Tết - Đi đâu xa hay trở về nhà?
Tôi và những chuyến đi, tôi và cuộc sống dịch chuyển không ngừng. Nhưng Tết với tôi lại là một chuyến đi hoàn toàn khác, 10 năm nay chưa bao giờ thay đổi: về nhà.
Tết này đi đâu chơi không? Tôi biết người ta nói với nhau rất nhiều về việc Tết đi chơi xa hay về nhà. Ở nhiều giai đoạn của tuổi trẻ, chúng tôi cũng từng coi việc đi 5 châu 4 bể, chinh phục được 1 đỉnh núi hay “check-in” ở một địa danh nổi tiếng là điều vẻ vang. Là một người thích đi đó đi đây, bạn bè chẳng xa lạ gì khi thấy tôi đăng hình đi khắp nơi, có khi tận miền cực Bắc tổ quốc đi ngắm ruộng bậc thang, có khi là một chuyến tình nguyện nào đó trên cao nguyên, hoặc một vùng núi tuyết xa xôi tận Nepal. Tôi và những chuyến đi, tôi và cuộc sống dịch chuyển không ngừng. Nhưng Tết với tôi lại là một chuyến đi hoàn toàn khác, 10 năm nay chưa bao giờ thay đổi: về nhà.
Thấm thoát đã 10 năm đặt chân đến Sài Gòn - mảnh đất chẳng gọi là nhà mà cũng chẳng phải nơi xa lạ. Chúng tôi - những đứa con xa quê ở trọ Sài Gòn với hi vọng tìm cho mình những cơ hội khẳng định bản thân, thực hiện những ước mơ từ thơ bé. Thế rồi, cứ dịp cuối năm, chúng tôi nói lời tạm biệt Sài Gòn, trở về với ngôi nhà thực sự của mình.
24 Tết là ngày làm việc cuối cùng của tôi cùng đồng nghiệp. Như mọi năm, tôi xin nghỉ phép sớm ít ngày trước ngày nghỉ của công ty để chuẩn bị về quê. Trên chuyến xe đưa rước quen thuộc, mọi người nhao nhao hỏi sao nghỉ sớm vậy, có mua vé xe chưa, đường về nhà có bị kẹt xe không. Tôi bảo mình sẽ chạy xe máy về nhà. Quãng đường gần 200km đã trở nên quen thuộc suốt 10 năm xa quê.
Tuổi trẻ cho tôi cơ hội được đặt chân đến biết bao phương trời xa lạ, mới mẻ và nhiều nơi đẹp hơn hẳn chốn quê nhà. Nhưng cũng chính tuổi trẻ ấy, tôi đã biết bao lần ngang qua những thị trấn xa lạ lúc chiều buông, khói bếp bay lên sau những mái hiên, nhớ nhà đến bật khóc. Biết bao lần đứng trên những đỉnh núi cao hoàn thành giấc mơ chinh phục, tôi nhìn quanh, tự hỏi hướng nào về nhà mình.
Đường về quê tôi
Tôi may mắn hơn người bạn lính hải quân ở Quảng Trị, vì nhiệm vụ mà 2 năm mới được về ăn Tết một lần, có năm bạn gọi cho tôi đêm giao thừa chỉ để nghe tôi miêu tả không khí ở quê bây giờ rộn ràng ra sao. Tôi cũng hạnh phúc hơn những người bạn đi xuất khẩu lao động, đi du học nước ngoài, Tết với họ chỉ là một ngày để nhớ về trong tâm tưởng.
Tôi tạm biệt Sài Gòn từ 5h sáng, khi thành phố vẫn chưa hoàn toàn thức giấc. Vậy mà ngang qua khu chợ Bình Triệu lối ra khỏi thành phố chợ đã họp đông đúc từ bao giờ. Những xe rau củ đầy ngất, những vựa hoa bên đường chong đèn sáng cả đêm. Ai cũng gấp gáp hối hả theo nhịp Tết đang cận kề. Mẹ tôi ở quê giờ chắc đã tan chợ từ lâu, chắc đang nhóm bếp đun nước trà, đang quét sân, tưới rau. Muốn đi bỏ mối rau mẹ phải dậy từ 1h đêm, ra trung tâm thị trấn giao hàng. Những ngày cuối năm trời lạnh hơn, rau nhiều hơn, mẹ lại đi sớm hơn.
Tôi biết mình đã rời xa Sài Gòn hơn khi đường vắng dần những chiếc xe máy biển số thành phố, mắt tìm những chiếc xe biển số quê nhà. Tôi biết mình đang trên đường về quê ăn Tết khi những chiếc xe chở cả gia đình lướt qua, hai bên hông xe treo đầy những giỏ quà. Những chiếc xe khách đi qua và giọng anh lơ xe rớt lại cả quãng xa “Bù Đốp không anh chị cô bác ơi, Đốp không em?”. Nhiều lần bạn hỏi Bù Đốp là ở đâu, tên gì mà lạ vậy? Rồi bạn lại hỏi Tết ở Bù Đốp có gì vui không?
Quét ngõ cuối năm
Bù Đốp của tôi là một huyện nhỏ vùng biên giới của tỉnh Bình Phước, giáp với Campuchia, hầu như chẳng có khách du lịch lui tới. Nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, thời tiết quê tôi được ưu ái hưởng xái chút se lạnh của vùng cao dịp cuối năm. Vùng quê nhỏ bé vắng lặng khác hẳn với Sài Gòn nhộn nhịp đông đúc với những tòa nhà chọc trời, những trung tâm thương mại sang chánh. Ở đó chỉ có những cánh rừng cao su bạt ngàn, những khu vườn xanh mướt cây trái. Và ngôi nhà cất giữ những ký ức tuổi thơ của mỗi chúng tôi.
Tổng vệ sinh nhà cửa
Không vui sao được khi lũ trẻ xa nhà chúng tôi sẽ cùng trở về một nơi, mỗi ngày ra khỏi nhà sẽ có người nhận ra ngay mình là con ai, cháu ai và hỏi “Về ăn Tết rồi hả con?”. Chúng tôi sẽ trở về bên luống rau, vườn cà, vườn tiêu của bố mẹ. Cả nhà cùng nhau tổng vệ sinh nhà cửa, bưng bông giấy, bông cúc về chưng khắp nhà, gói bánh chưng coi Táo quân chờ giao thừa. Những mệt nhọc, vất vả của một năm qua bỏ lại trước hiên nhà.
Gói bánh chưng theo truyền thống
Làm mứt tết
Hãy cứ xem Tết như một trạm nghỉ chân đặc biệt, trở về bên mái nhà sạc đầy năng lượng trước khi bắt đầu những chuyến hành trình mới.
Nếu đang lên kế hoạch du lịch đầu năm mới, cắm trại xuyên đêm, trekking, kỳ nghỉ riêng tư cùng gia đình là trải nghiệm...