Startup du lịch chật vật xoay chuyển trong mùa dịch
Khởi nghiệp trong lịch vực du lịch nhưng lại rơi đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khiến các startup rơi vào tình trạng “đóng băng” hoat động. Cùng với chiến lược dài hơi, trước mắt để có “sức khỏe” chống chọi với dịch bệnh, nhiều DN đã nhanh nhạy xoay chuyển để giải quyết tình thế trước mắt là có thu nhập duy trì DN, giữ chân nhân sự…
Xoay chuyển giải quyết tình thế trước mắt
Chưa khi nào ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề như thời gian vừa qua. Mọi hoạt động du lịch đã bị đóng băng do Covid-19. Nhưng khó khăn này cũng là lúc đòi hỏi các DN nhanh nhạy xoay chuyển, tìm được khả năng kháng cự, có sức bật để tìm cơ hội tăng tốc sau đại dịch.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, Bùi Bằng Giang - CEO Công ty Asia Exotica chọn thị trường ngách là khách quốc tế nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Hoạt động của công ty đang đi vào quỹ đạo khởi sắc thì dịch Covid-19 ập đến. Bùi Bằng Giang chia sẻ: “Lúc đầu tôi khá shock, lo lắng, buồn bã khi nhìn hàng loạt đơn hàng bị hủy. Tuy nhiên tôi nhận thấy mình cần bình tĩnh để tìm cách duy trì được công ty và đặc biệt là giữ chân được đội ngũ nhân sự vốn rất khó tìm ở phân khúc này”.
Theo đó, Bằng Giang đã có ý tưởng chuyển đổi sang kinh doanh mẹt hoa lễ, có sự kết hợp hài hòa của màu sắc, hương thơm của những loại hoa truyền thống như hoa ngọc lan, hoàng lan, hoa sen, hoa cau… Bên cạnh đó, cô đầu tư dịch vụ ship tận nhà. Do đánh trúng nhu cầu của người tiêu dùng, dự án kinh doanh mới của Bằng Giang khá thành công, nhân viên làm việc ngày đêm mới kịp trả đơn khách hàng. “Có dự án khởi nghiệp mới này, tôi có thể giữ được nhân sự của du lịch, giữ được năng lượng cho công ty để tiếp tục chờ đợi ngày thế giới được kết nối và ngành du lịch được hồi sinh” – Bằng Giang chia sẻ.
CEO Công ty Asia Exotica chuyển sang kinh doanh hoa mẹt.
Cũng nhanh nhạy xoay chuyển trước những khó khăn do dịch, Công ty AZA Travel trước khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã lên kế hoạch tuyển nhân viên để mở rộng hoạt động. Nhiều dịch vụ mới được DN triển khai để đón mùa vàng du lịch dịp hè 2021, nhưng mọi thứ lại bị đóng băng.
CEO AZA Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ, cùng với chiến lược dài hơi, trước mắt để có ''sức khỏe'' chống chọi với dịch bệnh, AZA Travel chuyển một phần nhân sự sang sản xuất và kinh doanh bia thủ công. Do nguồn cung là các nhà hàng, khách sạn bị sụt giảm, công ty này đã chuyển sang bán online, chuyển đến tận nhà cho khách hàng.
Tương tự, Công ty du lịch AKZ là đơn vị cung cấp dịch vụ du thuyền ở Hạ Long và kinh doanh mảng khách sạn ở Hà Nội. Trước những khó khăn của dịch Covid-19, để tạo công ăn việc làm cho nhân viên, công ty nhập hải sản từ Hạ Long (Quảng Ninh) về bán, đồng thời chế biến một số món ăn từ hải sản bán theo hình thức online.
Sẵn sàng bứt tốc sau dịch
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn nhận định, hiện đang là giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch từ khi hình thành đến nay. Nhưng trong khó khăn vẫn phải tính đường xa chuẩn bị lực lượng và các điều kiện để tạo đà bứt tốc, tăng tính cạnh tranh quốc tế khi du lịch hồi sinh.
Theo Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn, qua 4 lần dịch Covid-19 bùng phát, nhân lực du lịch xuất hiện một khoảng trống rất lớn không thể khỏa lấp trong ngày một ngày hai. Trong khi du lịch là ngành đặc thù đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, cần thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đào tạo bằng thực tế trải nghiệm qua việc làm hàng ngày. Do đó, việc giữ chân những lao động chuyên nghiệp, nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị cho sự phục hồi du lịch là bài toán cần giải bằng nhiều phương pháp.
Quang cảnh điểm du lịch chùa Thầy (Quốc Oai).
Mặc dù DN đang rất kiên cường, cố gắng không bỏ cuộc và quyết tâm không gục ngã, song để có thể bật dậy khi dịch được kiểm soát, họ cũng đang cần sự quan tâm, tiếp sức lớn từ Nhà nước.
CEO VietSense Nguyễn Văn Tài cho hay, hiện DN đang được hưởng chính sách giãn nộp thuế 5 tháng và giảm 30% thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, việc được giảm 30% thuế thu nhập DN gần như không có ý nghĩa đối với các DN du lịch vì mọi hoạt động đã bị đóng băng, không có doanh thu. Vì vậy, DN đề xuất cơ quan chức năng miễn thuế thu nhập DN và giảm 50% thuế VAT cho các đơn vị du lịch, nhất là các công ty lữ hành. Bên cạnh đó, các DN mong muốn Chính phủ có những cơ chế giúp họ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, dễ dàng, sát thực tế hơn. Bởi thực tế các gói hỗ trợ đã có nhưng DN du lịch chưa chạm được vào.
Để kịp thời hỗ trợ DN và người lao động trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Sở Du lịch Hà Nội đã có thông báo gửi các tổ chức, đơn vị, DN kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP và các hướng dẫn viên do Sở Du lịch Hà Nội cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch về việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Mức hỗ trợ là 3,71 triệu đồng/người, được chi trả 1 lần cho người lao động đáp ứng các điều kiện hỗ trợ.
“Hiện tại, các Shark định giá doanh nghiệp chưa bằng tài sản mà tôi đã đầu tư, nên tôi cảm thấy không thể chấp nhận...