Vịt quay lá mác mật: Món ngon trứ danh của xứ Lạng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đến với xứ Lạng, không ai có thể bỏ qua món “Vịt quay lá mác mật” ngon nức tiếng mang hương vị riêng biệt mà không nơi nào có được.

“Thịt vịt màu vàng óng ả, vị dai dai, mềm mềm, ngon ngậy chấm cùng nước sốt đậm đà được chế biến từ phần bụng vịt quay” là những gì đọng lại trong tâm trí của du khách thập phương mỗi khi miêu tả món ăn nổi tiếng này của xứ Lạng.

Vịt quay lá mác mật: Món ngon trứ danh của xứ Lạng - 1

Vịt quay lá mác mật ngon nức tiếng mang hương vị riêng biệt mà không nơi nào có được

Để làm nên món “Vịt quay lá mác mật” ngon chuẩn vị thì người chế biến phải cẩn thận chọn vịt ngay từ đầu. Vịt được lựa chọn phải là giống vịt bầu Thất Khê, vốn được nuôi nhiều ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn với  đặc điểm là thịt dày, dai, xương nhỏ.

Vịt lớn vừa tầm, không được quá già, cũng không quá non. Khi sơ chế, phần lông vịt phải được vặt nhanh, tránh ngâm lâu trong nước sẽ bị nhạt thịt và tanh. Tiếp đó, người chế biến sẽ lấy hết phần ruột, gan vịt ra ngoài rồi thổi cho da vịt căng phồng bằng cách dùng ống của lá đu đủ đã dùng rượu rửa sạch.

Việc chọn vịt và sơ chế đúng cách mới chỉ là bước đầu. Để có một con vịt quay ngon, khâu tẩm ướp là vô cùng quan trọng. Gia vị tẩm ướp gồm rất nhiều nguyên liệu như: gừng, mật ong, tỏi, ớt, hạt nêm, xì dầu… Đặc biệt, không thể thiếu lá mác mật tươi cùng với quả mác mật khô.

Những nguyên liệu ấy có vẻ đơn giản, không khó tìm. Khi phối hợp chúng với nhau, người dân xứ Lạng biết cách tạo nên hương vị đặc trưng riêng có. Mỗi gia đình đều có bí kíp gia truyền để tạo nên mùi vị không nhà nào giống nhà nào. Gia vị sau khi được chuẩn bị sẽ được người chế biến cho vào bên trong phần bụng vịt, rồi sau đó khâu lại. Sau 2 - 3 tiếng chờ cho gia vị ngấm đều vào phần thịt vịt, người chế biến sẽ mang vịt đi quay trên lò than hồng rực cho đến khi da vịt chuyển sang màu vàng vàng, nâu sẫm.

Vịt quay lá mác mật: Món ngon trứ danh của xứ Lạng - 2

Để có một con vịt quay ngon, khâu tẩm ướp là vô cùng quan trọng.

Món vịt quay đạt yêu cầu phải có lớp da giòn nhẹ màu nâu sẫm. Lớp thịt bên trong không bị bở mà phải đạt độ dai mềm nhất định, thịt ngọt chín tới chứ không bị khô và đặc biệt, phải dậy mùi thơm của lá mác mật.

Khi thưởng thức món “Vịt quay lá mác mật”, người dân địa phương không dùng nước mắm hay xì dầu mà pha chế loại nước chấm riêng có màu vàng cánh gián và sền sệt, tỏa mùi thơm đậm đà. Hoặc đôi khi, họ sẽ dùng thứ nước sánh sệt tiết ra từ bụng vịt để làm nước chấm. Những miếng thịt vịt nóng hổi khi vừa quay xong được chấm ngập trong bát nước chấm. Khi nhai, vị ngọt tự nhiên của thịt vịt hòa quyện đậm đà cùng gia vị và nước chấm đã chinh phục vị giác của mọi thực khách, dù là những thực khách khó tính nhất, khi đến với Lạng Sơn.

Vịt quay lá mác mật: Món ngon trứ danh của xứ Lạng - 3

Mới đây, Lạng Sơn đã nhận được Quyết định số 100/KLVN-TOP/2021 ngày 1/2/2021 của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Hội Kỷ lục gia Việt Nam) về việc xác lập đặc sản “Vịt quay lá mác mật” của tỉnh vào top 100 món ăn đặc sản của Việt Nam 2020 - 2021).

Bên cạnh món “Vịt quay lá mác mật”, du khách khi đến với Lạng Sơn còn có cơ hội thưởng thức nhiều món ẩm thực nổi tiếng khác như: lợn quay, khâu nhục, bánh ngải, phở chua… cùng những món ẩm thực theo mùa khác. Song song với đó, du khách có thể kết hợp tham quan, thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh của xứ Lạng như: Động Nhị - Tam Thanh, núi Tô Thị, Thành Nhà Mạc, khu du lịch Mẫu Sơn, điểm du lịch Ga Quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hoặc đi mua sắm tại chợ Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa, chợ cửa khẩu Tân Thanh…

Dù đến với Lạng Sơn vào mùa nào, với mục đích gì thì chắc chắn nơi đây sẽ luôn để lại trong mỗi du khách những ấn tượng đẹp về một vùng biên cương nơi địa đầu Tổ quốc.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn 

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.