Xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô ẩm thực
Đến Huế, ngoài việc trải nghiệm cơm cung đình, tiệc cung đình và các món chay, du khách còn được khám phá món ăn truyền thống đậm đà hương vị xứ Huế như bún bò, cơm hến, các loại bánh Huế đặc sắc và các món chè thơm ngon...
Nhiều tiềm năng xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô ẩm thực
Theo Sở Du lịch TP Huế, Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là miền đất có bề dày về văn hóa, có chiều sâu về lịch sử. Di sản văn hóa ẩm thực Huế được định hình từ nền tảng địa lý tự nhiên vùng Huế cũng như các yếu tố lịch sử văn hóa bản địa phương Nam, những yếu tố mang đậm bản sắc cội nguồn Việt - Mường từ miền Bắc.
Nghệ nhân Hồng Loan mang đến những tô bún thơm ngon tại Ngày hội Huế - Kinh đô ẩm thực.
“Vì vậy, văn hóa ẩm thực Huế luôn có sự biến tấu tài tình, tinh tế và đa dạng, từ một nguồn nguyên liệu dân dã cho tới sơn hào hải vị, qua tâm huyết và bàn tay tài hoa của người đầu bếp kết hợp với nhiều loại gia vị và phụ liệu khác nhau có thể tạo nên vô vàn những món ăn với nhiều hình thái, hương vị đặc trưng đa dạng để phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh: bần hàn hay trung lưu, thượng lưu, với người già hoặc trẻ nhỏ, người khỏe mạnh hay lúc ốm đau, bệnh tật...
Chính sự tinh tế ấy đã nâng tầm chuyện ăn uống trong đời sống thường nhật thành một nghệ thuật thưởng thức, thực sự trở thành văn hóa ẩm thực Huế”, bà Trần Thị Hoài Trâm - Giám đốc Sở Du lịch TP Huế, cho hay.
Huế là cái nôi của nghệ thuật ẩm thực cung đình Việt Nam với những nghệ thuật chế biến, trình bày món ăn cầu kỳ và tinh tế, đặc biệt, trong lĩnh vực ẩm thực, người dân Huế còn thể hiện nét lịch thiệp, hào hoa trong cách ứng xử, mời bạn và đón khách... (một nét văn hóa đặc trưng của người dân Huế).
Các món ăn Huế cơ bản được chia thành 3 loại chính gồm ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay. Mỗi loại đều mang những đặc trưng riêng biệt, phản ánh sâu sắc văn hóa và lối sống của người dân Cố đô.
Khi đến Huế, ngoài việc trải nghiệm cơm cung đình, tiệc cung đình và các món chay, du khách còn muốn khám phá những món ăn truyền thống đậm đà hương vị xứ Huế như: bún bò Huế, cơm hến, bánh canh, nem lụi, bánh khoái, các loại bánh Huế đặc sắc và các món chè thơm ngon, được chế biến bởi chính tay người dân địa phương.
Tất cả những món ăn này đều mang đến những trải nghiệm đích thực, giúp du khách thưởng thức trọn vẹn những sản phẩm “nguyên bản” của ẩm thực Huế.
Những nồi chè rực rỡ sắc màu.
Để xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế có tiềm năng, lợi thế nổi bật. Huế sở hữu kho tàng ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng, từ các món ăn cung đình tinh tế cho đến những món ăn dân dã, quen thuộc. Trong khoảng 3.000 món ăn của Việt Nam, riêng Huế đã sở hữu 1.700 món, cùng với những nghệ thuật chế biến bày biện món ăn, mâm cỗ đặc sắc.
Huế có nguồn nguyên liệu địa phương đa dạng từ tôm, cá, rau củ tươi ngon đến các loại gia vị đặc trưng. Sự kết hợp giữa các nguyên liệu địa phương cùng với phương pháp chế biến truyền thống đã làm nên sự đặc sắc trong ẩm thực Huế.
Trả lời câu hỏi ý tưởng xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô ẩm thực, bà Trâm cho biết, du lịch ẩm thực Huế không chỉ là một thế mạnh tự nhiên, mà đã được xác định là sản phẩm du lịch mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch của thành phố. Định hướng này được thể hiện rõ nét qua các nghị quyết, đề án, chương trình và kế hoạch.
“Huế hiện có một số thương hiệu đặc sản ẩm thực được tạo lập, bảo hộ và đang được đầu tư phát triển để nâng tầm giá trị, nhưng chưa tương xứng với danh tiếng và tiềm năng của ẩm thực Huế.
Huế vẫn đang thiếu một mối liên kết các thương hiệu và tập trung sức mạnh của các thương hiệu ẩm thực của mình để khai thác lợi thế đặc biệt về danh tiếng của ẩm thực Huế, hay nói cách khác là “Kinh đô ẩm thực”.
Thêm vào đó, trước bối cảnh và xu hướng cạnh tranh của các điểm đến du lịch, việc chuyển thương hiệu văn hóa thành một thương hiệu du lịch có vị thế, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách là cần thiết để Huế có thể vừa gìn giữ vừa phát huy tinh hoa ẩm thực đúng như giá trị vốn có”, bà Trâm chia sẻ.
Nồi nước dùng bún bò Huế.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, trào lưu ẩm thực ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng, đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Các xu hướng như ẩm thực xanh - sạch, ẩm thực bền vững, hay ẩm thực trải nghiệm ngày càng được ưa chuộng. Đây không chỉ mở ra cơ hội để ngành du lịch Huế tạo nên sức hấp dẫn mới, mà còn là bước đi quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực mang bản sắc riêng.
Khi ẩm thực Huế được định vị một cách rõ ràng và đúng tầm trong chiến lược phát triển du lịch, nó sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh đặc biệt, góp phần tạo nên thương hiệu điểm đến khác biệt cho Huế; giúp định hướng các hoạt động quảng bá, phát triển sản phẩm, tổ chức sự kiện và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ẩm thực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Huế, nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực, trên thế giới.
Theo bà Trâm, xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô ẩm thực để làm cơ sở xây dựng hệ thống ẩm thực Huế được bài bản, có hệ thống, góp phần xây dựng và quản lý thương hiệu các loại hình ẩm thực đặc trưng Huế.
Hình ảnh ẩm thực Huế ngày càng được quảng bá rộng rãi
“Huế – Kinh đô ẩm thực” là cách gọi nhằm khẳng định Huế là trung tâm ẩm thực có bản sắc riêng biệt, với những món ăn đặc trưng, giàu tính nghệ thuật và giá trị văn hóa.
Để xây dựng thương hiệu này, ngành du lịch Huế tập trung triển khai nhiều việc làm cụ thể như Xác định được đặc trưng của đặc sản ẩm thực Huế; Nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực” được đăng ký bảo hộ, sử dụng, quản lý và khai thác có hiệu quả trên thực tế; Xây dựng hệ thống tổ chức, công cụ, phương tiện, điều kiện để quản lý, khai thác và phát triển sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận được thiết lập và triển khai vận hành trên thực tế.
Xác định bản đồ nguồn gốc địa lý cho một số sản phẩm đặc sản ẩm thực đặc thù gắn liền với từng địa phương và xây dựng các bản đồ thể hiện rõ khu vực sản xuất/ kinh doanh các sản phẩm ẩm thực đặc sản để làm căn cứ xác định tiêu chí nguồn gốc của sản phẩm.
Ngày hội Huế - Kinh đô ẩm thực thu hút đông đảo thực khách.
Đồng thời, xây dựng nội dung thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm ẩm thực mang nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực”; Xây dựng Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực”.
Ngoài ra, thiết lập một công cụ trực tuyến quản lý việc cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Huế - kinh đô ẩm thực” hướng tới phát triển một hệ tương tác trực tuyến giữa cơ quan quản lý, nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ, và người tiêu dùng.
Bà Trâm chia sẻ, trước mắt, tập trung đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho 22 món ăn đặc trưng và có vùng nguyên liệu đảm bảo, để nhằm tiến tới đăng ký bản quyền và quản lý hiệu quả món ăn Huế. Trên cơ sở đó, xây dựng các tiêu chí về quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực” để phát huy giá trị các nhà hàng đảm bảo đủ tiêu chuẩn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Huế – Kinh đô ẩm thực”.
Hiện nay, nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực” cho các đặc sản ẩm thực Huế của thành phố được hoàn thành, thể hiện nỗ lực to lớn của chính quyền và nhân dân thành phố Huế trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và kinh tế của đặc sản ẩm thực Huế.
Nhờ việc xây dựng thương hiệu này, đến nay, hình ảnh ẩm thực Huế ngày càng được quảng bá rộng rãi thông qua các hoạt động truyền thông, lễ hội và sự kiện ẩm thực, văn hóa, du lịch; nhiều tour du lịch ẩm thực Huế được hình thành và đưa vào khai thác, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước; hoạt động đào tạo nhân lực du lịch ẩm thực (thông qua các lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho nghệ nhân và người làm du lịch cộng đồng), kết nối vùng nguyên liệu, và hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương cũng được đẩy mạnh, từ đó góp phần tăng doanh thu du lịch, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, phát triển thương hiệu ẩm thực Huế sẽ không chỉ gắn liền với du lịch mà còn với việc xuất khẩu các sản phẩm đặc sản, đưa những món ăn ra thế giới.
“Năm 2023, Huế có 2 kỷ lục được xác lập kỷ lục châu Á là món ăn đặc sản cơm hến và 1 đặc sản quà tặng mè xửng; thành phố Huế vinh dự được đánh giá xếp hạng thứ 28 trong các thành phố có các món ăn ngon trên thế giới (trang web Taste Atlas chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới).
Huế là địa phương có nhiều món được vinh danh nhất trong “Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” với các món: Bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay”, bà Trâm cho biết.
Đặc sắc những món ăn ngon.
Thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực” đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển du lịch Huế theo hướng bền vững như khơi dậy niềm tự hào, ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, những giá trị văn hóa đặc sắc, tinh hoa văn hóa ẩm thực Huế trong cộng đồng, du khách trong và ngoài nước một cách chuyên nghiệp, ấn tượng, hấp dẫn.
Đồng thời, định hình chiến lược xây dựng Huế trở thành kinh đô ẩm thực, đưa Huế sẽ trở thành một điểm đến du lịch có sức thu hút mạnh mẽ từ các yếu tố văn hóa cốt lõi, là nơi phải đến của mọi người khi du lịch Việt Nam. Ngoài ra, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trải nghiệm ở Huế, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách và từ đó mang lại giá trị kinh tế thiết thực cho địa phương.
Để thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực” ngày càng lan tỏa sâu rộng, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch của thành phố, cần phải nâng tầm ẩm thực thành một loại hình du lịch như các điểm đến trên thế giới đang thực hiện; hình thành bảo tàng hoặc trung tâm diễn giải thông tin về ẩm thực Huế kết hợp với trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực Huế… Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, lựa chọn và khuyến khích các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng gắn biển đạt chuẩn phục vụ khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, thân thiện trong mắt du khách. Quản lý chặt chẽ thương hiệu các loại hình ẩm thực đặc trưng Huế; hình thành bộ nhận diện các nhà hàng, quán ăn đạt chuẩn phục vụ khách du lịch ở Huế. Xây dựng và quản lý thương hiệu “tiệc cung đình Huế”. Tăng cường quảng bá và marketing loại hình du lịch ẩm thực thông qua các sự kiện, lễ hội ẩm thực trong và ngoài tỉnh; xây dựng các chương trình quảng bá chuyên đề về du lịch ẩm thực với các loại ngôn ngữ khác nhau cho các thị trường khách quốc tế và nội địa trọng điểm; khai thác tốt hơn hình thức marketing trực tuyến: mạng xã hội, website và các nền tảng video để giới thiệu các món ăn Huế và quy trình chế biến. Hình thành các tua ẩm thực đặc sắc nhằm phát huy lợi thế ẩm thực địa phương và nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách thông các hoạt động tham quan vùng nguyên liệu sạch, tìm hiểu nghệ thuật nấu ăn truyền thống của người Huế, đi chợ và tự tay chế biến món ăn Huế vừa tăng cường kết nối với cộng đồng và người dân địa phương vừa góp phần lan tỏa thương hiệu ẩm thực Huế một cách tự nhiên, bền vững. |

Các di sản đều mang trong mình một sứ mệnh chung: kể lại lịch sử, gìn giữ bản sắc, và nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc....