại chịu nhiều thua thiệt hơn. Phải gọi là "Chính nữ" mới đúng? Để làm lãnh đạo tốt như đàn ông, phụ nữ phải cố gắng gấp đôi. Không chỉ đàn ông, chính phụ nữ cũng không thích phụ nữ lãnh đạo?

"Con hư tại mẹ", "Cháu hư tại bà". Phụ nữ có chồng mà ăn mặc luộm thuộm, bị chê "Không biết giữ thể diện cho chồng". Chồng ăn mặc lôi thôi cũng bị trách "Sao chẳng lo cho chồng?".

Khi đàn ông cô đơn, họ có thể rủ bạn uống cà phê, lập hội nhậu, thậm chí đi bia ôm. Ngược lại, phụ nữ cô đơn thường chỉ biết chịu đựng và khóc. Khi ngoại tình, phụ nữ luôn bị lên án và trừng phạt nặng nề hơn đàn ông. "Trai năm thê, bảy thiếp. Gái chính chuyên một chồng".

Ai cũng chính chuyên cả thì làm gì có năm thê bảy thiếp cho đàn ông. Xử mại dâm, chỉ bên bán có tội, còn bên mua chỉ bị phạt hành chính. Trước khi cưới, cô dâu cứ buộc phải trong trắng, còn chú rể, chẳng ai hỏi xem đã ăn ở với bao nhiêu người?…

Tại sao cứ phải làm dâu mà không là ở rể? Tôi rất thích văn hóa hôn nhân người Kh'mer. Họ cho rằng "Đàn ông là trụ cột trong nhà, thường đi làm ăn xa, nên con gái ở với mẹ đẻ là tốt nhất. Khi mình ốm đau, đẻ chửa, mẹ ruột cũng chăm sóc mình tốt hơn". Được vậy, sẽ chẳng còn những bi kịch "mẹ chồng, nàng dâu", làm khổ phụ nữ bao đời nay.

Nếu có ai hỏi "Phẩm chất tốt đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam (từ bé gái đến cụ bà) là gì?", tôi sẽ trả lời ngay "HY SINH". "Cô gái Việt Nam ơi! Nếu chữ hy sinh có ở đời. Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực. Cho lòng cô gái Việt Nam tươi", Hồ Zếnh (1916-1991). Có dám hy sinh mới có thể "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" được.

Tôi có mẹ, vợ, con gái, các bạn gái và làm việc chung với nhiều phụ nữ. Họ luôn dành phần tốt hơn cho người thân, chịu thiệt về mình. Những người vợ chờ chồng. Những người chị ở vậy vì cha mẹ, vì các em.

Đi công tác xa về, tôi thường mua quà cho người thân. Ai cũng vui vẻ dù món quà chỉ tượng trưng. Khác với đàn ông, phụ nữ nhận quà xong thường khoe với bạn bè và hàng xóm.

Trong nhiều lĩnh vực, đầu tư cho phụ nữ hiệu quả hơn rất nhiều. Bóng đá nam, mỗi năm chi gần trăm tỷ, cố lắm mới giành lại huy chương vàng. Vô địch SEA Games lần thứ nhất năm 1959 ở Thái Lan, cứ "khiêm tốn" nhường cho bạn bè, 60 năm sau (2019) mới chịu giành lại và giữ tiếp (2021).

Dù chi chưa bằng 1/20 của bóng đá nam, từ SEA Games 21 (2001) đến SEA Games 31 (2022), bóng đá nữ đã giành 7/10 cúp vàng về cho đất nước (chưa nước nào ở ASEAN làm được). Nhiều môn thể thao khác cũng vậy.

Tôi không tin, phụ nữ bình thường ngày nay có thể cùng lúc "Giỏi việc nước, đảm việc nhà". Thời chiến, đàn ông ra trận, phụ nữ ở nhà gánh việc thay. Hòa bình nửa thế kỷ rồi, đừng dại dột độc quyền hai giỏi, phải chia bớt cho đàn ông.

Xin chị em dẹp ngay phong trào cũ đang làm khổ phụ nữ và thay thế bằng phong trào mới "Cả nhà cùng giỏi".

Gần đây, có chị đề nghị: "Lâu nay, toàn đàn ông lãnh đạo đất nước nhưng cứ loay hoay, kinh tế ì ạch, dân cứ nghèo, cứ khổ, nhất là phụ nữ". Hay thử nhường cho phụ nữ xem sao? Nghe vậy, tôi cũng hoang mang như mắc nợ và chịu liên đới trách nhiệm chung của đàn ông Việt Nam.

Lãnh đạo các siêu cường cũng toàn đàn ông mà cứ đánh nhau suốt. Hết chiến tranh lạnh đến chiến tranh nóng. Trong chiến tranh, phụ nữ luôn là nhưng người khổ nhất. Nếu phụ nữ lãnh đạo, có khi thế giới hòa bình hơn?

Có ông tự hào và cắc cớ hỏi "Nhìn lại lịch sử, thiên tài nhân loại hầu hết là đàn ông, rất ít phụ nữ. Phải chăng đàn ông thông minh và giỏi giang hơn?". Nghe vậy, mấy bà chỉ cười mím chi rồi thủng thẳng "Chúng tôi nhường những việc đó cho đàn ông vì phải làm thiên chức quan trọng hơn - sinh ra các thiên tài".

Maxim Gorki (1868-1936) khẳng định "Không có mặt trời thì hoa không nở. Không có mẹ thì không có anh hùng cũng chẳng có thi nhân". Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) mặc định "Phụ nữ là người sinh ra nhân loại và cho tình yêu. Nếu vắng họ, cuộc đời chẳng đáng sống".

Đàn ông càng lịch lãm và mạnh mẽ khi biết giúp đỡ phụ nữ, chia sẻ những việc làm nhỏ nhất.

Quá nửa cuộc đời, tôi nghiệm ra chân lý giản đơn: "Tử tế với phụ nữ một chút, không bao giờ thiệt thòi".

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!