Long lanh ký ức Trường Sa
Trên những hành trình trong cuộc đời làm báo, mỗi nơi đến là một lần ghi dấu đặc biệt, những kỷ niệm khó quên.
Kỷ niệm đáng nhớ, nhưng cũng “thót tim” nhất của tôi trong lần lênh đênh tác nghiệp trên sóng nước ở Trường Sa, là khi khoảnh khắc chiếc ca nô chở đoàn cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân cùng cánh phóng viên rời tàu HQ 936 để lên đảo chìm Len Đao. Đây là hòn đảo nằm trên rạn san hô thuộc địa giới hành chính xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, nằm cách đá Gạc Ma khoảng 7,4km về phía đông bắc và cách đảo Sinh Tồn khoảng 13km về phía đông nam. Khi còn cách đảo khoảng 100m thì bất ngờ chạm phải đá ngầm, đúng lúc sóng lớn ập đến khiến chiếc ca nô mất thăng bằng, xoay tít giữa trùng khơi trong khi nước biển ập vào rất nhanh rồi lật úp. Mọi người chỉ còn biết nắm chặt tay nhau để không bị sóng đánh ra xa, trước khi cán bộ, chiến sĩ hải quân trên đảo kịp thời ứng cứu.
Đại tá Nguyễn Hưng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác của chuyến hải trình đặc biệt ấy cho biết thêm, những sự cố như vậy không phải là hi hữu. Bởi, để tiếp cận được với các điểm đảo, kể cả đảo nổi lẫn đảo chìm thì tàu phải neo ngoài khơi xa, sau đó hàng hóa tiếp tế lẫn con người đều được “tăng bo” bằng những chiếc xuồng cao tốc hoặc ca nô chuyên dụng. Quãng đường không dài nhưng phải di chuyển đúng tọa độ, bởi chỉ cần chệch hướng là có thể va phải đá ngầm, gặp sóng dữ bất cứ lúc nào.
Đoàn phóng viên tác nghiệp trên tàu HQ 936 chụp ảnh lưu niệm tại đảo Phan Vinh B.
Sự cố nói trên là một trong rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ của chúng tôi trong hành trình lênh đênh trên biển kéo dài suốt 23 ngày trên tàu HQ 936 cùng với Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, làm nhiệm vụ thay, thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa trong những ngày áp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Trong suốt thời gian gần một tháng “cưỡi sóng, đè gió” đó, chúng tôi đã được đặt chân lên 8 đảo, với 14 điểm, bao gồm các đảo chìm Đá Lớn, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, Cô Lin, Len Đao và 2 đảo nổi là Sinh Tồn Đông và Phan Vinh. Cùng chung một hải trình ấy còn có 15 nhà báo của 11 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương trong cả nước. Đó thực sự là một chuyến trải nghiệm quý giá trong cuộc đời làm báo.
Ấn tượng lớn nhất khi đặt chân lên các quần đảo ở Trường Sa là sức sống mãnh liệt được trỗi dậy, hồi sinh từ công sức ngày đêm bám chủ quyền của những chiến sĩ Hải quân. Dưới bàn tay của họ, những vườn rau xanh, những cây bàng vuông, phong ba, bão táp… vẫn căng tràn sức sống, kiên cường chống chọi với sóng, với gió để mạnh mẽ vươn lên. Mỗi điểm đảo mà chúng tôi đặt chân đến đều mang lại những cảm xúc bồi hồi khác nhau.
Song, trải nghiệm quý giá nhất trong cuộc đời làm báo của mỗi người là trong chuyến đi này được tham dự lễ tưởng niệm 64 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc tại bãi đá Gạc Ma ngay trên biển, tại vị trí chỉ cách nơi các anh ngã xuống khoảng 5 hải lý. Rồi việc chúng tôi được đặt chân lên điểm đảo nằm xa nhất trong tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là đảo Tiên Nữ, được làm lễ chào cờ đầu năm ở nơi mặt trời luôn mọc sớm hơn 1 giờ so với đất liền, cũng là một sự kiện đặc biệt. Cùng với đó, lần đầu tiên được đón giao thừa giữa muôn trùng sóng gió, thiếu thốn tình cảm gia đình nhưng đầy ắp tình đồng chí, đồng đội trên đảo Núi Le đúng vào ngày mồng 1 Tết Dương lịch năm Đinh Dậu… thực sự không chỉ là kỷ niệm mà còn là dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời làm nghề.
Bên cạnh sự háo hức trước những đề tài mới lạ trong hoạt động tác nghiệp, cánh nhà báo chúng tôi đã có những khoảnh khắc thú vị đáng nhớ. Đó là khi thức trọn đêm bên nhau, cùng với lính trẻ ôm cây đàn ghi-ta lên boong tàu hát nghêu ngao những bản tình ca. Hoặc những giây phút thay phiên nhau thức “canh sóng” 3G để truyền tin, bài về đất liền cho tòa soạn. Chuyến đi ấy có sự cố thiên nhiên bất ngờ xảy ra khiến ai cũng một phen lo lắng, thậm chí có phần hồi hộp, sợ hãi khi cơn bão Nock-ten (bão số 10) thình lình xuất hiện trên biển Đông khiến lịch trình có phần thay đổi, tàu HQ 936 phải chuyển hướng, tăng tốc nhằm vào các âu thuyền để tránh, trú bão. Rồi có những thời điểm, để tiếp cận được với các điểm đảo, luôn phải có những chiếc xuồng gắn đầu kéo làm nhiệm vụ “trung chuyển” từ tàu HQ 936 lên đảo. Hải trình này tuy ngắn ngủi nhưng cũng có lúc gặp sự cố, không dưới một lần cánh phóng viên lên đến đảo ướt như chuột lột, may mắn lắm mới giữ được đồ nghề không bị ngập trong nước biển… là những kỷ niệm khó phai nhòa.
Trong số các nhà báo tham gia chuyến công tác Trường Sa năm ấy, tôi vẫn ấn tượng hơn cả đối với nhà báo Bạch Thành Phương, Trung tâm thông tin khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng. Anh Phương là trường hợp khá “hi hữu”, dù đã 3 lần đến với Trường Sa khi bản thân bị say sóng triền miên. Cứ mỗi lần bước lên tàu là anh lại phải nhắm mắt, nằm bẹp dí một chỗ. Tận dụng những khi tàu neo nghỉ hoặc lên đảo để làm nhiệm vụ thay, thu quân, nhà báo Thành Phương mới dậy được.
Mệt nhoài là vậy, nhưng như anh tâm sự, hễ cứ nhắc đến Trường Sa là anh lại bị thôi thúc dữ dội, có một sức hút diệu kỳ khiến bản thân không thể cưỡng lại được, lại xung phong xách ba lô lên đường. Với nhà báo Trần Hoàng Hoàng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân và nhà báo Đoàn Tùng, Báo Việt Nam News, Thông tấn xã Việt Nam thì những ngày đến với Trường Sa, ngoài việc cảm nhận được đời sống, sự cống hiến của những người lính đảo, các anh còn được trải nghiệm điều mới mẻ, ấy là câu cá đêm ở Trường Sa. Háo hức đến độ, trước khi lên tàu còn chuẩn bị sẵn cả cần câu nhưng ra giữa trùng khơi thì chiếc cần câu này vô dụng, bởi ở độ sâu hơn 80m, để câu được cá ngừ, chỉ có cách duy nhất là câu bằng sợi cước. May mắn, đêm cuối trước khi rời biển, nhà báo Đoàn Tùng cũng câu được một con cá ngừ và thưởng thức món sashimi cá ngừ ngay trên boong tàu.
Còn đối với nữ nhà báo Phạm Ánh Hồng, phóng viên Đài PTTH tỉnh Bình Định, đến với Trường Sa, chị đã không ít lần xúc động rơi nước mắt vì cảm phục và thương những người lính biển đã dành tuổi thanh xuân của mình để chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trở về sau chuyến tác nghiệp, để chung tay với biển đảo, chị đã kêu gọi, phát động chương trình “Trường Sa xanh”. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, 660 cây lá giang Bình Định được vận chuyển đến tất cả các điểm, đảo ở khơi xa. Chị Hồng tâm sự, những ngày ở biển, thấy cán bộ, chiến sĩ thiếu rau xanh, chị rất thương nên khi về đất liền, nhìn thấy cây lá giang là đặc sản của Bình Định, chị đã nghĩ ngay đến việc đưa ra đảo, với hy vọng bộ đội trên quần đảo Trường Sa sẽ có lá chua để nấu canh mỗi ngày.
Ra với Trường Sa để gặp và hiểu hơn về cuộc sống của những người lính Hải quân đang ngày đêm hy sinh hạnh phúc riêng tư để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương có lẽ là mơ ước của tất cả các nhà báo.
Trên thế giới, có rất nhiều thành phố khai thác dòng sông mang lại nguồn lợi lớn cho thành phố, một trong số đó là sông...