Tôi bất lực nhìn Covid-19 'đánh sập' 3 quán cà phê

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM, độc giả Thanh Minh đã kể lại những trải nghiệm để xoay sở duy trì 3 quán cà phê trong những ngày thành phố siết chặt giãn cách xã hội.

Ngày 22/05, TP.HCM ra công văn yêu cầu các quán cà phê chỉ phục vụ tối đa 10 người. Nhận thấy đợt giãn cách tiếp theo chuẩn bị bắt đầu, với lợi nhuận không bù được chi phí, tôi cay đắng cho nhân viên dọn dẹp 3 quán cà phê, chuẩn bị đóng cửa. Với tình hình dịch bệnh phức tạp, ngày mở quán đón khách trở lại thật sự quá xa xôi.

Tôi bất lực nhìn Covid-19 'đánh sập' 3 quán cà phê - 1

Một quán cà phê ở quận 4 của tác giả trước ngày chuẩn bị đóng cửa 

Gần chục năm đi làm gom góp được ít vốn liếng, tôi dồn hết vào 3 tiệm cà phê này. Vào lúc cao điểm, 3 quán đều đông khách, việc kinh doanh tương đối ổn định. Nhưng dịch ập đến khiến mọi thứ đảo lộn.

Với kinh nghiệm từ đợt dịch lần thứ nhất, tôi đã dành một phần lớn lợi nhuận của quán để duy trì mặt bằng và hỗ trợ nhân viên trong trường hợp bị đóng cửa. Vì thế, vào đợt dịch thứ 2, thứ 3, tôi vẫn còn cầm cự được. Nhưng thời gian giãn cách ngày càng kéo dài, đến tận hôm nay là đã gần 3 tháng và có thể kéo dài thêm nữa. Thu nhập không có, trong khi vẫn phải trả tiền mặt bằng và hỗ trợ nhân viên, ngân sách của tôi gần như đã về mo.

Từ mùa dịch thứ nhất, tôi cũng đã nghĩ tới trường hợp bán hàng online hay mang về. Tuy nhiên, không phải mô hình quán nào cũng phù hợp để bán mang đi. Khác với các quán ăn, trà sữa, cà phê truyền thống, 3 tiệm cà phê của tôi thiên về trải nghiệm tại quán, khách tới quán để tụ tập, gặp gỡ là chính. Đồ ăn, đồ uống cũng không phù hợp để gói đi.

Không xoay xở được, tôi chỉ có cách đóng cửa chờ dịch qua.

Tôi bất lực nhìn Covid-19 'đánh sập' 3 quán cà phê - 2

Hình ảnh khách đến quán vì không gian và xem quán như một địa điểm tụ tập, vui chơi ở quán cà phê quận Tân Bình

Trong thời gian giãn cách, đồ đạc của quán bắt đầu xuống cấp do không ai trông nom. Đợt này lại đúng mùa mưa gió, quán ở trên sân thượng sử dụng bạt kéo di động, mưa to gió lớn làm rách bạt, nước mưa đổ thẳng xuống đống bàn ghế chất xó. Cây cối ở quán cũng chết dần vì không được tưới nước thường xuyên…

Nhìn camera từ xa thấy đồ vật hư hại, gọi thợ thì không ai nhận, tôi nóng ruột nhưng không thể ra ngoài vì không phải lí do chính đáng. Có hôm buốt ruột quá chạy qua thì gặp chốt, năn nỉ hoài không được, đành quay đầu về nhà.

Với thời gian đóng cửa kéo dài, việc trả chi phí mặt bằng là gánh nặng vô cùng lớn. May mắn là ở đợt đóng cửa trước, tôi có yêu cầu chủ nhà thêm vào điều khoản hợp đồng là sẽ hỗ trợ từ 30-50% trong trường hợp bị đóng cửa do dịch. Dù có được giảm nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể. Nếu giãn cách kéo dài, tôi cũng không còn khả năng tài chính để trả chi phí thuê mặt bằng.

Đa phần nhân sự của quán cà phê hay nhà hàng đều có thu nhập không cao, với tình trạng quán đóng, nhiều chủ quán buộc phải cho nhân viên nghỉ làm. Các bạn nhân viên không có thu nhập, lại không thể tìm việc khác vì đang giãn cách, nhiều bạn không có tiền để trang trải tiền ăn, tiền trọ.

Còn quán của tôi, vì đã có chuẩn bị nên hiện vẫn có khoản chi phí hỗ trợ cho một số bạn khó khăn để lo nhà trọ và bữa ăn hàng ngày. Nhưng đến nay, khi ngân sách đã cạn, tôi cũng chưa biết giải quyết như thế nào, phải làm gì tiếp theo nếu giãn cách vẫn còn kéo dài. Tôi cũng đã tính đến trường hợp tồi tệ nhất là chấp nhận mất quán dù rất đau xót.

Covid-19 ập đến lấy đi sức khoẻ, tính mạng của nhiều người, cùng với đó, nó bào mòn tinh thần và lấy đi nhiều cơ hội của người trẻ, trong đó có tôi. Nhưng ít ra, tôi vẫn còn khỏe mạnh, vậy là vẫn may mắn hơn nhiều người. Còn sức khỏe tôi nghĩ mình vẫn còn cơ hội để làm lại. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thanh Minh

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!