Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mùa hè năm 2020, tôi trở thành Tình nguyện viên của chương trình bảo tồn rùa biển quốc tế IUCN, với công việc lần đầu tiên thực hiện trong đời: đỡ đẻ cho rùa biển ở Côn Đảo.

Nghe danh Côn Đảo đã từ lâu với những bãi biển xanh trong, những bãi cát dài, những khu rừng nguyên sơ được bảo tồn. Thế nhưng Côn Đảo trong mắt tôi lần đầu gặp gỡ thật khác biệt.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 1

Bãi Dương Hòn Bảy Cạnh nhìn từ đảo lớn

Háo hức làm “bà đỡ” cho rùa

Chương trình Tình nguyện viên Bảo tồn rùa biển được IUCN tổ chức nhiều năm tại nhiều địa điểm như Côn Đảo, Hòn Cau, VQG Núi Chúa – những nơi ghi nhận có rùa lên đẻ hàng năm. Để tham gia chương trình, TNV trải qua vòng nộp hồ sơ với “tỷ lệ chọi” khá cao, đáp ứng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt, trong đó quan trọng nhất là mỗi TNV sẽ làm gì để tuyên truyền rộng rãi về công tác bảo tồn rùa biển. Vượt qua vòng loại, tôi hăm hở lên đường đến Côn Đảo trong chuyến đi kéo dài 8 ngày.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 2

Tổ kiểm lâm Bãi Dương – nơi tôi ở 8 ngày

Phần lớn thời gian của công việc tình nguyện là dành cho việc trực canh rùa mẹ lên đẻ để di dời trứng về hồ ấp kịp thời, dưới sự hướng dẫn của 2 anh kiểm lâm. Tôi và một bạn TNV khác được phân công về Bãi Dương - địa điểm nằm cách đảo lớn Côn Sơn 20 phút đi cano với 2 không: không khách du lịch, không dân cư. Có nghĩa là trong 8 ngày ở đây chỉ có 4 người chúng tôi, và những chú rùa.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 3

Tổ Kiểm lâm Bãi Dương là căn nhà nhỏ bé sát biển

Đa phần công việc “đỡ đẻ cho rùa” sẽ rơi vào ban đêm, thời gian cụ thể sẽ tùy thuộc vào mực nước thủy triều, triều cao thì rùa mẹ sẽ theo con nước lên đẻ. 

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 4

Rùa mẹ đang đẻ trứng

Nghe mấy anh kiểm lâm kể lại, ngày xưa trứng rùa không cần di dời mà cứ để trên bãi cát rồi nở tự nhiên. Sau này, nhiều người trộm trứng rùa, thậm chí sẵn sàng xẻ thịt rùa mẹ chỉ để lấy trứng bán với giá mấy trăm nghìn một quả. Trong khi nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng trứng và thịt rùa có giá trị dinh dưỡng còn không bằng thịt gà, thịt heo, lượng cholesteron lại cao. 

Vì thế mới cần đến chúng tôi, cần đến các tình nguyện viên thực hiện một công việc can dự vào tiến trình sinh nở tự nhiên của rùa là di dời tổ trứng về hồ ấp. Việc di dời này cũng cần thực hiện muộn nhất là 6 tiếng sau khi rùa mẹ đẻ trứng, sau khoảng thời gian này trứng hình thành phôi, việc di chuyển sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của rùa con.

Trắng đêm canh rùa đẻ trứng

Công việc của chúng tôi không có thời gian kết thúc cố định, có khi 11h đã được về ngủ, có khi 2h sáng anh em vẫn ngồi yên chờ đợi rùa đẻ. Những lúc như thế chỉ có ngắm nhìn bầu trời đầy sao, nghe sóng vỗ rì rào, rồi cuốn theo câu chuyện đời, chuyện nghề của các anh kiểm lâm gắn bó lâu năm với rùa biển, với đảo nhỏ vắng người.

Chúng tôi sẽ tuần tra bãi biển 2 lần, thường là lúc 8h tối và 4-5h sáng. Nếu phát hiện rùa mẹ lên đẻ, chúng tôi sẽ ngồi chờ, quan sát chúng, kiểm tra thẻ rùa và sau đó là di dời ổ trứng sau khi rùa mẹ hoàn tất quá trình đẻ.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 5

Lần đầu được quan sát rùa đẻ trứng ban đêm

Lần đầu tiên được quan sát rùa biển đẻ trứng tôi rất bất ngờ. Chúng không lập tức đẻ ngay khi lên bờ mà sẽ tìm vị trí thích hợp để đào tổ trứng. Rùa mẹ chủ yếu sẽ dùng 2 vây sau để móc cát tạo thành một hố sâu chừng 60cm, rộng chừng 20cm. Vốn là loài động vật sống dưới nước, thế nhưng rùa mẹ lại sử dụng những cái vây của mình hết sức thành thục và khéo léo trên cạn. Ở Côn Đảo chủ yếu là loài rùa Vích lên đẻ, ghi nhận mỗi lần đẻ có số lượng trứng từ 50 đến 150 quả mỗi tổ. 

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 6

Rùa mẹ đang đào hố và chuẩn bị đẻ

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 7

Một tổ trứng rùa biển

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 8

Dụng cụ đo đạc và đánh dấu nơi rùa đẻ

Sau khi rùa mẹ đẻ xong sẽ dùng cả 2 vây trước lẫn 2 vây sau lấp kín hố cát và quay về biển. 

Công việc tiếp theo là kiểm tra số thẻ rùa hoặc bấm thẻ nếu là rùa mới lên đẻ lần đầu. Loại thẻ này làm bằng kim loại để thu thập thông tin về tập tính, quá trình sinh sản của rùa. Cuối cùng là lấy và di dời trứng rùa về hồ ấp.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 9

Rùa mẹ trở về biển sau khi đẻ xong 

Đây cũng là công việc vất vả nhất của tình nguyện viên mà chúng tôi hay gọi vui là “đỡ đẻ” cho rùa. Việc xác định vị trí tổ trứng nhiều khi cũng làm chúng tôi mất khá nhiều thời gian bởi rùa mẹ lấp tổ rất kĩ, cộng thêm điều kiện đêm tối khó quan sát.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 10

Tìm trứng rùa có khi cát phủ từ đầu đến chân

Trứng vùi rất sâu, tôi thường phải nằm sấp thân mình trên cát rồi dùng tay đào miệt mài và hết sức nhẹ nhàng. Cho đến khi sờ trúng vật tròn tròn, vỏ mềm mềm là biết đã chạm đến ổ trứng, cẩn thận đưa lên mặt cát. Gặp chỗ cát ướt còn dễ, chỗ nào cát khô, có khi đang lấy được nửa tổ trứng thì cát sụt xuống lấp kín tổ, lại phải bắt đầu lại từ đầu. 

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 11

 Thành quả sau khi đào bới

Công việc thứ hai của chúng tôi trong thời gian làm tình nguyện là đưa rùa con về biển. Trứng rùa di dời từ ngoài bãi về hồ ấp nhân tạo sẽ được chôn xuống 1 cái hố sâu chừng 60cm được đánh dấu số thứ tự, số trứng, ngày bắt đầu ấp. Sau khoảng 50-60 ngày, rùa con sẽ nở. Chúng nó sẽ đội cát chui lên mặt đất.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 12

Đào hố để ấp trứng trong hồ ấp trứng

Đến lúc này lại cần đến sự giúp sức của chúng tôi, mang chúng nó ra biển, trả chúng về trường đời bắt đầu cuộc chiến sinh tồn với tỷ lệ lên đến 1/1000. Bởi biển cả mênh mông ngoài kia luôn có những kẻ săn mồi rình rập tấn công lũ rùa con, đó có thể là những con cua, con còng, là lũ cá to lớn.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 13

Rùa con nở sau 50-60 ngày ấp trong hồ. Sau đó, chúng háo hức chuẩn bị bơi về biển

Rốt cuộc, điều chúng tôi có thể làm vẫn chỉ là đứng nhìn lũ rùa con háo hức bò điên cuồng hớn hở lao vào đại dương mênh mông và đầy nguy hiểm, cầu mong chúng nó sống tốt để 30 năm sau lại quay về bãi biển này đẻ trứng. 

Những ngày học kỹ năng sống

Công việc xoay quanh việc "đỡ đẻ" cho rùa chỉ có như vậy. Ngoài ra tôi cũng được trải nghiệm thêm một vài việc "nâng cao" khác như san lấp các hố cát ngoài bãi mà bọn rùa để lại, nhặt rác trôi dạt từ biển vào bờ cát, phụ mấy anh kiểm lâm làm nhà, làm bồn cây, nấu nướng và phân biệt các loại cá... Mỗi việc đều được thử một chút, để biết và để hiểu, bình thường các anh kiểm lâm lúc không có tình nguyện viên đã vất vả thế nào.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 14

Tình nguyện viên dọn rác làm sạch bãi biển

Chúng tôi hay đùa, thử thách đau đầu nhất trong 8 ngày sống ở đây không phải là thức đêm canh rùa, lấp hố rùa đẻ, nhặt rác (dù mấy cái này cũng mệt thiệt) mà chính là trả lời câu hỏi: Hôm nay anh em ta ăn gì?

Bình thường đi làm cứ 10h30 mỗi ngày phải đi gọi món ăn trưa đã là một thử thách rồi, đây lại là câu hỏi 3 lần một ngày: sáng, trưa, tối. Một mình thì dễ rồi, có thể ăn vớ vẩn cái gì đấy cho qua bữa, nhưng 4 anh em thì lại là một bài toán đầy nan giải.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 15

Mì gói và rau cải biển làm bạn với chúng tôi mỗi sáng

Bữa sáng hầu hết các ngày đều diễn ra khá muộn do phải lấy trứng rùa sớm, rồi dọn dẹp nhà nên có 3 món xoay vòng: cơm chiên, bún khô nấu thịt, mì gói biến tấu ăn kèm trứng ốp la, cục xương bự hoặc rau cải biển.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 16

Những sáng ngồi uống café với view biển cực đẹp

Một vài thử thách với TNV chúng tôi có thể kể đến như: nấu cơm bằng bếp củi tự nhóm, tự giặt quần áo bằng tay một cách tiết kiệm nhất với nước từ những chiếc bồn dự trữ.

Bao nhiêu tâm huyết chúng tôi dồn cả vào bữa trưa và bữa tối vì có nhiều thời gian nhất. Tôi cực kì thích các loại rau thơm mà mấy anh kiểm lâm trồng được ở đây. Lượn một vòng quanh đảo là trong đầu tôi hiện lên list các món phải xử lý từ các nguyên liệu có sẵn: rau càng cua có thể bóp thịt bò, lá lốt có thể cuốn thịt bò, rau húng quế ăn kèm được với thịt luộc, lá bình bát, rau mùng tơi nấu canh, nghệ kho cá…

Các anh kiểm lâm cũng là những “đầu bếp” thượng hạng chỉ cho chúng tôi nấu vô vàn món ăn phong phú từ nguyên liệu sẵn có.

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 17Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 18

Một số món ăn học được ở đảo

Đặc sắc nhất đảo là bụi bí đỏ. Nó lọt vào mắt tôi ngay từ ngày đầu tiên ra đây. Bữa thứ nhất tôi hái ngọn bí xào tỏi. Bữa thứ hai là hoa bí xào thịt bò. Quả bí xào, quả bí nấu canh. Bí ở đảo rất dẻo và ngon nhé. 

Tôi đi Côn Đảo ''đỡ đẻ'' cho rùa - 19

Bụi bí đỏ hiếm hoi trồng được ở đảo

8 ngày làm tình nguyện viên trôi qua nhanh chóng, tôi trở về sài Gòn với làn da rám nắng biển, chân tay đầy vết muỗi, bù mắt cắn nhưng nụ cười thì lúc nào cũng tươi rói. Ở Côn Đảo tôi học được vô vàn kiến thức về rùa biển, cùng kinh nghiệm làm công việc bảo tồn rùa cùng nhiều kĩ năng sống từ các anh kiểm lâm. Hơn hết tôi hiểu rằng những trải nghiệm tôi đã có là điều vô giá và mùa hè tôi vừa trải qua sẽ là một mùa hè tuyệt nhất trong đời.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.