Những chiều 30 Tết…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chiều 30 Tết, khi nắng chếch sau hè, tôi hay ngồi ở mé hiên nhà tận hưởng từng phút giây như gần như xa, bởi phải mất 364 ngày sau mới lại được gặp một chiều bình yên ấm cúng như thế.

Tôi hay ngóng Tết về từ độ gió chướng cuối năm. Gió chướng - đúng như cái tên gọi: khó chịu, ngang ngạnh, khô và lạnh. Gió đùng đùng cả ngày theo từng cơn thốc đám lá cao su, lá điều tứ tung đầy nhà đầy sân. Nhỏ em cầm chổi quét đằng trước gió lại quẩn lá về phía sau, những sáng thức dậy sớm, chúng tôi tranh nhau đốt lá cao su hơ tay sưởi ấm.

Thỉnh thoảng, vài hạt điều sót lại nổ lép bép và dậy mùi thơm béo ngậy.Gió chướng về, rau muống ra hoa, mía trổ cờ, ngoài đồng những con cá rô béo núc ngược dòng nước từng đàn. Ấy là khi tôi biết: Tết sắp về.

Từ trước khi gió về là mẹ đã làm đất gieo rau xà lách, thì là, rau mùi. Có gió xuống đám xà lách vừa vặn kịp cuộn lại, búp non mơn mởn. Rau này mà nấu canh cá với cà chua rồi chấm, hay cuộn chả giò chiên chấm nước mắm thì ngon hết sảy. Mấy rau này thường mẹ tôi không bán, để dành nhổ cho vài nhà hàng xóm thân quen.

Những chiều 30 Tết… - 1

Luống rau xà lách của mẹ trồng

Từ độ đưa ông Táo về trời là ngày tháng như trôi vèo vèo, bố tôi vặt lá cho mấy gốc mai từ rằm tháng Chạp rồi sáng chiều chắp tay đi quanh ngó nghiêng tính toán xem thời tiết này mai có nở kịp không. Có khi ngủ nửa đêm thấy trời trở lạnh, bố còn lật đật trở dậy lấy bóng đèn ra thắp ủ ấm cho cây mai. Với bố, có cây mai mới ra Tết, mà còn phải là mai do chính tay bố chăm sóc. 

Những chiều 30 Tết… - 2

Mùa xuân đến trước cửa nhà

Tết cuốn cả nhà vào sự bận rộn không rõ ràng, làm xong việc này lại thấy phải làm việc kia. Những bận rộn mà người ta than thở đó nhưng rồi lại ngóng chờ trong nhớ thương, chộn rộn. Phải chợ ngó nghiêng hoa cỏ, mấy chậu quất kiểng, bông cúc rồi ỏng eo chê mắc xong rồi vẫn mua “mua về sớm chưng cho có không khí Tết, chờ chi tới chiều 30, hết Tết mất rồi còn đâu”- mẹ nói vậy.

Phải đi tới đi lui mấy nhà trong xóm hỏi nhau một câu “Sắm Tết tới đâu rồi”, nghe người ta trả lời mới thấy không khí Tết. Phải lôi hết chén dĩa, ly tách ra rửa, lôi chăn lôi mền ra giặt phơi kín bờ rào, lau bàn thờ, lau bát nhang, quét mạng nhện sạch bóng nhà cửa, cho có không khí Tết. Phải bày ra mấy trái dừa nạo làm mứt, sên đường, bày ra mấy kí gạo gói mấy cái bánh chưng, làm ít dưa hành củ kiệu đau muốn gãy cái lưng rồi đắp mền mở Táo quân, chuẩn bị sẵn đống củi chờ giao thừa châm lửa cho có không khí Tết.

Những chiều 30 Tết… - 3

Chụp hình trước vườn nhà

Mấy anh chị em họ chúng tôi có thói quen đi chợ Tết. Từ khi chúng tôi còn là những đứa bé đạp xe đạp hẹn nhau ở đầu chợ, xin bố mẹ được ít tiền đi chợ Tết đến khi đã là những đứa trẻ lớn đầu thì chợ Tết luôn là một điều đặc biệt. Đó là phiên chợ rộn ràng và đầy sắc màu, người mang ra những xếp lá dong, lá chuối, người mang ra mấy con gà trống, những cây phát tài, những rổ trái cây hái từ vườn nhà.

Ở một góc chợ, có những người bán cả những cành mai rừng to đùng và rất dài thu hút cánh đàn ông đứng xem và bàn tán. Phụ nữ thì khỏi phải nói, các chị các mẹ ai cũng khệ nệ xách hai ba giỏ đầy ắp thịt thà rau củ. Chợ quê mà, nghỉ Tết cũng phải ra mùng mới bán lại chứ không như ở Thành phố có sẵn siêu thị mở cửa xuyên Tết.

Những chiều 30 Tết… - 4

Thăm một vườn hoa Tết

Bây giờ Tết đã chẳng còn thiếu thứ gì, thứ duy nhất mà nhiều người hoài niệm và ước ao chắc hẳn là “không khí Tết” đoàn viên, sum vầy, háo hức. Tôi cũng chỉ mong mình luôn thu xếp được công việc, trở về với bố mẹ những ngày sắp Tết. Dù chắc sẽ vẫn chẳng thể thoát được những câu hỏi của mấy cô bác hàng xóm rằng “bao giờ lấy chồng”, nhưng có hề gì, Tết mà!

Tết này, gác lại những chuyến hành trình miệt mài của tuổi trẻ, tôi trở về với gốc mai của bố, vườn rau của mẹ.

Tôi nhớ da diết những chiều 30 Tết, khi nhà đã không còn hột bụi, khi khói đốt đống lá cây cuối cùng bay lên bảng lảng, tivi phát chương trình Chiều cuối năm, bố tôi đốt một nén hương trầm trên bốn thờ tổ tiên, mẹ tôi làm cơm cúng Tất niên. Cái mùi hương trầm bố tôi đốt những chiều đó không lẫn vào bất cứ ngày nào khác.

Bởi thế những chiều 30 khi nắng chếch sau hè, tôi hay ngồi ở mé hiên nhà tận hưởng từng phút giây như gần như xa, bởi phải mất 364 ngày sau mới lại được gặp một chiều bình yên ấm cúng như thế, với những đổi thay chẳng ai đoán định trước.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần