Chè Hoa giữa lòng Sài Gòn, món ngon chất chứa nhiều hoài niệm
Kể từ khi mẹ qua đời, ba tôi một mình nuôi các con. Nhiều ký ức về mẹ cứ tản mác theo năm tháng, chỉ duy món chè trứng gà là không thể phai mờ.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Từ lúc còn bé cho đến khi trưởng thành, tôi đã có vô số những trải nghiệm ẩm thực khác nhau ở thành phố này. Chắc cũng vì lẽ đó nên khi nhắc đến những món ăn đặc trưng của Sài Gòn, lòng tôi lại có phần do dự, chẳng biết nên chọn viết về món ăn nào.
Sau rất nhiều băn khoăn, tôi vẫn tin rằng việc thưởng thức ẩm thực không chỉ để ăn mà còn giúp gợi nhớ biết bao kí ức đã bị lãng quên trong hoài niệm. Một trong những món ăn gợi nhớ kí ức thời niên thiếu của tôi về Sài Gòn chính là món chè Hoa.
Một quán chè người Hoa ở TP.HCM
Những ngày ấy, khi ba tôi còn khỏe, cuối tuần nào đứa trẻ con là tôi cũng nũng nịu đòi ông dắt đi vòng vòng Sài Gòn, len lỏi vào khu chợ Lớn, giữa vô số những cửa hiệu ngổn ngang, tìm một quán chè gốc Hoa có dán giấy đỏ trước cổng nhà. Thói quen này lâu dần trở thành sở thích chung của cả gia đình tôi.
Bọn trẻ con chúng tôi lớn lên, bận rộn xoay vòng với nhịp sống tất bật của Sài Gòn. Nhưng thi thoảng có dịp đi ngang qua khu chợ Lớn, giữa biết bao cửa hiệu tấp nập, lại tần ngần đi ngang qua quán chè treo biển chữ Hoa, rồi lặng lẽ tấp xe vào, ngồi thưởng thức món ăn quen thuộc. Có cảm tưởng dù đã chứng kiến bao đổi thay của phố phường Sài Gòn, nhưng món ăn này vẫn luôn được giữ nguyên hương vị thuở ban đầu.
Quán chè những ngày xưa gia đình tôi thường ghé ăn nằm lọt thỏm giữa thương xá Đồng Khánh, vốn là khu vực sầm uất nhất của Quận 5. Theo lời ba tôi kể lại thì đây là quán chè đã tồn tại hơn gần 70 năm. Trong suốt khoảng thời gian ấy, quán chè nhìn rất đơn sơ này đã tồn tại cùng kí ức của biết bao thế hệ người Sài Gòn.
Ngày ấy, ba tôi làm công nhân ở Nhà máy bia Sài Gòn ở góc đường Nguyễn Chí Thanh, Quận 5. Cuối tuần nào, khi ba được tan ca ra sớm, nhất định sẽ đưa chúng tôi đến quán quen để ăn chè. Bao giờ cũng thế, cứ đến tầm 4 giờ chiều là những chiếc bàn nhỏ sẽ được hai vợ chồng ông chủ dọn ra xung quanh cây cột điện. Những vị khách bình dân, cứ thế vui vẻ nói cười, hào hứng ngồi chờ thưởng thức những chén chè ngọt dịu và thanh mát.
Bà chủ khi ấy là một người phụ nữ gốc Hoa, vấn tóc bằng một chiếc trâm bac, thường tỉ mỉ giới thiệu với bố con tôi gần 20 món chè truyền thống trong ẩm thực Trung Hoa. Các loại chè quen thuộc ở quán cũng tương tự như các xe chè người Hoa khác sẽ có đậu xanh, đậu đỏ, củ năng, hạt sen… Thi thoảng, muốn đổi vị cho thực khách, ông bà với các loại chè như đu đủ tiềm, quy linh cao, bạch quả... Mỗi chén chè đều thanh ngọt vì được người bán tận tay chế biến theo công thức gia truyền nên rất hài hòa và thơm ngon.
Ba tôi vốn rất mê món chè mè đen đặc trưng của quán. Ba thường nhẫn nại ngồi chờ ông chủ thong thả mở nắp nồi đồng đáy sâu múc ra từng bát chè đen mịn màng nóng hổi, phảng phất hương thơm của mè đen. Chén chè béo ngậy không quá lỏng cũng chẳng quá đặc, đủ sức làm mê mẩn bất kỳ tín đồ hảo ngọt nào. Chỉ cần húp hết chén chè nóng giữa trưa hè oi bức, kỳ lạ thay, lại khiến con người ta cảm thấy dễ chịu, khoan khoái trong người.
Riêng mấy đứa trẻ con như tôi lại mê mẩn những ly sâm bổ lượng với mùi thơm thoang thoảng của nước đường hòa phối cùng đủ sắc hương của táo tàu, nhãn nhục, phổ tai, bo bo, củ sen… Người bán chỉ cần nhẹ nhàng cho thêm mớ đá bào nhuyễn lên trên là hoàn thành một ly chè ngon khiến bọn trẻ nhẩn nha ngồi ăn và trò chuyện râm ran suốt cả một buổi chiều.
Sâm bổ lượng
Sau này khi lớn lên, tôi nghe ba kể hồi bé bản thân hay bị nóng gan, thường xuyên nổi nhiều mẩn ngứa. Chắc cũng vì thế mà ba thường xuyên dắt tôi và mấy đứa em nhỏ đi ăn sâm bổ lượng. Cũng bởi, công dụng của chè sâm bổ lượng là giải nhiệt mát gan, thanh lọc cơ thể. Ba tôi vẫn thường hài hước bảo mấy đứa trẻ ghét uống thuốc vì có vị đắng. Do đó, cứ bệnh gì sẽ y theo công dụng của mấy loại hoa quả thảo dược mà người Hoa nấu thành chè cho ăn. Cái hay của những người Hoa lớn tuổi là nhớ rành rọt công dụng của những loại chè nên áp dụng phương thức ngọt ngào này chữa bệnh cho trẻ con.
Trong những cuộc trò chuyện vẩn vơ, tôi thường nghe ba kể về sự xuất hiện của người Hoa như một phần không thể thiếu ở Sài Gòn. Những ngày xa xưa, cộng đồng người gốc Hoa thường chỉ tập trung sinh sống và làm ăn buôn bán ở chợ Lớn. Tuy nhiên, trải qua sự phát triển của thời gian, cộng đồng người Hoa đã lan tỏa khắp thành phố. Cư dân ở Sài Gòn, ai cũng quen thuộc với những xóm nhỏ có nhiều người Hoa ngụ cư và hoạt động nhộn nhịp. Có một điểm thú vị trong văn hóa là người Hoa đi đến đâu, mang theo những dấu ấn riêng biệt về văn hóa đến đó. Người Hoa cũng mang đến cho mảnh đất này một nền ẩm thực phong phú.
Trong cơn gió lạnh se se của những ngày cuối năm, tôi về ngang xóm chợ Bàn Cờ, bỗng thèm vị chè bạch quả của một xe chè gốc Hoa. Xe chè đầy đủ các món chè thường thấy của người Hoa như sâm bổ lượng, chè trứng, táo đỏ, nhãn nhục… Nhưng tôi vẫn thích cái vị quen thuộc của món chè sâm bổ lượng. Hương vị thanh mát, ngọt dịu của chè khiến người ta chẳng thể vội vã, cứ thế nhẩn nha thưởng thức như một cách để hoài niệm biết bao kí ức đẹp của tuổi thơ.
Thi thoảng, trong những phút ngẫu hứng, tôi thường gọi thêm món chè trứng gà. Đây vốn là món chè mà người mẹ quá cố của tôi rất thích ăn. Kể từ khi mẹ qua đời, ba tôi một mình nuôi các con. Nhiều ký ức về mẹ cứ tản mác theo năm tháng, chỉ duy món chè trứng gà là không thể phai mờ. Cũng bởi, mỗi khi ghé quán chè cũ, ba lại mua thêm một phần chè nhỏ mang về đặt lên bàn thờ mẹ.
Tôi ngồi khẽ khàng nhấm nháp từng quả trứng được bao phủ đậm màu và vị của hồng trà. Trái ngược với suy nghĩ rằng trứng sẽ có vị tanh, người Hoa có cách nấu kết hợp cùng vị thanh tao của trà, long nhãn, kỷ tử và táo tàu, hoa hồi khiến món chè trở nên dịu dàng, thoang thoảng hương, tạo cảm giác lạ miệng và hấp dẫn.
Chè của người Hoa, không chỉ đơn giản là những món tráng miệng thông thường nữa mà như một bài thuốc tốt cho sức khỏe từ những hương vị thảo mộc tưởng chừng như khó uống, hóa ra lại có thể ngọt ngào, thanh mát như vậy. Không chỉ có như thế, hầu như người Hoa luôn trân trọng những điều xưa cũ trong quá trình buôn bán. Có lẽ vì “nếp xưa” ấy mà nhiều người hoài niệm những điều xưa cũ vẫn luôn vương vấn ghé thăm. Dường như, việc ăn một chén chè, chẳng khác gì thưởng thức cả một trời kí ức xa xưa.
Sài Gòn hiện tại, đi cùng xu hướng phẳng của thế giới, đã du nhập biết bao món ăn thức uống mang đậm hương vị hiện đại. Dù thế, giữa biết bao đổi thay, những món chè Hoa xa xưa vẫn đủ sức níu giữ lòng người. Bưng một chén Hoa trên tay, cảm nhận được biết bao hoài niệm xa xưa, chợt thấy môi mình ngòn ngọt biết bao vị thương nhớ…