Kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đến năm 2023

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chiều 10/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời chất vấn nhiều vấn đề tại phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong phiên chất vấn chiều 10/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trả lời chất vấn về việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch.

Kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đến năm 2023 - 1

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, Bộ đang hướng đến hai việc là phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đa dạng, phù hợp thị hiếu mới của du khách, nhất là du lịch trải nghiệm. Phương châm là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mới; kết nối các thị trường du lịch đưa khách đến. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng được xác định là trung tâm điều phối khách đến các vùng miền.

Kéo dài chính sách hỗ trợ ngành du lịch

Theo Bộ trưởng Hùng, thị trường lao động đang có sự chuyển dịch nên nhân lực du lịch có khó khăn, không chỉ riêng Việt Nam mà cả quốc tế. Ngành du lịch cũng gặp khó ở chỗ cơ sở vật chất sau thời gian dịch bệnh cần được nâng cấp và sửa chữa nhưng chưa làm được nhiều. Bộ đã tổ chức hội nghị, diễn đàn kết nối tour, tuyến, tìm giải pháp căn cơ cho vấn đề này.

"Các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho du lịch cần đồng bộ. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch như miễn giảm thuế, miễn giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú. Trong bối cảnh khó khăn này, nên kéo dài thêm thời hạn thực hiện chính sách hỗ trợ này đến năm 2023", ông Hùng đề nghị.

Cần đánh giá toàn diện nhân lực du lịch

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận sau dịch bệnh, nhân lực du lịch có sự dịch chuyển. Tâm lý nhân lực ngành du lịch là khi dịch bệnh xảy ra, họ sẽ chịu tổn thương lớn nhất. Công nhân vẫn có thể sản xuất, có lương, nhưng ngành du lịch đóng cửa hoàn toàn không thể hoạt động. Vì vậy, nhiều lao động chuyển sang ngành khác nên khi du lịch phục hồi thì nhân lực thiếu hụt.

Ông Hùng cho rằng cần đánh giá toàn diện về nguồn nhân lực du lịch. Trước mắt, các đơn vị sẽ tập trung đào tạo, công ty lữ hành lớn đang khắc phục bằng cách tuyển chọn sinh viên các trường du lịch, đưa về trực tiếp hướng dẫn, thực hành để bù đắp thiếu hụt. "Căn cơ hơn, cần nâng cao chất lượng đào tạo ngành du lịch, nhất là nhân lực cấp cao, quản trị du lịch, lao động ngành nghề; đa dạng hóa hình thức đào tạo; chú ý liên kết đào tạo", ông Hùng nói.

Giải pháp phục hồi du lịch sau đại dịch

“Sau dịch, khách quốc tế đang có xu hướng lựa chọn không đi theo số đông mà chọn điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn nhu cầu về văn hóa”, theo ông Hùng. Ông nhấn mạnh các yếu tố văn hóa là lợi thế của Việt Nam so với các nước nên cần dựa vào đây để khai thác, đưa ra sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế.

Một giải pháp khác, theo ông Hùng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách khi đến Việt Nam, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp.

Với quan điểm cần bình tĩnh hướng đến các thị trường truyền thống, song theo ông Hùng, việc này còn phụ thuộc nhiều vào chính sách phòng, chống dịch và mở cửa ở các quốc gia.

Lên án trò chơi phản cảm trong team building

Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định "đây là vấn đề đáng lên án". Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không chỉ đạo các công ty du lịch tổ chức trò chơi này. Đây là những trò chơi ở nước ngoài được du nhập vào Việt Nam nhưng không qua chọn lọc.

"Chúng tôi khuyến nghị thành viên tham gia team building không hưởng ứng các trò chơi phản cảm, mang lại hệ lụy không tốt", ông Hùng nói, cho biết sẽ kiểm tra các công ty du lịch, nếu phát hiện tổ chức trò chơi phản cảm sẽ xử lý.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn An

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!