Xu hướng du lịch kết hợp khám phá văn hóa điểm đến

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cùng với một số xu hướng du lịch phát triển 'hậu COVID-19', du lịch kết hợp khám phá văn hóa đang nhanh chóng trở thành xu hướng mới, vừa góp phần mở rộng kiến thức, vừa đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, khác biệt tại mỗi điểm đến.

Trong thời gian qua, một số trọng điểm du lịch trong nước đã tổ chức rất thành công những sự kiện văn hóa lớn gắn liền với dấu ấn địa phương, gây chú ý đến các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Có thể kể đến như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnaval biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival lúa gạo Hậu Giang, Lễ hội trái cây Nam bộ... Những sự kiện trên đã trở thành “hiệu ứng văn hóa” không chỉ nằm ở phương diện địa phương mà đã hòa quyện, giao thoa giữa văn hóa Việt Nam với các đoàn nghệ thuật trên thế giới cùng tham gia, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách trong nước và quốc tế.

Xu hướng du lịch kết hợp khám phá văn hóa điểm đến - 1

Tại Thanh Hóa, ngoài những tiềm năng du lịch đã được khai thác như nghỉ dưỡng biển, sinh thái cộng đồng, du lịch sự kiện... còn một tiềm năng ở tầm sâu hơn, nhưng hứa hẹn một khả năng phát triển phong phú bội phần, đó là tiềm năng văn hóa gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc, với non nước hữu tình của đất và người xứ Thanh. Ở mỗi điểm đến đều có những nét đặc trưng văn hóa riêng mà chỉ khi hiểu sâu người ta mới có thể nhận thấy những điều đặc biệt.

Giờ đây, khi nhắc đến địa danh huyện Hoằng Hóa, người ta thường nghĩ tới biển Hải Tiến. Cách TP Thanh Hóa khoảng 15 km, Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến được ví như một nét chấm phá trong bức tranh sơn thủy hữu tình, dọc bờ biển trải dài 12 km của huyện Hoằng Hóa đã mang đến sự khác biệt và mới lạ so với các điểm du lịch biển khác của xứ Thanh. Đến với Hải Tiến, ngoài tắm biển, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo... du khách còn có thể du thuyền tham quan đảo Nẹ, trải nghiệm dù lượn trên đỉnh núi Linh Trường, hoặc tham gia vào các hoạt động của ngư dân miền biển như: câu mực ban đêm, thưởng thức ẩm thực đặc trưng, kéo lưới, chèo thuyền...

Xu hướng du lịch kết hợp khám phá văn hóa điểm đến - 2

Biển Hải Tiến giờ đây còn thu hút du khách bởi có thể kết nối đến các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác trên địa bàn huyện. Nổi danh là vùng đất hiếu học, vì vậy, khi đến với Hoằng Hóa du khách không nên bỏ qua điểm đến Bảng Môn Đình (xã Hoằng Lộc), cách Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến hơn 10 km. Đây là nơi vinh danh hội tụ những người đỗ đạt và đền thờ cụ Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh). Bảng Môn Đình được xây dựng vào thế kỷ XV, hiện đã được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và trở thành biểu tượng cho sự hiếu học của đất và người Hoằng Lộc nói riêng, người dân Hoằng Hóa nói chung.

Cùng với Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, những điểm đến văn hóa, lịch sử, tâm linh, có một thắng cảnh đẹp, hấp dẫn nữa mà du khách không nên bỏ qua trong hành trình du lịch của mình là chùa Bụt và cảng Lạch Trường (xã Hoằng Trường). Chùa Bụt được xem là ngôi chùa cổ có từ rất lâu đời, địa hình đẹp, không gian chùa rộng rãi cũng là nơi thờ tự tâm linh của người dân vùng biển, được trùng tu và mở cửa đón khách du lịch tham quan đông đúc từ năm 2020.

Theo các thư tịch cổ, Lạch Trường còn có tên gọi cổ là Y Bích - một thươg cảng lớn từ những năm đầu Công nguyên. Ngày nay đến thăm Lạch Trường, du khách sẽ được chứng kiến khung cảnh hàng trăm tàu cá trên sông, người mua kẻ bán nhộn nhịp, cờ đỏ sao vàng rợp sông, tàu đi tàu về như mắc cửi, đêm đến đèn giăng như phố... khiến cảng Y Bích xưa như sống lại trong tâm trí du khách.

Xu hướng du lịch kết hợp khám phá văn hóa điểm đến - 3

Cũng dễ hiểu khi giờ đây cùng với du lịch biển, các điểm đến du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng khẳng định vị thế, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến bốn mùa. Thực tế, tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), trước đây chủ yếu thu hút khách vào dịp đầu xuân năm mới, vào các dịp lễ và một số đoàn khách lẻ đến trong năm. Song, những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi du lịch phục hồi trở lại, nơi đây đã đón tới 152 nghìn lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, đây là một trong những điểm du lịch văn hóa được các đoàn khách lớn trong nước lựa chọn là điểm tham quan hấp dẫn. Gần đây nhất (ngày 17-7), Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã đón gần 2.000 lượt khách đến từ Bắc Giang - đoàn khách đến Thanh Hóa lớn nhất từ trước đến nay.

Riêng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng miền Tây, được ví như đứa con “sinh sau, đẻ muộn”, song sức hấp dẫn không hề thua kém các khu du lịch biển. Đành rằng Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) được thiên nhiên ưu ái cho không gian xanh mát, khí hậu trong lành, nhưng điểm nhấn chính là bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Phần lớn, du khách khi đến đây đều không ngoài mục đích tìm hiểu văn hóa cộng đồng bản địa. Họ thích thú khi được hòa mình vào những điệu múa sạp, múa xòe của người Thái; được khám phá phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người bản địa; thưởng thức các món ăn, cách chế biến; được tận mắt chứng kiến cách tạo ra một tấm vải thổ cẩm; ngắm những thửa ruộng bậc thang; những nếp nhà sàn...

Với sự “đóng góp” một cách tích cực của các khu, điểm du lịch, Thanh Hóa đã đón gần 7,4 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2022 và là một trong những địa phương đón lượng lớn khách du lịch của cả nước.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu từng nhấn mạnh rằng: Thanh Hóa có ưu thế trong tất cả các hành trình liên kết với các vùng, địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, để làm nổi bật nên sản phẩm đặc trưng của địa phương chỉ có thể dựa vào chính bản sắc văn hóa ở điểm đến, phải làm sao để khách du lịch cảm nhận được sự khác biệt ở những sản phẩm chung. Nếu những giá trị văn hóa như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lịch sử, lễ hội, kiến trúc, nghệ thuật... được giới thiệu một cách chiến lược, có phong cách, có định hướng thì du lịch Thanh Hóa mới tạo nên bản sắc độc đáo riêng trong các hành trình liên kết. Hãy làm khơi dậy và khai thác những di tích lịch sử, những truyền thuyết, những giá trị văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch, chương trình du lịch độc đáo, đậm đà bản sắc xứ Thanh để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoài Anh (BTH)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!