Làng hoa Tết Mỹ Bình rồi sẽ chỉ còn là ký ức
'Sau tết 2022 này nghề trồng hoa của gia đình tôi ở Mỹ Bình có lẽ cũng chấm dứt!'.
Một ngày giáp Tết 2022, đi vòng vòng một hồi tôi mới tìm được khu đất và căn nhà của ông Bùi Khả ở khu phố 3, phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận).
Cái nghiệp với hoa
Những năm trước, nhà ông Khả có 4 sào đất quanh năm chuyên canh hoa các loại. Người đàn ông gần 70 tuổi gần như cả đời trồng hoa không chỉ là để mưu sinh, giúp ông nuôi sống gia đình mà còn là vì đam mê.
Những luống hoa đơm nụ khoe sắc nằm lọt thỏm giữa các khối bê tông, đất đá ngổn ngang của khu dự án. Ảnh: NÚI XANH
Dựng xe tuốt ngoài xa chúng tôi leo qua những khu đất đang san lấp dở dang, tới khu vườn nhà ông Khả ngày xưa. Bên căn nhà cấp 4 và khu đất đã được đền bù, tiếp chúng tôi là anh Bùi Đạo Đức (con ông Khả) cho biết ba anh đã cất nhà ở trong phố, tranh thủ khi người ta chưa thi công, ông tiếc vài trăm mét đất nên ráng trồng ít hoa và rau bán dịp tết.
Chỉ tay ra những luống hoa đang mơn mởn đơm nụ khoe sắc nằm lọt thỏm giữa các khối bê tông, đất đá ngổn ngang của khu dự án, anh Đức trầm ngâm: "Mọi năm hoa nhổ bán đến đâu thì người dân sẽ làm đất để xuống giống cho mùa tiếp đến đó. Còn năm nay nhổ hoa xong là bỏ đất trống luôn, vì sau Tết khu này sẽ bàn giao cho thành phố thi công khu đô thị K2”.
Mọi năm, hoa nhổ bán đến đâu người ta sẽ làm đất xuống giống luôn cho mùa tiếp. Năm nay, hoa nhổ xong là bỏ đất trống luôn. Ảnh: NÚI XANH
Anh Đức kể vợ chồng anh cũng chuyển về quê ngoại ở, anh về với nghề tài xế xe tải và dự kiến cùng vợ mở một quán ăn nhỏ tại nơi ở mới để sinh sống, con trai mở công ty kinh doanh. Anh bùi ngùi tâm sự: Với diện tích đất trồng hoa trước kia, sau khi trừ hết chi phí cây, gia đình thu về hơn 20 triệu đồng mỗi tháng. Con cái học hành, chi phí mọi thứ cho sinh hoạt cũng nhờ vào hoa. “Sau tết này nghề trồng hoa của gia đình tôi ở Mỹ Bình có lẽ cũng chấm dứt..." - câu nói nghẹn nửa chừng của anh đầy sự tiếc nuối.
Anh Bùi Đạo Đức chia sẻ: “Sau tết này nghề trồng hoa của gia đình có lẽ rồi cũng chấm dứt..."
Nhìn phía tòa nhà cao nhất miền Trung Sunbay Park đang dần hoàn thiện, anh Đức chia sẻ thêm: "Gia đình tôi và mọi người ở đây ai cũng ủng hộ vui vẻ chấp hành các quyết định của chính quyền. Một khu đô thị mới khang trang với các công trình hiện đại, dù sao cũng sẽ tốt hơn là những khu nhà cấp 4 không theo một quy hoạch nào".
Hoa nuôi sống mình nên không thể bỏ trồng hoa!
Cũng làm nghề trồng hoa như gia đình ông Bùi Khả, chị Nguyễn Thị Gái ở khu phố 6, phường Mỹ Bình, có gần 20 năm bám mảnh đất này. Nhờ cây hoa mà chị có tiền để chăm chồng bệnh hiểm nghèo và nuôi 4 con ăn học đến nơi đến chốn.
"Không làm hoa ở đây nữa nhưng tôi cùng với một số hộ dân đã mua một miếng đất ngoại thành, đang sửa soạn làm đất để ra giêng sẽ tiếp tục xuống giống hoa" - chị Gái tâm sự. Ảnh: NÚI XANH
Chị tâm sự: "Trồng hoa với tôi đã trở thành nghề chính rồi, 3 đứa lớn học xong đại học có nghề nghiệp gia đình ổn định, còn đứa con út đang học năm thứ 2 Cao đẳng công nghệ thông tin, tất cả cũng nhờ cây hoa. Khu này hàng năm có tới 3 héc ta trồng hoa, năm nay chỉ còn dăm hộ trồng chắc được vài sào, bởi vậy hoa năm nay được giá gấp 3, 4 lần năm trước”.
Chỉ vào con đường nhựa rộng rãi mới thi công ngay trước nhà, chị nói tiếp: "Đất nhà tôi trước đây dài tới tuốt ngã tư kia, gia đình đã nhận đền bù rồi. Giờ tôi mướn lại khoảnh đất này để trồng hoa bán tết, ra giêng cũng sẽ bàn giao lại cho thành phố để làm khu đô thị mới".
Lê Thành Nhiên (con trai chị Gái) ngoài giờ học online tranh thủ phụ mẹ chăm sóc hoa. Ảnh: NÚI XANH
Ngoài vườn, cậu con trai út của chị Gái tên là Lê Thành Nhiên đang chăm hoa. Thương mẹ vất vả nên ngoài giờ học online cậu tranh thủ mẹ được chút nào hay chút ấy. Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo, từ sáng sớm Nhiên đã dậy cùng mẹ nhổ hoa giao cho bạn hàng. Thỉnh thoảng có khách vãng lai tới mua, cậu lại lúi húi ra vườn nhổ cây vào cho mẹ gói giao khách.
Chiếc xe này chở mùa xuân từ vườn hoa của mẹ con chị Gái về nhà. Ảnh: NÚI XANH
"Đã trót theo nghề trồng hoa rồi, mến tay mến chân với miếng đất, với cây hoa, nếu giờ mà không làm nữa chắc buồn lắm. Không làm hoa ở đây nữa nhưng tôi cùng với một số hộ dân ở đây đã mua một miếng đất ngoại thành, đang sửa soạn làm đất để ra giêng tiếp tục xuống giống hoa. Hoa đã nuôi sống mình nên dù thế nào đi nữa người nông dân vẫn không bỏ nghề" – chị Gái tâm sự.
Vẫn tiếc lắm cái tên làng hoa Mỹ Bình
Đang chọn cây bên luống cúc hé nụ, hàng vạn thọ thơm lừng chờ tết, chị Hải Bình nhà ở Phước Mỹ cho biết, mọi năm làng hoa Mỹ Bình dịp này nhộn nhịp lắm, thương lái mang xe tới chở hoa đi bán khắp nơi, người dân quanh đây tới "xí phần" buộc dây vào những cây hoa đẹp để cận tết bứng về. Hiếm ai ở quanh Phan Rang mà không có hoa từ làng Mỹ Bình chưng trong mấy ngày tết.
Chị Hải Bình và người dân ở đây vẫn tiếc nuối lắm cái tên làng hoa Mỹ Bình. Ảnh: NÚI XANH
"Làng hoa nổi tiếng giờ là những công trình xây dựng, tết mà chỉ còn vài hộ trồng. Quy hoạch khu Đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ để phục vụ cho đầu tư hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch, thật thực sự cần thiết và cũng mừng cho thành phố, nhưng tôi và người dân ở đây vẫn tiếc nuối lắm cái tên làng hoa Mỹ Bình. Hôm nay ra đây rất may là còn vài hộ trồng hoa, tôi mua 1 ít cúc Đà lạt, cúc vàng về cúng ông Táo, tiện bứng dăm chậu vạn thọ ta về chưng mấy ngày tết” – chị nói.
Những luống hoa cuối cùng của làng hoa Mỹ Bình đang hé nụ chờ tết. Ảnh: NÚI XANH
Sau tết này, cái tên làng hoa Mỹ Bình chắc chắn chỉ còn trong ký ức người dân nơi đây. Nhưng với những người nông dân đam mê trồng hoa như chị Gái, chắc chắn có những làng hoa mới như Văn Hải, Tuấn Tú sẽ được gọi tên. Cuộc sống này “đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp”, hoa tươi vẫn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây, nhất là mỗi khi tết đến xuân về.
Những ngày giãn cách này, lâu lắm không đi đâu, tôi lại nhớ Hội An. Hội An là đôi khi chỉ ghé đến, ngắm nhìn, đi trên...