Địa chỉ cuối tuần: 3 quán lẩu mắm miền Tây ở Sài Gòn
Lẩu mắm cá sặc ăn với hải sản, thịt heo quay cùng nhiều loại rau dân dã như cọng bông súng, kèo nèo... khiến không ít thực khách mê đắm.
Tiệm lẩu Cù Lao
Mới hoạt động từ tháng 10 năm ngoái, tiệm lẩu Cù Lao là địa chỉ được dân ghiền lẩu miền Tây, đặc biệt là giới trẻ yêu thích nhờ giá cả hợp túi tiền, lại có chốn "sống ảo".
Quán nằm trên đường Nguyễn Xí, kiểu bình dân với bàn ghế nhựa, nhưng dành ra một mảng tường lớn decor, vẽ chữ, tranh theo phong cách vintage. Vị trí này dễ tìm, có khu ngoài trời thoáng đãng lẫn trong nhà.
Các loại lẩu đồng giá 159.000 đồng, đủ cho hai người ăn no nê.
Quán sử dụng nồi lẩu nhôm có ống đốt than ở giữa, người miền Nam gọi là nồi cù lao vì giống gò đất nổi. Khi có khách gọi món, đầu bếp cho nước lẩu mắm kèm với cà tím vào nồi, đặt vài cục than đỏ vào nhằm giữ nóng rồi bê lên cho khách.
Các món ăn kèm như tôm tươi, cá hú, bạch tuột, thịt bò để riêng. Đợi tới khi nước sôi thì bạn lần lượt cho các loại hải sản, thịt vào. Ăn lẩu cù lao, bạn không phải lo bếp cạn cồn. Than được mồi sẵn lửa, độ nóng ổn định để nồi lẩu luôn sôi.
Lẩu Cù Lao đậm chất miền tây.
Có 3 loại nước lẩu cho bạn chọn, gồm: lẩu mắm, lẩu Thái và lẩu cù lao. Nước dùng lẩu mắm nấu từ mắm cá sặc - đặc sản miền Tây.
Nước dùng lẩu Thái hầm từ xương ống và hải sản, vị chua cay. Còn nước lẩu cù lao nấu từ xương ống, tôm khô, mực khô... cho vị ngọt đậm đà. Phần đầy đủ thì có thêm bún, rau như bông bí, rau đắng, rau nhút, bồn bồn, rau đắng... Khi ăn, bạn vớt cá cho vào đĩa nước mắm nguyên chất đâm ớt tươi cay xè.
Địa chỉ gợi ý: 410 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh.
Lẩu mắm bà Dú
Nhắc đến lẩu mắm miền Tây thì không thể bỏ qua một trong những địa chỉ quen thuộc đối với người Sài Gòn, lẩu mắm Bà Dú. Quán nằm trên đường Trần Khắc Chân, quận 1, đoạn giáp với quận Bình Thạnh, khu vực luôn đông đúc xe cộ qua lại.
Tên quán nghe dân dã, gần gũi kết hợp cách bày trí mang phong cách xưa, sạch sẽ chiếm cảm tình thực khách, thích hợp sum họp gia đình, thưởng thức các món đậm hương vị quê nhà. Hiện quán có 4 chi nhánh tại Sài Gòn, hút khách vào giờ ăn trưa và tối.
Nước lẩu nấu theo công thức riêng chính là thứ níu chân thực khách bao lâu nay. Nhiều người trở thành khách quen chỉ vì nghiện mùi mắm đặc trưng bốc lên cùng với làn khói nghi ngút ngay khi mở nắp nồi.
Món ăn bình dân của người miền Tây, nhưng cách sắp xếp, trình bày món ăn chỉn chu. Mỗi bàn đều được trang bị ống hút khói tương tự các quán thịt nướng Hàn Quốc giúp hạn chế ám mùi mắm lên áo quần thực khách.
Do đó, giá không rẻ. Phần lẩu mắm cho 2 người ăn khoảng 350.000 đồng. Nếu bạn gọi phẩn "lẩu FA", phần cho một người thì khoảng 77.000 - 94.000 đồng.
Các món ăn kèm lẩu khá phong phú, gồm: cá hú, mực tươi, chả ớt nguyên trái, thịt bò, cá viên, heo quay... Bạn có thể gọi thêm từng phần theo sở thích, tính tiền riêng. Còn rau ăn kèm thì được phục vụ dạng buffet.
Khách tự đến quầy rau chọn các loại như rau muống, bắp chuối bào, rau má, cọng bông súng, kèo nèo... thoải mái. Khi nước lẩu sôi, bạn lần lượt cho các loại hải sản, thịt vào. Sau đó bạn nhúng các loại rau yêu thích vào, thưởng thức chung với bún tươi.
Địa chỉ gợi ý: 19, Trần Khắc Chân, quận 1.
Lẩu mắm miền Tây
Quán lẩu bình dân chuyên các món nhậu, món ăn no đúng ẩm thực miền Tây được nhiều người ưa chuộng. Không gian hẹp, tận dụng khoảng trống giữa hai ngôi nhà rồi lợp mái tôn làm quán nên không có gì đặc biệt, chỉ thích hợp để tụ tập bạn bè kiểu thoải mái.
Thực đơn nhiều món dân dã như cá lóc hấp bầu, cá lóc nướng mỡ hành cuốn bánh tráng, gỏi xoài... giá từ 80.000 tới 220.000 đồng/phần.
Có 3 loại lẩu cho bạn lựa chọn: lẩu mắm, lẩu mẻ, lẩu chả cá thác lác khổ qua và lẩu cháo cá lóc rau đắng. Trong đó, lẩu mắm được lòng nhiều người nhờ đậm vị mắm, đúng chất miền Tây.
Tuy nhiên vị nước lẩu hơi mặn một chút. Bạn có thể nêm thêm đường nếu thích, ăn kèm rau, hải sản và bún tươi. Điểm nhấn của món ăn là chén sốt me chua ngọt chấm cùng hải sản, ăn rất hợp.
Lẩu chả cá thác lác khổ qua không nổi trội. Lẩu cháo cá lóc rau đắng thì khá thú vị. Nó là sự kết hợp giữa lẩu và cháo - một trong những đặc sản miền Tây. Nồi nước lẩu có thêm gạo, nấm rơm, nấu như cháo.
Tại nhiều quán, người ta để cá lóc tươi rồi nhúng như khi ăn các món lẩu khác. Còn ở đây, chủ quán sơ chế cá lóc bằng cách luộc, rắc thêm tiêu, hành lá cho đỡ tanh. Nước sôi, bạn nhúng rau đắng và cá lóc vào như ăn lẩu thông thường. Chỉ cần gạn rau đắng thì trẻ em cũng có thể ăn được.
Địa chỉ gợi ý: 65B đường số 79, quận 7.
Sài Gòn không chỉ có những nhà hàng sang trọng, xa hoa mà tại đây còn là thánh địa của hàng quán ăn vặt với giá cực...