Những ngày hè ở thành phố, xen lẫn những cơn mưa giông sũng nước là những ngày nắng nóng gay gắt có khi 37-38 độ. Trong nhà dịu mát hơn nhờ quạt và điều hòa. Người vùi đầu vào những bộ phim dài tập, kẻ tìm niềm vui nấu nướng, thi thoảng bật ra tiếng thở dài chán nản vì ngao ngán cảnh ở nhà. Nhưng bạn biết không? Khi đôi tay ta đang thoăn thoắt nhặt rau, tưới cây, chơi game, bấm remote chuyển kênh tivi ở nhà thì ngoài kia có những đôi bàn tay kín mít trong chiếc găng tay sũng mồ hôi lặng lẽ thắp những đốm lửa nhỏ đầy hi vọng.

Bàn tay không ngừng nghỉ của các bác sĩ để giành lấy sự sống cho một bàn tay khác.

Niềm vui của bác sĩ có khi chỉ đơn giản là thấy chỉ số oxy của bệnh nhân đã tăng lại mức bình thường, là theo dõi từng cử động nhỏ nhất của ngón tay - dấu hiệu sự hồi sinh.

Là đôi tay của những bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho những F0 ở các bệnh viện, cả ngày nhốt mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, tay mướt mồ hôi. Sau một ngày dài cởi bỏ chiếc găng tay y tế, đôi tay nhăn nhúm trắng bệch như ngâm trong nước.

Nhìn họ, có ai chợt chạnh lòng nghĩ đến những ngày bình thường khi chưa có dịch, cũng đôi tay này sẽ nấu ăn cho gia đình, đôi tay mẹ dịu dàng thắt tóc cho con gái, hay đôi tay cha mạnh mẽ sửa những món đồ điện trong nhà. Khi dịch bệnh ập đến, xỏ bàn tay vào bao tay, mặc đồ bảo hộ xa gia đình cả tháng trời, họ đều như nhau: tất cả vì người bệnh, trở thành lá chắn thép nơi tuyến đầu.

Bàn tay của ca sĩ Phương Thanh cắt tóc cho y bác sĩ. Bàn tay của nhóm nghệ sĩ làm thiện nguyện tại các bệnh viện dã chiến.

Gia đình tôi có mợ tôi làm trong ngành y, vài bữa lại thấy mợ trong đội hình tình nguyện đi test nhanh hoặc hỗ trợ các địa điểm điều trị F0 được phân công, xa chồng con cả tháng. Mợ tôi bảo mặc đồ bảo hộ vào là xác định cả ngày nhịn uống nước hoặc uống rất ít vì đi vệ sinh cực kì bất tiện. Thêm nữa, thấy tin nhắn cũng không trả lời được, đeo găng tay y tế không thể thao tác trên điện thoại cảm ứng như bình thường. Đến cuối ngày được nghỉ ngơi thì tay cũng mỏi rã rời.

Tuần trước tôi đi tiêm vắcxin, bác sĩ tiêm cho tôi còn khá trẻ, giải thích kĩ về loại vắc xin, biểu hiện thường gặp phải sau khi tiêm. Tôi còn đang vừa nghe vừa ghi nhớ thông tin thì chị đã nói “Xong rồi đó em!”. Tôi ngạc nhiên hỏi “Ủa nhanh vậy chị, em còn không thấy đau gì luôn”. Chị cười “Nhẹ quá không có cảm giác hả”, thực ra tôi đoán là chị cười sau lớp khẩu trang và bảo hộ.

Tiêm vắc xin hóa ra rất nhẹ nhàng chứ không hề đáng sợ như nhiều người tưởng tượng.

Muốn biết mùa hè Sài Gòn khắc nghiệt ra sao, cứ ra một con đường bất kỳ lúc giữa trưa. Câu nói này không phải nói cho vui. Những ngày giãn cách, khi người dân hạn chế tối đa việc ra đường theo chỉ thị của Chính phủ, thì ngày lẫn đêm, vẫn có hàng trăm hàng ngàn người trong thành phố luôn có mặt trên đường vì những trách nhiệm khác nhau.

Lực lượng chức năng làm việc buổi tối.

Đó là những cảnh sát giao thông, lực lượng dân quân xã phường tại các chốt kiểm tra lưu thông trên khắp các con đường lớn nhỏ trong thành phố.

Lực lượng cảnh sát kiểm tra giấy tờ của người dân và hỗ trợ điều tiết giao thông.

Đó là những “shipper” vẫn kiên nhẫn giao hàng thiết yếu đến từng con hẻm nhỏ. Có khi gặp những shipper lớn tuổi, có người không rành đường, điện thoại tới lui có khi mấy cuộc nhưng không nỡ nói câu gắt gỏng. Trời nắng hay mưa, mình chỉ ở trong nhà bấm điện thoại đặt hàng, người ta bươn chải ngoài đường. Nhận hàng rồi cũng chỉ biết nói cảm ơn, nói chú giữ lại chút tiền thừa để uống nước.

Đôi tay trần sứt sẹo dưới nắng của shipper

Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao những bộ phim truyền hình thường có cảnh người này ngồi cạnh giường bệnh nắm tay người kia rồi thì thầm nói những câu động viên dù biết đối phương không nghe được? Khi sinh mệnh đứng giữa lằn ranh sinh tử, người ta vẫn tin rằng ai đó sẽ cảm nhận được sức mạnh của cái nắm tay ấm áp. Tương tự, cái bắt tay gặp mặt là biểu hiện của sự chào hỏi thân tình. Cái vẫy tay tạm biệt thay cho ngàn vạn lời chúc, lời chào. Hóa ra một đôi tay có thể “nói” biết bao điều vượt mọi rào cản ngôn ngữ, tuổi tác, giới tính hay thân sơ.

Những bệnh nhân F0, vẫy tay chào tạm xa nhau rồi chúng ta sẽ sớm đoàn tụ ngày hết dịch.

Bàn tay khô nhăn của cụ bà người Chăm đang được chăm sóc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM.

Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng cuộc chiến Covid gian khó này.

Cuối năm 2016, Trần Lập và Bức Tường tổ chức một liveshow âm nhạc mang tên “Đôi bàn tay thắp lửa” – cũng là liveshow cuối cùng của Trần Lập trước khi anh mất vì căn bệnh ung thư. Trong buổi tối xúc động đó, Trần Lập đã hát ca khúc Đôi bàn tay do chính anh sáng tác và chia sẻ “Ai trong đời cũng có lúc gặp sóng gió. Cuộc đời con người giống như que diêm trước gió, mà mỗi người chỉ có một đôi bàn tay. Nhưng như vậy liệu có đủ? Nếu có nhiều bàn tay, ta có thể cùng nhau nhóm lên ngọn lửa và sẻ chia những tấm lòng nhân ái”.

Luôn có những hi sinh thầm lặng để đổi lấy niềm vui rất đời thường của người khác: là những buổi tối có đủ mặt gia đình, có bàn tay xinh của em thơ phụ mẹ nấu một bữa cơm ngon.

Đâu đó trong thành phố này, vẫn luôn có những đôi tay đang giành lấy sự sống, đang hết mình vì nhiệm vụ. Từ những đốm lửa nhỏ đang thắp lên, hãy tin rằng ngày mai sẽ là ngày tươi sáng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Sáu, ngày 13/08/2021 12:26 PM (GMT+7)

Huyền Trần - Hải An