Sếp công ty du lịch kể chuyện làm shipper mùa dịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cơn bão Covid-19 ập tới khiến ngành du lịch lao đao, nhân sự ngành du lịch xoay sở đủ nghề để mưu sinh. Khá nhiều người chọn làm shipper, trong đó ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Lửa Việt Tours.

Là shipper, tôi có dịp đi lại khá nhiều nơi để giao nhận hàng trong lúc mọi người ở nhà giãn cách. Tôi đã thấy và đã nghe nhiều chuyện cảm động nhưng cũng không ít việc tréo ngoe. Khách hàng của tôi, 2/3 là bạn bè, cán bộ hưu trí. Tôi như “nhịp cầu nối những bờ vui” mang thêm cho họ thực phẩm thiết yếu, chất lượng và chút lạc quan trước dịch bệnh.

Sài Gòn - Dọc đường cảm nhận

Buổi sáng, khi qua các chốt kiểm soát xe, tôi lo trình giấy tờ, không để ý nên xe vừa qua cầu Kênh Tẻ là hết xăng. Hỏi, nhân viên chốt bảo “quận 4 rất ít cây xăng”. Đang đẩy bộ và tính kế thì cách chốt hơn trăm mét có dòng chữ nhỏ “BÁN XĂNG”. Mừng như trúng số. Hỏi mua, người phụ nữ ngồi trước cửa vẫy vào và bảo“Chú tự lấy và đổ xăng dùm. Chân tôi đau không đi được”. Trả thêm mấy ngàn lẻ, được cám ơn rối rít. Người mua, người bán đều vui.

Sếp công ty du lịch kể chuyện làm shipper mùa dịch - 1

Ông Mỹ vào vai shipper giao gạo

Đầu giờ chiều, tôi ship hàng qua Nhà Bè, giáp ranh quận 7. Ngay ngã tư Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh, một shipper ngã chỏng chơ, có lẽ do trời mưa trước đó nên đường trơn trượt. Hai anh CSGT từ chốt vội vã chạy ra, đỡ shipper dậy và tận tình giúp buộc lại hàng hóa. Anh em còn dặn các shipper cẩn thận, nhất là mấy người chở hàng nặng. Việc nhỏ mà thấy ấm lòng.

Tôi chỉ chạy ngoài đường phố và giao hàng ngoài hàng rào, giữ khoảng cách với người nhận. Ngang qua các cửa hàng thực phẩm, chỗ nào cũng rồng rắn xếp hàng trật tự. Không thấy ai kêu ca, than vãn. Sài Gòn vẫn bình tĩnh, kiên cường. Trên đường thiên lý, tôi còn gặp nhiều nhóm phát cơm từ thiện khắp nơi. Không chỉ phát cho người nghèo khó, vô gia cư mà còn cho cả mấy shipper lỡ bữa, hay mấy anh nhân viên chốt kiểm soát chưa biết mua gì để lót dạ. Trong dịch bệnh, tình người Sài Gòn càng được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Shipper nào cũng phải nhờ Google maps chỉ đường nhưng đường phố Sài Gòn, số nhà lộn xộn nhất thế giới. Bình thường, lắm lúc Google maps cũng bó tay, phải nhờ Google mồm cứu bồ. Thời dịch bệnh, đường phố phong tỏa giăng dây tứ phía, Google nào định vị cho xuể. Nhiều người dân và cả cán bộ giữ chốt biết vậy nên tận tình chỉ đường ngang, ngõ tắt, lách hẻm để giao hàng tận nơi.

Sếp công ty du lịch kể chuyện làm shipper mùa dịch - 2

Bàn tay chai sạn vì nắng gió của một shipper. Mùa dịch, mọi người ở trong nhà nhưng họ vẫn kiên nhẫn giao hàng thiết yếu đến từng con hẻm nhỏ. Ảnh: Hải An

Cùng là ‘đồng nghiệp’, các shipper thường hỗ trợ khuân vác giúp nhau, rồi thì trao đổi thông tin, lộ trình và có khi chia sẻ cả bữa ăn đạm bạc vì hàng quán đóng cửa, không ai bán gì ăn lót bụng.

Nhờ đi ship hàng, tôi cũng biết thêm nhiều chuyện ấm lòng. Người dân giúp nhau, san sẻ từng nhúm hành, mấy cọng rau thơm. Có thủ trưởng về hưu đã lâu vẫn đặt hàng cho nhân viên cũ. Có người nhờ ship cho đồng nghiệp cũ bị phong tỏa; cho anh em ở ủy ban, dân phòng, cảnh sát giao thông… Sợ tôi quên, có anh chị ở quận 2 cứ gọi điện nhắc hoài việc gởi gạo và mì tôm cho 2 anh bảo vệ cư xá.

Anh em ở các chốt kiểm soát giao thông làm việc rất vất vả, bất kể thời tiết. Làm nghiêm theo chỉ thị thì bị phản ứng và lắm lúc cũng áy náy vì những qui định bất cập như chỉ mua bán nội quận, shipper phải có cùng lúc loại giấy tờ. Làm lơ thì mang tiếng không hoàn thành nhiệm vụ.

Sếp công ty du lịch kể chuyện làm shipper mùa dịch - 3

Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ một shipper trong những ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Hải An

Ngoài việc giao hàng, shipper tôi còn kiêm thêm việc tư vấn chế biến, báo vắn tắt tình hình ngoài đường để khách yên tâm vì thông tin trên mạng nhiễu quá, ngồi trong nhà chẳng rõ thực hư. Họ tin vì biết tính tôi lâu nay bộc trực, có sao nói vậy, lúc nào cũng lạc quan có cơ sở; dù đang chở cả tạ gạo hay bán cá, bán mực…

Bị giãn cách ở nhà, nhiều người ước mơ ngược. Thèm hít thở khói bụi và không khí kẹt xe thường nhật trước kia. Có người còn bảo sẽ chạy xe thật chậm để thưởng thức. Mới hay, ít ai bằng lòng với chính mình, với hiện tại. Cũng giống chuyện những ông chồng luôn bị các bà vợ cằn nhằn. Bực không chịu được. Thế nhưng, vắng tiếng cằn nhằn vài tuần là nhớ vì không được ai nhắc nhở về mấy thói tật của mình.

Sếp công ty du lịch kể chuyện làm shipper mùa dịch - 4

Đường Huyền Trân Công Chúa, Quận 1 không một bóng người vào buổi tối. Ảnh: Hải An

Buổi tối thành phố vắng ngắt, không một bóng xe. Nhiều người than buồn nhưng tôi thấy thành phố tĩnh lặng vẫn có vẻ đẹp, có nét quyến rũ riêng. Thành phố ồn ào, nhộn nhịp giống phim hành động, ngắm mãi cũng chán. Cảnh vật luôn có hồn riêng, đẹp, xấu tùy góc nhìn và quan điểm mỗi người.

Đề xuất của một shipper

Biết tôi viết lách được, nhiều người còn gởi gắm, đề xuất nhờ chuyển tới các cơ quan nhà nước và dư luận. Tôi xin tóm tắt và gửi đến quý bạn đọc:

Nơi nào có F0 thì cách ly chỗ đó. Không phong tỏa cả chung cư, cả hẻm cả phường vì vài ca F0, gây tâm lý hoang mang. Nên có màu sắc quy định cấp độ giãn cách. Chấm dứt việc giăng dây, rào chắn tứ bề như hiện nay vì tạo tâm lý bất an, nhìn đâu cũng thấy dịch bệnh.

Đã phong tỏa, phải nghiêm ngặt. Không thể phong tỏa đầu này, đầu kia mở. Phong tỏa đường chính nhưng các hẻm ngang dọc thì không, gây tâm lý đối phó, lách luật, chủ quan, xem thường sự lây lan nguy hiểm của dịch bệnh

Tạo điều kiện để các shipper là những cánh tay nối dài của người dân mùa giãn cách. Ưu tiên cho các shipper gạo, rau củ, nước chấm, trứng, cá, thịt…vận chuyển. Phạt thật nặng các lỗi hàng gian, hàng giả, đầu cơ…mùa dịch.

Đơn giản hóa thủ tục vận chuyển cho các nhóm thiện nguyện điều phối thực phẩm thiết yếu đến các vùng bị phong tỏa. Đặc biệt quan tâm các khu vực công nhân, sinh viên, người làm công nhật ở trọ. Xem các tình nguyện viên như thanh niên xung phong trong chiến tranh. Nên ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng này và các shipper có giấy phép.

Tập trung hơn nữa nhiệm vụ an dân, có phương án hỗ trợ thiết thực, kịp thời đối với người lao động bị mất việc, người có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp các tỉnh, thành cả nước thay vì tổ chức hồi hương thì dùng kinh phí và công sức đó lo cho dân tỉnh ở lại, thông qua các hội đồng hương, các nhóm thiện nguyện, các đoàn thể. 

Sếp công ty du lịch kể chuyện làm shipper mùa dịch - 5

Shipper là 'nhịp cầu nối những bờ vui' mang cho người dân thực phẩm thiết yếu, chất lượng và chút lạc quan trước dịch bệnh. Ảnh: Hải An

Kết thúc bài viết, tôi mượn hình ảnh nửa ly nước dành cho hai kẻ đi đường kiệt sức, khát rã họng. Nhận ly nước, kẻ bi quan kêu “Chỉ có nửa ly, làm sao đã khát”. Người lạc quan mừng rỡ “May quá, có nửa ly nước để không chết khát”.

Tôi thuộc tip người luôn lạc quan có cơ sở trong mọi hoàn cảnh. Bình thường, “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, giữa dịch bệnh cam go, lạc quan là thuốc kháng sinh cần thiết, thêm sức cho cơ thể phòng chống dịch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Công ty du lịch Lửa Việt Tours)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!