Tết này, những người trẻ mang gì về cho mẹ?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phố ông đồ, đường mai vàng đã mở cửa, những cửa hàng hoa rực rỡ sắc màu, những tiệm làm tóc mở cửa đến tối muộn… không khí Tết đã ngập tràn khắp từng con phố, nẻo đường. Trong sự rộn ràng nô nức đó, vẫn có những câu chuyện làm chúng ta dừng lại suy nghĩ.

T- Một người bạn của tôi ở Tiền Giang kể mọi năm cả xóm của bạn bận rộn từ giữa tháng chạp tới tận đêm giao thừa cho kịp những thùng thanh long ruột đỏ xuất khẩu. Đó là những ngày nhà nhà người người đều bận, vườn thanh long sáng đèn cả đêm, người cắt người gánh thanh long về vườn, người bốc xếp. Xe tải xếp hàng trên đường nối nhau chở thanh long đi. Tuy bận rộn nhưng đó là thời gian vui nhất vì thanh long được giá, người nông dân có một cái Tết ấm no.

Còn năm nay, T kể mấy ngày trước nhà đã phải cắn răng bán 4 tấn thanh long với giá 2 ngàn đồng 1kg. Không bán thì để thanh long thối bỏ đi, để thêm chờ đợi thì có khi cận Tết chằng ai mua. Ba mẹ T đành bán. T bảo mọi năm cũng có năm lỗ một vài triệu, T thường bỏ tiền ra bù lỗ cho ba mẹ, để gia đình vui vẻ ăn Tết. Nhưng năm nay số tiền lớn quá, chắc T không bù nổi do cũng đang gánh một khoản nợ mua nhà. "Cũng là “mang tiền về cho mẹ” như Đen Vâu hát, nhưng chắc không được nhiều như kỳ vọng" - T bảo.

Tết này, những người trẻ mang gì về cho mẹ? - 1

Mai vàng đã nở báo hiệu xuân sang

Một người bạn khác của tôi là B lại trải qua năm 2021 với rất nhiều biến cố. Từ chỗ đang có một công việc ổn định, Covid ập đến, thành phố giãn cách thời gian dài. Công ty bạn từ làm việc online, giảm lương, sau đó thì nợ lương. Bạn thất nghiệp nên xung phong đi làm bảo mẫu chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ là F0 hoặc mất mẹ vì Covid ở trung tâm HOPE. Làm tình nguyện viên được một thời gian thì chính B cũng trở thành F0 phải đi cách ly điều trị. Mọi được mất đều đã trải qua, B quyết định xin làm vài công việc bán thời gian như quản lý homestay, phát triển game cho một công ty khởi nghiệp.

“Trải qua nhiều biến cố trong một năm nên thành ra mình chẳng còn sợ hãi gì nữa, có thể thử bắt đầu mọi thứ mới mẻ, có việc trước giờ mình còn chưa từng nghĩ đến”. Bất ngờ hơn cả, sau 10 năm đi làm, Tết 2022 là năm đầu tiên B về quê nhà Kon Tum từ 20 tháng Chạp – sau những va vấp, những mất mát, được về nhà trong vòng tay gia đình là điều B mong mỏi nhất.

Một người chị của tôi quê ở Bình Định ban đầu dự tính năm nay sẽ ăn Tết Sài Gòn vì ngại dịch về quê sẽ ảnh hưởng đến gia đình. Thêm nữa, chị cũng ngại những câu hỏi kiểu “sao chưa lấy chồng” hay ý nhị hơn là “không mang rể về cho ba mẹ à”. Thế rồi khi Tết cận kề, chị lại đổi ý, mua vội một chiếc vé máy bay về quê. Đơn giản là dù sao về nhà vẫn vui hơn, ấm áp hơn cảnh thui thủi một mình ở giữa Sài Gòn, đi đường hoa, đi chợ Tết mà chẳng cảm nhận được chút gì vui.

Tết này, những người trẻ mang gì về cho mẹ? - 2

Trải qua một năm nhiều biến cố, những người trẻ trở nên mạnh mẽ hơn, lạc quan hơn, biết nhìn lại mình, cũng biết tiến về phía trước. Ảnh minh họa

Một cô bé khác em họ của tôi thì lại dành những ngày cuối năm tất bật để chuyển mặt bằng kinh doanh quán bún. Cả năm qua dịch dã, quán của em đóng cửa 4 tháng vẫn phải trả tiền mặt bằng đắt đỏ. Sau dịch, để quán vẫn duy trì kinh doanh, em phải đổi mặt bằng sang con đường khác rẻ hơn, đồng nghĩa với diện tích nhỏ hơn. Lại chạy đôn chạy đáo dọn dẹp, trang trí nơi mới. Nhưng cô em này quyết định trang trí quán xong là đóng cửa nghỉ Tết về quê sớm, khác mọi năm bán tới 28-29 Tết. Mẹ em hay bảo số em vất vả, kinh doanh mãi mà chưa gặp thời. Nhưng cũng chính mẹ em là người luôn âm thầm động viên cổ vũ con gái cố gắng kiên trì.

Cuối năm ca sĩ Đen Vâu ra một bài hát có tên Mang tiền về cho mẹ khiến nhiều người như tôi, T hay B bạn tôi nhiều lúc tự hỏi năm nay mình sẽ mang gì về cho mẹ? Như chính tác giả Đen Vâu chia sẻ thì “Ba mẹ tôi là dân lao động, không có đồng hưu, tiền dành dụm. Nếu tôi không chăm lo cho họ thì ai lo đây? Dù những người mẹ có mong đợi, cần tiền hay không, đó vẫn là điều mà tôi nghĩ mình nên làm và tôi thấy vui vì được làm".

Ai cũng biết 2021 là một năm khó khăn, nhiều biến cố khi dịch Covid đã cướp đi nhiều cơ hội, công việc, có những người thân, bạn bè của nhiều người đã vĩnh viễn ra đi vì đại dịch. Không ai biết mình đã may mắn và thành công thế nào cho đến khi nhận ra bản thân vẫn còn khỏe mạnh, gia đình vẫn đủ đầy và bạn vẫn có thể bắt đầu lại một công việc mới bất cứ lúc nào. Giống như những người bạn xung quanh tôi, dịch bệnh đã lấy mất của họ số tiền lớn từ kinh doanh, từ công việc. Nhưng đồng thời, trải qua những tháng ngày vừa qua, tất cả chúng tôi đều trở nên mạnh mẽ hơn, lạc quan hơn, biết nhìn lại mình, cũng biết tiến về phía trước.

Tết này, những người trẻ mang gì về cho mẹ? - 3

Hình từ MV Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu

Vì vậy Tết đến không chỉ là để “mang tiền về cho mẹ” mà còn giúp ta nhận ra giá trị của quê hương, gia đình. Chúng ta có thể kể cho cha mẹ nghe về câu chuyện kinh doanh trắc trở của bản thân trong năm qua, tìm sự động viên và để người thân tiếp thêm động lực.

Chúng ta cũng có thể về nhà với bộ quần áo mới tặng cho cha mẹ, mỉm cười cho qua những câu hỏi khó từ mọi người rằng lương thưởng bao nhiêu, bao giờ mang dâu, mang rể về cho mẹ.

“Những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà

Sẽ có rất nhiều hành trình qua trong đời

Mặc dù đời có lúc chẳng được như mong đợi

Rời xa mái nhà đừng hòng còn ai nuông chiều”

(Mang tiền về cho mẹ)

Sau một năm bôn ba miệt mài giờ là lúc chúng ta tạm nghỉ chân bên mái nhà thân thương, bên cha mẹ, người thân, tạm quên đi mọi áp lực cuộc sống thường ngày. Nạp đủ năng lượng yêu thương, ấm áp rồi tự nhủ năm sau, năm sau nữa sẽ cố gắng “mang tiền về cho mẹ” – và dĩ nhiên cả những điều mà mẹ luôn mong chờ.

Tết này, những người trẻ mang gì về cho mẹ? - 4

Hình từ MV Đi về nhà của Đen Vâu

Đường về nhà là vào tim ta

Dẫu nắng mưa gần xa

Thất bát, vang danh

Nhà vẫn luôn chờ ta

(Đi về nhà)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần