Nhật ký: Tôi đi cắm trại ở công ty
Độc giả Huyền Trần đã gửi đến Tạp chí Du lịch TP.HCM những trải nghiệm mới mẻ khi lần đầu cô làm việc 3 tại chỗ ở công ty trong những ngày TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội.
Tôi vốn là người yêu thiên nhiên, đã từng cắm trại ở những khu rừng, những ngọn núi khắp nơi. Nhưng lần này lại là một hành trang khác hẳn bình thường, một chuyến đi cũng lần đầu trải nghiệm: cắm trại ở công ty
23/7/2021
“Alo, mấy đứa chuẩn bị tinh thần đi “cắm trại” nhé, chắc mai sẽ ra thông báo chính thức” - chiều thứ 6, tôi nhận được tin nhắn của người anh trong nhóm chat. Hơn 1 tháng nay vì ảnh hưởng của Covid, công ty tôi đã duy trì hình thức làm việc “giãn cách” theo ca, theo nhóm nhỏ.
Kịch bản làm việc 3 tại chỗ (làm việc - ăn - ngủ) vốn đã được chuẩn bị từ lâu phòng trường hợp khẩn cấp hoặc theo tình hình của thành phố. Cuối cùng thì ngày ấy cũng đến, tôi không bất ngờ nên bình tĩnh chuẩn bị.
Một hành trang khác hẳn bình thường, một chuyến đi cũng lần đầu trải nghiệm.
Tôi lôi chiếc vali từ góc tủ ra để sắp xếp đồ, tự nhẩm lại xem lần gần đây nhất mình được xếp hành lý đi chơi là khi nào, lần cuối mình ra sân bay hay bến xe là tháng mấy. Hình như là tận năm ngoái, Covid đã làm lỡ dở của tôi chuyến đi leo Bạch Mộc Lương Tử, một giải chạy trail ở Đà Lạt.
Nhìn đống đồ nghề leo núi gần vali, đôi chân không khỏi cảm thấy “ngứa ngáy”. Lần này cũng là xếp hành lý cho một chuyến đi dài ngày, nhưng vật dụng mang theo lại rất khác: đồ ăn nhiều hơn đồ mặc.
Vali của tôi chuẩn bị đi cắm trại ở công ty
Những chuyến trước chỉ nghĩ đến việc mang theo đồ gì mặc, concept gì, mai đi ăn ở quán nào… Lần này thì vơ đại vài bộ váy áo, còn lại tôi mang theo chủ yếu là những loại trái cây để được thời gian dài, một vài loại thuốc, vitamin, nước uống tăng cường sức đề kháng. Trong thời gian này, không gì quan trọng hơn việc nâng cao sức khỏe.
Bạn bè biết tin tôi đi cắm trại, đa số đều tỏ ra…háo hức, hỏi có phải mang theo lều không? Mẹ của 2 bé cùng phòng còn cẩn thận dặn mang theo nồi, ấm điện siêu tốc. Các anh chị làm cùng thì liên tục nhắn tin vào đó thèm ăn gì, thiếu thốn gì thì viện trợ ngay. Thế nhưng, thực tế làm chúng tôi bất ngờ.
7h sáng thứ 2, 26/7/2021
Tôi chất vali lên xe, ngó qua cái tủ lạnh đã chất đầy ắp lương thực cho cô em nhỏ. Dắt xe ra khỏi cổng, con hẻm vắng như thường lệ. Bình thường khi dịch bệnh chưa ập đến, tôi vẫn duy trì khung giờ đi làm này mỗi ngày. Lúc nào cũng là cảnh từng tốp sinh viên í ới nói cười trước cổng trường, trạm xe bus. Cảnh xe cộ chen chúc ở ngã tư Hàng Xanh, kẻ đi làm, người đưa con đi học, xe bus ra vào trạm chớp đèn liên tục. Và những hàng quán nhộn nhịp, mùi phở, mùi bún bò, cơm tấm thơm lừng.
Tôi có một quán ăn sáng quen thuộc ở cổng Khu du lịch Văn Thánh, 2 chị bán các món thay phiên nhau cả tuần. Thứ 4 và thứ 6 theo lịch sẽ là món bún bò tôi yêu thích, vừa thấy tôi từ xa là hai chị đã gọi “Nay bún bò không bé ơi!”. Tôi nhớ quá, nhớ Sài Gòn những buổi sáng bình thường như thế.
Sài Gòn một buổi sáng bình thường khi chưa có dịch
Từ nhà sang văn phòng công ty gần 10km, bình thường có xe đưa đón nhưng hôm nay tôi phải tự chạy xe. Tôi đi qua tòa Landmark, qua cầu Sài Gòn, sau xe là vali, chăn mền lỉnh kỉnh. Thỉnh thoảng có người chạy qua liếc nhìn. Có lẽ nào tôi cũng giống một người đang rời bỏ Sài Gòn đi về một miền quê nào đó xa xôi?
Càng xa trung tâm, xe cộ càng thưa thớt, cho đến khi chỉ còn gặp hàng xe container, xe tải là tôi biết đã tới công ty, một vị trí khá đặc biệt: dưới chân cầu Phú Mỹ, xung quanh là container hàng hóa.
Dấu hiệu nhận biết gần đến công ty: số xe tải tăng dần
Như mọi người thấy, xung quanh chỉ toàn thùng container
7h30, tôi đến cổng công ty, dừng xe đo thân nhiệt, khai báo tên để chú bảo vệ đối chiếu danh sách đã có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính Covid trước đó. Gặp vài đồng nghiệp các phòng ban khác, ai cũng lỉnh kỉnh đồ đạc sau xe, mấy anh thì đồ nghề đơn giản có người chỉ khoác 1 balo nhỏ, chị em thì có phần đùm đuề hơn, chắc là giống như tôi, mang theo cả cái tạp hóa nhỏ.
Test Covid tại công ty
Tôi vào phòng thì 2 cô bé Quỳnh, Trang cũng đến luôn. 3 chị em tôi là 3 nhân viên xung phong đi “cắm trại” đợt đầu, phần vì theo phân chia công việc, phần vì chúng tôi đều còn độc thân, không vướng bận nhiều việc gia đình như các anh chị khác.
Gặp nhau, mỗi đứa một cái vali làm chúng tôi không khỏi bật cười nhớ lại bao nhiêu chuyến du lịch cùng nhau trước kia cũng thế này. Làm ngay vài bức ảnh “check in” chuyên nghiệp, cứ như chuẩn bị nghỉ dưỡng ở khách sạn 5 sao ngày ngày tắm biển chứ không phải 15 ngày quanh quẩn trong văn phòng. Dù sao thì tinh thần cũng quan trọng mà! 3 chị em động viên nhau.
Chúng tôi khi đi du lịch trước đây
Vẫn là chúng tôi khi đi cắm trại ở công ty
Quỳnh kể lúc chuẩn bị đi, ba má còn kéo lại dặn dò đủ thứ, nước mắt rơm rớm như tiễn con đi “nhập ngũ” mấy năm trời. Trang thì lo đặt trái cây, rau củ đầy đủ cho ba mẹ ở nhà trước khi đi. 15 ngày xa nhà cũng là một trải nghiệm hiếm có của các cô bé sống ở Sài Gòn từ nhỏ.
Không biết các phòng khác thế nào, chứ 3 chị em tôi thì bắt đầu lôi “lương thực” ra sắp xếp. Có lần một anh bạn cười bảo với tôi hình như phụ nữ bẩm sinh đều là những người lo xa, vợ anh mỗi lần cả nhà đi chơi đều mang theo nhiều đồ ăn. Tôi cũng ngầm đồng ý khi nhìn một bàn đồ ăn mà 3 chị em góp vào, nào mì, nào trái cây, sữa, các loại trà, lại cả khoai lang, bắp…
Kho lương thực dự trữ của 3 chị em
Phòng làm việc vốn khá rộng, chúng tôi chọn mỗi đứa một góc rồi đặt vali, trải vừa tấm nệm nhỏ, sắp xếp chỗ ngủ. Xong đâu đấy, đi tham quan một vòng phòng tắm mới gắn máy nước nóng lạnh, có máy giặt đồ, tầng trệt còn có tủ lạnh đầy trái cây, có cả lò vi sóng và vài loại gia vị nấu ăn. Tất cả đều vừa được công ty trang bị cấp tốc để đón mọi người vào “cắm trại”.
Góc nhập ngũ
Tủ lạnh công ty
6h sáng, 11h trưa, 6h chiều, ngày 3 bữa các phần ăn nóng hổi được giao đến tận cổng. Tôi vốn đã phát chán việc cả tháng trời ở nhà suy nghĩ về câu hỏi “hôm nay ăn gì”, bây giờ lại chẳng cần lo nữa. Bữa cơm mùa dịch, các chị ở căn tin cố gắng thay đổi menu mỗi ngày: thịt kho trứng, gà kho sả ớt, canh chua, chả cá… nhưng vẫn thiếu vắng bóng dáng các loại rau xanh. Mọi người lại bảo nhau thôi cùng chia sẻ thiếu thốn này.
Bữa cơm mùa dịch tại công ty
Chiều mưa, bất ngờ 3 chị em tôi nhận được quà từ người nhà Quỳnh: mấy thùng trái cây được shipper chuyển đến tận cổng công ty. Trời mưa to, hai người phải khệ nệ bưng hết sức mới đi nổi. Quá nhiều, chúng tôi nhắn lên group cắm trại công ty, chia sẻ lại với mọi người. Bạn tôi nghe nói cơm thiếu rau, tìm chỗ đặt mua online cho tôi. Vài tiếng sau, rau xanh cũng cập bến. So với nhiều người trong mùa dịch này, chị em chúng tôi đã quá hạnh phúc và đủ đầy trong những ngày đi cắm trại tại công ty.
Trái cây và rau bất ngờ nhận được
Công việc của chúng tôi liên quan đến việc phát sóng các chương trình truyền hình, có việc thực hiện online, nhiều việc vẫn phải dùng đến hệ thống máy móc ở văn phòng. Tòa nhà bình thường vốn tấp nập, nay mỗi phòng ban chỉ vài nhân sự, cộng thêm việc tuân thủ triệt để 5K, không giao lưu, không tụ tập chuyện trò sau giờ làm nên càng thêm vắng lặng.
Buổi sáng, tôi thong thả pha trà hoặc café rồi làm việc. Tôi tính ngày mai sẽ ươm đậu xanh làm giá, ăn mì khá ngon. Hạt thanh long cũng có thể gieo làm cây cảnh. Thêm vài thú vui cho những ngày “cắm trại” bớt cô đơn nhạt nhẽo.
Tự pha café sáng ở nơi làm việc
Hột thanh long ươm làm cảnh
7h tối
Lần đầu tiên tôi ở lại văn phòng muộn thế này, cảm giác thật lạ lẫm. Tôi bước đi trên hành lang vắng tênh, nhìn về hướng Landmark vẫn sáng đèn phía xa. Bạn tôi nhắn tin bả,o bây giờ sống giữa trung tâm Sài Gòn cũng không nghe thấy một tiếng xe máy nào, chỉ nghe những hồi còi xe cấp cứu xé toang màn đêm.
Ngày 26/7 cũng là ngày đầu tiên thành phố thực hiện quy định người dân không ra khỏi nhà sau 18h. Nhiều người nói rằng đó là một trong những khoảnh khắc lịch sử, lần đầu trải qua trong đời. Người nhà, bạn bè, đồng nghiệp lần lượt video call hỏi thăm cuộc sống trong công ty thế nào, động viên 3 đứa cố gắng ăn uống ngủ nghỉ, chờ ngày gặp lại giữa Sài Gòn khỏe mạnh.
Nếu theo quy định hiện tại, ngày tôi kết thúc phiên làm việc tại công ty sẽ rơi vào tầm giữa tháng 8. Tôi đọc bài báo viết nhiều người tứ xứ rời bỏ Sài Gòn sau 10 mấy năm gắn bó mà rơi nước mắt. Trời ơi, sống bao năm khó khăn nào cũng vượt qua, cũng chắt chiu sống tốt mà giờ dịch bệnh phải rời bỏ Sài Gòn, có người còn đi bộ, đạp xe về quê. Thương gì đâu!
Mong rằng ngày trở lại, đã thấy chị bán bún bò thân quen, đã thấy lại cảnh Sài Gòn kẹt xe những chiều tan tầm, thấy cuộc sống lại hối hả đầy âm thanh sống động.
Trước khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, một cậu bạn kịp ghé ngang qua tặng tôi vài chậu cây với lời nhắn nhủ chờ...