Mở cửa du lịch quốc tế, doanh nghiệp đã chuẩn bị sản phẩm mới để đón khách
Các đơn vị kinh doanh, lữ hành mong muốn các địa phương cần có sự thống nhất về chính sách, cách thức đón khách, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp và du khách. Cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối với nhau cùng xây dựng chuỗi dịch vụ chất lượng, an toàn.
Đề xuất mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3
Trong cuộc họp sáng 15/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe đề xuất thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Công an và Quốc phòng về phương án mở cửa hoàn toàn du lịch.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương triển khai các giải pháp để mở lại hoạt động du lịch và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xây dựng hướng dẫn chi tiết, kịp thời báo cáo Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp mở cửa du lịch quốc tế
Theo đề xuất này, hoạt động du lịch quốc tế và nội địa được mở trở lại hoàn toàn từ 15/3 bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Các biện pháp kiểm soát đi lại từ khi bùng dịch được dỡ bỏ, thay vào đó thực kiện 5K ở mọi khâu, mọi lúc...
Du khách quốc tế đến Việt Nam không cần đăng ký tour. Họ chỉ cần chứng nhận tiêm đủ vaccine COVID-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh. Kết quả xét nghiệm âm tính nCoV là bắt buộc, song được phép xét nghiệm nhanh. Trẻ em trên 12 tuổi đến Việt Nam được yêu cầu tiêm 2 mũi vaccine.
Đại diện các bộ cũng đề xuất Việt Nam miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ, như trước dịch.
Khách quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không có triệu chứng COVID-19 phải xét nghiệm tại sân bay. Khách nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm tại cửa khẩu. Du khách phải cài ứng dụng quản lý y tế theo quy định và bật liên tục trong thời gian đi du lịch. Đề xuất cũng yêu cầu có bảo hiểm chi trả COVID-19. Nếu khách dương tính được cách ly, quản lý và điều trị như người Việt Nam.
Đề xuất hoạt động du lịch quốc tế và nội địa được mở trở lại hoàn toàn từ 15/3 bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển
Việt Nam mở lại toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế đã thực sự khiến ngành hàng không và du lịch tìm thấy điểm sáng sau thời gian dài hứng chịu những tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Cùng với các hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành xem động thái này của các nhà Chính phủ như chiếc phao cứu sinh. Đặc biệt với các doanh nghiệp du lịch, việc mở cửa toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế là yếu tố then chốt để phục hồi du lịch ở cả 2 hình thức: Inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) và Outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài).
Còn đó những khó khăn
Tính đến ngày 23/1, du lịch Việt đã đón được trên 8.500 du khách quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách trên 10 chuyến bay, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.
Tuy nhiên, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kết nối lại, thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm trước đây vốn đã được Chính phủ đồng ý miễn thị thực, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến du lịch trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực áp dụng chính sách thị thực linh hoạt hơn đối với du khách quốc tế.
Ông Lê Phong Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch lữ hành Thiên Phú cho biết, hiện tại nhiều địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã chủ động lên các phương án để sẵn sàng đón khách quốc tế khi có chủ trương mới. Tuy nhiên, việc đón khách quốc tế vẫn gặp không ít khó khăn, do quy định đón khách theo hướng dẫn cũ không còn phù hợp, như chính sách thị thực (visa), quy định lựa chọn doanh nghiệp lữ hành, quy định cách ly du khách...
"Phải sau 3 tháng từ lúc bắt đầu mở cửa, tôi nghĩ mới có được ít khách. Mùa chính của khách quốc tế là từ tháng 10 đến tháng 4 nên phải mở từ đầu năm chứ mở sát ngày khách sẽ không lên kế hoạch được. Doanh nghiệp cũng muốn đầu tư cho sự trở lại này, nhưng chỉ sợ vừa mở cửa đã lại đóng, hoặc kế hoạch mở cửa thay đổi, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp”, ông Vinh nói.
Doanh nghiệp du lịch dự đoán sau 3 tháng mở cửa mới có khách quốc tế đến Việt Nam
Bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho biết, các tour nước ngoài luôn là sản phẩm được khách Việt ưa chuộng. Dù ảnh hưởng của COVID-19, nhiều khách có điều kiện luôn quan tâm, giữ liên hệ chờ thông tin, đặc biệt ở thị trường TP.HCM.
Tuy nhiên, khách có nhu cầu du lịch thực sự chưa đặt tour lúc này, trừ những người kết hợp thăm thân hoặc có việc gấp. Lý do chính là hiện giá sản phẩm cao hơn khoảng 30% so với thời điểm trước dịch, chẳng hạn tour Campuchia có thể lên tới 20 triệu đồng. Nguyên nhân là các chuyến bay thông lệ quốc tế chưa nhiều nên giá vé còn cao. Ngoài ra, nhiều du khách e ngại việc nhập cảnh Việt Nam, phải cách ly khi quay trở về, hay quy định khi mắc COVID-19 trong quá trình du lịch...
Du lịch dần phục hồi vào hè năm 2022
Theo đại diện các công ty lữ hành, việc mở cửa trở lại du lịch outbound, đưa người Việt Nam đi nước ngoài muốn hiệu quả cao, cần có đủ hai yếu tố là đường bay thông lệ trở lại thường xuyên, các quốc gia có chính sách đón khách quốc tế thuận tiện, không cách ly, bao gồm khách Việt. Hiện nay những nước như Mỹ, Maldives, Campuchia, Thái Lan... đã đáp ứng các điều kiện, chỉ cần đủ khách là khởi hành.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để mở cửa đón khách du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, cần ban hành hướng dẫn thủ tục nhập xuất cảnh, đảm bảo an toàn y tế tại các cửa khẩu quốc tế và triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Tăng cường đàm phán nhằm gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng - "hộ chiếu vaccine" của Việt Nam để phục vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài trong điều kiện bình thường mới. Gia tăng tần suất, kết nối các đường bay thương mại quốc tế thường lệ phục vụ khách du lịch, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Cơ quan quản lý du lịch các cấp, các địa phương, điểm đến du lịch tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đảm bảo an ninh, an toàn, có phương án và chủ động xử lý sự cố y tế phát sinh. Các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chủ động, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings cho hay, với những nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa cuộc sống người dân bước vào giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dich COVID-19” vào cuối năm 2021, Vietravel Holdings cùng các công ty thành viên đã nhanh chóng khởi động lại các hoạt động du lịch tại TP.HCM và các địa phương, mở lại các chuyến bay thương mại bằng sự kiện “Trở lại bầu trời” của Vietravel Airlines.
Vietravel đã tham gia các công tác xúc tiến du lịch tại các tỉnh, thành như: Hà Giang & các tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng, Quảng Ninh - Hà Nội - Ninh Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Tây Ninh, ĐBSCL…Gần đây nhất, Công ty tiến hành ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với tập đoàn Hưng Thịnh, và UBND tỉnh Tuyên Quang; gặp gỡ trực tiếp đại diện Tổng cục Du lịch Nhật Bản, Thái Lan và Philippines… để bàn thảo về kế hoạch xúc tiến đẩy mạnh lại thị trường Outbound.
Vietravel nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và có những bước đi phù hợp theo từng giai đoạn: rã đông, khởi động, tăng tốc, và về đích được trong bối cảnh hiện nay. Với lợi thế là Công ty lữ hành sở hữu hàng hàng không riêng, cùng những tín hiệu khả quan từ ngành Du lịch trong nước và thế giới, Vietravel kỳ vọng Du lịch sẽ phục hồi dần vào khoảng giai đoạn hè 2022.
Mở cửa du lịch quốc tế hiệu quả cần có đủ hai yếu tố là đường bay thông lệ trở lại thường xuyên, các quốc gia có chính sách đón khách quốc tế thuận tiện, không cách ly
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel cho biết, doanh nghiệp đã sẵn sàng các phương án để đón khách quốc tế trong năm 2022. Cụ thể, đã hoàn thiện các bộ sản phẩm phù hợp với các yêu cầu trong chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và đáp ứng các yêu cầu đi du lịch của du khách tại các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ, châu Âu... Đồng thời tăng cường công tác tiếp thị đến các đối tác và khách hàng ở những thị trường nói trên.
Bà Khanh nhìn nhận việc công bố mở cửa sớm sẽ giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn mở bán tour đến khách quốc tế và thu hút du khách trở lại dần vào giai đoạn từ cuối tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp lữ hành triển khai đón khách quốc tế được thuận lợi và nhanh chóng hơn, nên công bố sớm nhất kế hoạch mở cửa toàn bộ để đón khách du lịch quốc tế, xây dựng các chính sách kích cầu, chiến dịch tiếp thị truyền thông đến các thị trường trọng điểm và kiểm soát dịch tốt. Đặc biệt, việc tăng cường tần suất các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đến Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục xuất nhập cảnh Việt Nam là hết sức quan trọng.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist cho biết, hiện nhu cầu du khách của TST Tourist mong muốn trở lại các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc rất cao. Theo đó, TST Tourist kỳ vọng, việc sớm mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, du lịch nước ngoài sẽ sớm kết nối bình thường trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu đi du lịch của người dân trong nước. Đồng thời, mang đến nhiều cơ hội khôi phục các thị trường Đông Nam Á, Nhật Bản…Đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm để khởi động lại thị trường outbound từ đầu tháng 3.
Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam năm 2022, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới. Theo đó, lượng tìm kiếm đã tăng dần từ đầu tháng 12/2021, đến cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022 thì tăng vọt. Lượt tìm kiếm vào thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so với tháng trước và tăng 248% so với cùng kỳ 2021. Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam đang duy trì ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425% so với kỳ 2021. Trong khi đó, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng cao rõ rệt từ đầu tháng 12/2021. Google Destination Insights cũng chỉ ra lượng tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam đến từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Nga, Pháp, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Anh, Canada… 10 điểm đến của Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất gồm có: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Quy Nhơn, Vũng Tàu… |
TP.HCM sẽ tiếp tục áp dụng theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà đối với người nhập cảnh theo yếu tố dịch tễ và tiền...