Ăn bánh ú tro vào Tết Đoan Ngọ ở Sài Gòn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tết Đoan Ngọ (ngày 5-5 âm lịch) là một ngày Tết truyền thống dựa trên văn hóa – tín ngưỡng dân gian Phương Đông nhằm đánh dấu một giai đoạn mới mở đầu cho những điều tốt đẹp, cầu cho mùa màng bội thu, sinh nhai thuận lợi.

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, mỗi vùng miền cũng có những tục lệ khác nhau như: Tục chiết sâu bọ, Tục nhuộm móng chân – móng tay, Tục tắm nước lá mùi, Tục khảo cây lấy quả, Tục hái thuốc vào giờ Ngọ…

Bánh ú tro và phong tục ngày Tết Đoan Ngọ

Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Trong khi đó ở Miền Nam, ngoài rượu nếp (hay còn gọi là cơm rượu), bánh ú tro lại là món đắt hàng nhất trong ngày này.

Ăn bánh ú tro vào Tết Đoan Ngọ ở Sài Gòn - 1

Bánh ú tro lá tre.

Với đặc trưng thời tiết quanh năm nóng, cùng với tập tính người miền Nam ưa lối sống dân dã, giản dị trong tục lệ, không cầu kỳ nên Tết Đoan Ngọ chỉ cần bánh ú tro và cơm rượu là đủ. Bánh ú tro vốn chứa chất kiềm nên khi ăn lúc trời nóng làm mát cơ thể, cơm rượu theo dân gian có tác dụng "giết sâu bọ" vào những ngày khí dương thịnh, chuyển mùa, dịch bệnh dễ phát sinh.

Bánh ú tro có thể coi là sự giao thoa văn hóa giữa người Hoa sống ở Miền Nam và người Việt. Nếu bạn đi chợ truyền thống ở khu vực quận 5, quận 11, nơi người có nhiều cộng đồng người Hoa đã sống từ lâu đời thì bạn sẽ thấy món bánh tro (bánh gio) của người Hoa và người miền Nam giống nhau, cùng là nếp nấu với nước tro, không nhân hoặc nhân đậu xanh ngọt.

Tuy nhiên, người miền Nam sẽ mua cơm rượu nhiều hơn người Hoa, còn người Hoa bên cạnh việc mua bánh tro thì mua món bánh chính của họ là bánh ú bá trạng để về cúng tổ tiên.

Ăn bánh ú tro vào Tết Đoan Ngọ ở Sài Gòn - 2

Bánh ú bá trạng đầy ú ụ nhân.

Riêng món bánh bá trạng và bánh tro người Việt đều thấy gói bằng lá tre (lá tre miền Nam rất to và dài), cho ra màu xanh đẹp mắt, có nhiều loại bánh tro gói bằng lá chuối. 

Ngoài ra, vào ngày này, các gia đình cũng mua những bó cây mang ý nghĩa "trừ tà" như lá liễu, khuynh diệp, ngũ trảo để treo trước nhà. Riêng bó lá cây của người Hoa thì có thêm xương rồng. Khi treo phơi khô thì có thể mang lá cây này nấu nước tắm, giúp trừ bệnh tật.

Một số địa chỉ mua bánh ú tro tại Sài Gòn

Con đường Phạm Thế Hiển ở quận 8 vào những ngày Tết Đoan Ngọ thường tấp nập người đi mua bánh ú tro về làm lễ, tuy nhiên mùa Covid-19 khiến nơi đây trở nên vắng lặng.

Ăn bánh ú tro vào Tết Đoan Ngọ ở Sài Gòn - 3

Đây là một trong những địa điểm bỏ sỉ bánh ú tro đến các chợ đầu mối hay những hàng bán lẻ ở khắp Sài Gòn.

Trung bình mỗi ngày, nơi đây cho ra lò đến hơn 20.000 chiếc bánh để phục vụ người dân. Bánh ú tro ở đây được gói bằng tay rất tỉ mỉ và có kích thước bằng nắm tay của người lớn. Nhân bánh chủ yếu là nhân ngọt từ đậu xanh giã nhuyễn, vo thành từng viên tròn, nếu ai thích có thể đặt thêm bí đỏ hay sầu riêng. 

Vào cận Tết, chỉ cần đi dọc con đường này, bạn có thể lựa chọn một hàng bất kì hai bên đường và mua bánh ú tro về thưởng thức. So với những nơi khác thì bánh ú tro ở đây có giá rẻ hơn, trung bình từ 60.000 – 80.000 đồng/chục bánh.

Ngoài ra, dọc các con đường Nguyễn Trãi, Lão Tử, Gia Tứ, Phú Yên…là các khu vực có nhiều người Hoa sinh sống lâu đời, bạn cũng có thể tìm thấy các xe đẩy bánh ú với giá từ 60.000 – 80.000 đồng/chục bánh. Bánh ở đây giá cao hơn so với chỗ khác nhưng nhân bánh đa dạng hơn, từ nhân ngọt đến nhân mặn.

Ăn bánh ú tro vào Tết Đoan Ngọ ở Sài Gòn - 4

Bánh ú bán khắp chợ Sài Gòn.

Nổi tiếng nhất là lò bánh Diều ở số 398 Gia Phú (quận 6), lò bánh cô Phượng ở 56C/67 Lạc Long Quân (quận 11) và lò bánh Vĩ Cầm ở số 52B Lão Tử (quận 5).

Bánh ở đây được nhiều người nhận xét là chất lượng từ bề ngoài cho đến phần nhân. Do người bán có kinh nghiệm và gói với số lượng ít nên sẽ chăm chút hơn cho sản phẩm. Nếu muốn mua, bạn nên liên hệ đặt trước để không gặp phải tình trạng hết bánh.

Nếu bạn không muốn đi xa thì có thể ghé các chợ lớn truyền thống với mức giá bánh khá mềm. Những khu chợ như Phùng Hưng (quận 5), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh),… đều có nhiều loại bánh với nhiều loại kích cỡ và vị nhân với các mức giá khác nhau từ 30.000 đồng/chục cho tới 80.000 đồng/chục.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.