Nhớ vị Tết xưa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tháng Chạp tháng cuối cùng của năm bao giờ cũng vậy, cũng hối hả, dòng xe lúc nào cũng náo động ngược xuôi, ấy là lúc người ta đang cảm nhận Tết đang về rất gần. Tôi lại nao nao, bồi hồi với ký ức về không khí Tết của những ngày thơ bé, Tết của ngày xưa…

“Xuân xuân ơi! xuân đã về/Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến/Xuân xuân ơi xuân đã về” – giai điệu trong lời bài hát Mùa Xuân Ơi của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện vang lên đâu đó trên khắp phố phường, khiến lòng người thổn thức đến lạ. Tháng Chạp tháng cuối cùng của năm bao giờ cũng vậy, cũng hối hả, dòng xe lúc nào cũng náo động ngược xuôi, ấy là lúc người ta đang cảm nhận Tết đang về rất gần. Tôi lại nao nao, bồi hồi với ký ức về không khí Tết của những ngày thơ bé, Tết của ngày xưa…

Ngày xưa tất nhiên lúc nào cũng đẹp, nó càng đẹp hơn trong lòng mỗi người đã gắn bó với nơi mình sinh ra lớn lên và trưởng thành, đó là quê hương nơi “chôn nhau cắt rốn” với bao tục lệ, nề nếp cổ kính. Hầu hết với những lớp người đã sống trong lòng quê hương của nhiều thập niên về trước đều nhớ như in về cái Tết xưa, đẹp như lời ca cổ, lãng mạn và bình yên tới lạ lùng.

Nhớ vị Tết xưa - 1

Mâm cỗ ngày Tết.

Ngày đó tôi nhớ, quê mình không có những dòng xe đông đúc, không có những cửa hàng, đại lý thực phẩm to lớn và đặc biệt sẽ chẳng có thể mua bánh chưng bán sẵn. Ngày 23 ông Công, ông Táo lên trời, cũng là lúc cả một vùng quê nghi ngút khói bếp, bập bùng ngọn lửa nấu nồi bánh chưng và đỏ tươi màu của những nụ hoa đào khoe sắc, màu của câu đối đỏ, tranh dân gian treo khắp mỗi nhà…

Nhớ vị Tết xưa - 2

Chuẩn bị các công đoạn gói bánh chưng.

“Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ; Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Câu ca dao đã khái quát hết cái Tết thân thuộc của người xưa, trong đó bánh chưng là điều tất yếu. Nhà giàu, hay nghèo cũng như nhau, đã là ngày Tết mỗi gia đình đều gói bánh chưng, nhiều thì gói cả yến gạo, thậm chí là hơn thế, ít cũng năm, bẩy cân sao cho có đủ cặp bánh chưng đặt lên ban thờ cúng cụ, bánh ăn cho ba ngày Tết chính.

Nhớ vị Tết xưa - 3

Gia đình quây quần bên nhau gói bánh chưng xanh.

Để làm bánh, mọi thứ nguyên liệu được chuẩn bị một cách chu đáo và là một công việc đầy háo hức của cả nhà, cũng như các món ăn dành cho mâm cúng trời đất, tổ tiên vào buổi trừ tịch và tân niên không thể nào thiếu những món được gói gọn trong bốn chữ mà đứa trẻ nào như tôi cũng thuộc nằm lòng “giò, nem, ninh, mọc” tuy đơn giản, bình dân nhưng biết bao cầu kỳ. Cùng với đó là đĩa xôi gấc đỏ tươi, đĩa hành muối xanh, con gà trống thiến luộc cánh tiên, mỏ ngậm bông hồng, đó là mâm cỗ cúng ngày Tết của quê xưa kết tinh của những triết lý dân gian hàm ý sâu xa mà cha ông để lại.

Nhớ vị Tết xưa - 4

Cả nhà cùng nhau gói bánh.

Bố tôi thường nói, gà trống hoa có nhiều và phổ biến, những để làm cỗ Tết người ta thường chọn gà thiến ri. Bởi theo phong tục người Việt, cúng đêm giao thừa là cúng 12 vị thần thời gian để kết thúc một năm và bắt đầu một năm mới nên người ta chọn gà trống thiến mào đỏ, mỏ vàng, chân vàng và quan trọng nhất là vẫn còn tinh khiết chưa đạp mái để thể hiện lòng thành kính dâng lên trời đất tổ tiên. Cũng với nghi thức của Tết xưa mà ngày nay ít người còn nhớ tới đó là trong mâm cỗ không thể thiếu món canh măng hầm, canh mọc, thịt đông và giò thủ.

Nhớ vị Tết xưa - 5

Bên bếp lửa hồng ngồi luộc bánh chưng.

Miền Bắc những ngày cuối Đông tiết trời lạnh lẽo đã sinh ra món thịt đông được làm trong các bát tô to tròn, thường nấu bằng thịt lợn, cũng có khi cả bằng thịt gà, lớp nước óng ánh của thịt đông phủ bề mặt mịn màng như xui khiến con người mau chóng sửa soạn, ăn mặc tề chỉnh để sau tuần hương trên ban thờ là cùng nhau sum vầy bên mâm cơm đầm ấm đầu năm.

Nhớ vị Tết xưa - 6

Cháu xem ông đưa quất vào bình.

Món thịt đông không thể thiếu dưa chua đã đành, bánh chưng cũng thật hợp với dưa hành có vị hăng hăng vừa phải, giòn giòn, còn nguyên sắc trắng xanh. Mâm cơm ngày Tết vùa mang ý nghĩa thiêng liêng của ngày đầu năm mới, vừa mang sắc thái ấm cúng sau những ngày chờ đón người thân đi xa trở về. Tục lệ từ ngàn đời xưa của người Việt dẫu có đi muôn phương để lập nghiệp, tất tả ngược xuôi để kiếm kế sinh nhai thì cũng phải trở về quê hương, đoàn tụ trước khi giao thừa.

Nhớ vị Tết xưa - 7

Sửa soạn nhà cửa để đón Tết.

Ngày nay bánh chưng được bán sẵn, được tính bằng cặp với nhiều giá thành khác nhau phục vụ như cầu của đa số mọi người nơi phố thị. Không phải như Tết xưa, trong những buổi thăm hỏi chúc Tết hàng xóm, láng giềng người ta thường hỏi nhau: “năm nay nhà anh chị, cô chú gói bao nhiêu cân gạo?”.

Nhớ vị Tết xưa - 8

Đến nhà ông bà chơi Tết.

Câu hỏi mộc mạc thân thương đó hình như đã mai một theo năm tháng và cả những cách chế biến mứt dừa, gừng, bí... cũng ít dần. Tục lệ chơi tranh dân gian dán trên tường, tục lệ gánh nước về trong những phút trước giao thừa, tục lệ mua muối đầu năm trong sáng mùng 1 Tết... ngày nay đã phai nhạt đi nhiều trong cuộc sống hiện đại.

Nhớ vị Tết xưa - 9

Con cháu thảo hiền chúc Tết ông bà.

Thời gian có thể làm thay đổi cuộc sống, trong mâm cỗ tất niên và tân niên nay có nhiều món ăn sơn hào hải vị như: súp vi cá, tôm biển, thịt ngoại nhập khẩu… song hương vị ngọt ngào của món lòng mề gà xào với các loại su hào, khoai tây, cà rốt và giò được xắt vuông vức… vẫn không bao giờ phai nhạt.

Nhớ vị Tết xưa - 10

Con cháu chúc Tết ông bà.

Như mọi năm, trong hồi ức của những người trẻ 40 như tôi lại nhớ về Tết xưa như để giữ lại những gì đẹp nhất của Tết, của những phong tục tập quán thủa nào mà ngày nay trong cuộc sống phát triển hối hả người ta đã bị chi phối nhiều về đời sống tinh thần, đã làm cho cái Tết bớt đi cái hồn của một thời đã qua.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bùi Trung Dũng

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!