Tây Ninh và câu chuyện khai thác tài nguyên văn hóa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch phải trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ di sản; không 'can thiệp' và làm sai lệch nhận thức của du khách, của các thế hệ sau về một di tích hay lễ hội, một tín ngưỡng của cộng đồng bản địa.

Tài nguyên văn hóa (cũng như tài nguyên thiên nhiên) là một nguồn lực được con người sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì thế, địa phương nào quý trọng giá trị tài nguyên bản địa và tri thức của cộng đồng bản địa, lấy văn hóa - xã hội làm nền tảng để phát triển kinh tế thì nơi đó sẽ phát triển bền vững.

1. Tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam bộ và trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Về mặt địa hình, Tây Ninh nằm ở “ranh giới” Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, tương ứng với giới hạn phân bố của phù sa cổ. Đây là vùng phát triển rộng rãi nhất của các bậc thềm, toàn vùng như một bán bình nguyên mà khu vực bằng phẳng hơn cả là Tây Ninh. Riêng có núi Bà Đen cao 986m là một khối hoa cương đồ sộ nhất trong vùng.

Tây Ninh có hai tuyến sông chính là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Sông Sài Gòn chảy qua Tây Ninh trên một quãng dài 208km. Trên sông Sài Gòn có hồ Dầu Tiếng, một hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ vùng đồng bằng trũng thấp thuộc lãnh thổ Campuchia chảy vào Việt Nam tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, rồi qua Tây Ninh dài khoảng 98km.

Tây Ninh và câu chuyện khai thác tài nguyên văn hóa - 1

Tòa thánh Tây Ninh là một trong những kiến trúc nổi bật nhất ở châu Á, xây dựng từ năm 1933, hoàn thành năm 1947 và khánh thành 1955. Ảnh: Hải An

Vào thời nhà Nguyễn, trong địa phận tỉnh Tây Ninh còn có con đường thiên lý đi về phía Tây, từ thành Gia Định đến Nam Vang, còn gọi là đường sứ hay đường cống sứ. Con đường thiên lý có chức năng giao thông, ngoại giao và có vai trò quan trọng trong quân sự.

Có thể nói Tây Ninh ở vị trí “bản lề, chuyển tiếp” về địa hình và địa giới đối với cả trong và ngoài nước, do đó vị thế địa - văn hóa của Tây Ninh mang tính chất vừa “phân chia” vừa “nối liền”, thể hiện qua dòng chảy của hai con sông lớn và hệ thống đường bộ vừa là biên giới/ranh giới, vừa là con đường giao thông, giao thương giữa hai quốc gia, giữa các tỉnh liền kề. Vị thế địa - văn hóa là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa một vùng đất, một địa phương.

2. Tây Ninh có lịch sử lâu dài, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm năng đầu tiên là tài nguyên từ di sản lịch sử - văn hóa. Tính đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 90 di tích được xếp hạng, gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt đều là di tích lịch sử cách mạng, 22 di tích quốc gia và 57 di tích cấp tỉnh. Để phát triển du lịch thì những di tích “linh thiêng” từ thời xa xưa là điểm tham quan lý tưởng đang được tỉnh đẩy mạnh đầu tư, khai thác.

Có thể kể đến những di tích - danh thắng nổi tiếng: núi Bà Đen nhiều huyền thoại, hệ thống chùa ở núi Bà như chùa Trung, chùa Bà, chùa Hang. Điều đặc biệt là khu di tích Núi Bà nằm sát thành phố Tây Ninh, chỉ cách khoảng 11 km, rất thuận tiện cho du khách tham quan trong ngày và có thể nghỉ lại dài hơn.

Ngoài ra còn có khu du lịch Ma Thiên Lãnh, Tòa thánh Tây Ninh, chùa Khedol, miếu Quan Đế ở Tây Ninh; vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, căn cứ Trung ương Cục Miền Nam... Hồ Dầu Tiếng là một cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo, đền tháp thời kỳ Óc Eo cổ xưa, những di tích khảo cổ học, di tích lịch sử cách mạng, các công trình kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng như hệ thống đình làng, đền miếu, chùa, thánh thất, nhà thờ, nhà cổ... Các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều loại hình văn hóa dân gian của các dân tộc Việt, Hoa, Khmer, Chăm...

Tây Ninh và câu chuyện khai thác tài nguyên văn hóa - 2

Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam bộ ở phía Đông Bắc thành phố Tây Ninh, nổi tiếng bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại. Ảnh: T.D.T

Hệ thống hơn 50 làng nghề thủ công, từ nguyên liệu địa phương tạo thành những sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu đa dạng. Văn hóa ẩm thực Tây Ninh vô cùng độc đáo, đặc biệt là bánh tráng và các biến thể như bánh tráng trộn đang phổ biến khắp nơi, một món “ăn vặt” được chế biến ngẫu nhiên và tình cờ nhưng “chinh phục” được nhiều người, nhất là giới trẻ. Nhắc đến Tây Ninh không thể quên món “muối tôm” rất bình dân nhưng đã trở thành một đặc sản rất nổi tiếng.

Hiện nay Tây Ninh có 6 di sản văn hóa phi vật thể là Đờn ca tài tử, Lễ hội Kỳ yên tại đình Gia Lộc (thị xã Trảng Bàng), Múa trống Chhay-dăm (thị xã Hòa Thành), Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen (thành phố Tây Ninh), Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng và Ẩm thực chay Tây Ninh. Trong đó, Đờn ca tài tử và Lễ hội Kỳ yên là hai di sản phi vật thể phổ biến ở Nam bộ, 4 di sản còn lại thể hiện sự độc đáo riêng của Tây Ninh.

3. Từ vị thế địa - văn hóa và quá trình lịch sử của Tây Ninh trong bối cảnh Đông Nam bộ (và cả Nam bộ), có thể nhận thấy 3 đặc trưng cơ bản làm nên bản sắc văn hóa vùng đất Tây Ninh trong sự đa dạng văn hóa của đất nước. Đó là:

Vùng biên: tính chất ngăn cách mà nối liền, sự giao thoa và biến đổi trong nhiều hiện tượng văn hóa: các di tích khảo cổ học, đạo Cao Đài, ngôn ngữ/địa danh... Cần có thêm những nghiên cứu mới về tính chất này. Tuy nhiên, cần lưu ý việc bảo tồn văn hóa truyền thống phụ thuộc vào sức bền của các khác biệt/giá trị văn hóa của các nhóm cộng đồng ở vùng biên bởi lịch sử - văn hóa mỗi địa phương phản ánh toàn bộ các yếu tố tự nhiên và xã hội của vùng đất ấy.

Đa dạng: địa hình, tộc người, văn hóa bản địa phong phú, tín ngưỡng linh thiêng. Tây Ninh là vùng đất của văn hóa và tôn giáo với nhiều địa điểm và lễ hội tâm linh đặc sắc. Vì vậy cần hết sức cẩn trọng khi đưa những yếu tố văn hóa mới xen lẫn và có phần lấn át tín ngưỡng linh thiêng vốn có của một vùng đất, một cộng đồng. Phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch phải trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ di sản; không “can thiệp” và làm sai lệch nhận thức của du khách, của các thế hệ sau về một di tích hay lễ hội, một tín ngưỡng của cộng đồng bản địa. Sự “di truyền” văn hóa bản địa sẽ góp phần làm cho bản sắc địa phương được củng cố, bền chặt.

Sáng tạo: đặc biệt là ẩm thực “bình dân” Tây Ninh. Đây là một đặc trưng quan trọng đã tạo nên sự khác biệt và “thương hiệu” của Tây Ninh: muối tôm, bánh tráng các loại, đồ ăn chay... Để có thể nâng cao và phát triển đặc trưng này cần lưu ý đến quy trình đưa sản phẩm trở thành “tài nguyên bản địa”, tiến tới xây dựng thương hiệu cho địa phương từ di sản văn hóa.

Với địa hình khá đa dạng, vừa có núi cao nhất Nam bộ, vừa có thổ nhưỡng tốt, khí hậu ổn định, nông nghiệp trồng lúa và một số loại cây phát triển, không gian xanh chiếm diện tích lớn... hiện nay Tây Ninh chú trọng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, dựa trên thế mạnh kinh tế nông nghiệp. Một hướng phát triển phù hợp với tiềm năng của địa phương, tạo nên sự khác biệt với nhiều tỉnh Đông Nam bộ.

Những nông sản của Tây Ninh đã được người tiêu dùng ghi nhận sự sáng tạo, độc đáo và mang tính truyền thống. Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, phát triển tài nguyên bản địa không thể tách rời công nghệ liên quan từ sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu… Nếu không có công nghệ mới hỗ trợ thì tài nguyên dù giàu có đến đâu cũng vẫn chỉ ở dạng “tiềm năng”, thậm chí còn làm trở ngại cho thay đổi tư duy phát triển bền vững.

Từ nhận thức đầy đủ về loại hình và giá trị tài nguyên bản địa là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tỉnh Tây Ninh cần có những chính sách và giải pháp để bảo tồn những đặc trưng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phát triển kinh tế trên nền tảng tài nguyên văn hóa là bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo, đồng thời đều được hưởng thụ các giá trị văn hóa đó.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Thị Hậu (NĐTO)