Tháng 6, ra đồng "nhặt" cá lóc mắc cạn
Tháng 6, mùa nước cạn, những con lạch vòng vèo trong xóm nước cạn gần hết, chỉ còn lại những vũng nước nhỏ xíu và cá lóc, cá rô sót lại trở thành mục tiêu cho lũ trẻ lại tụm năm, tụm ba đi "nhặt" cá.
Những ngày tháng 6, trời Sài Gòn như nóng hơn với những ca nhiễm COVID-19 phát hiện trong cộng đồng trải rộng hầu hết các quận, huyện. Người người nhà nhà sẵn sàng trong tư thế bị cách ly tại nhà hay "nhận lệnh" đi cách ly tập trung.
Người trong khu vực cách ly động viên nhau, mọi thứ rồi sẽ qua. Hẻm chưa "bị giăng dây" hỗ trợ thức ăn, vật dụng, kể cả những ly cà phê, trà sữa ủng hộ tinh thần người trong khu phong tỏa.
Lấy một cây dài, một đầu xiên vào bụng cá, một đầu cắm xuống đất rồi chất lá và cành khô xung quanh để nướng cá (Ảnh internet)
Trong âm thanh của tiếng còi xe cứu thương liên tục lao đi trên những con đường lớn nhỏ thì điện thoại reo. Trên màn hình, cậu con trai thành thị vốn trắng trẻo sạch sẽ được đưa về nhà nội tránh dịch xuất hiện trong hình hài đứa nhóc đầu quần cụt, áo ba lỗ, đội nón lá, đen nhẻm nhưng khỏe mạnh. Vừa cười toét đến mang tai, cu cậu hớn hở khoe chiếc giỏ nhựa đựng cá lóc, giọng hồ hởi: "Con đi bắt cá với chú Út".
Rồi cậu kể, con lạch ở cuối vườn nhà bà nội bị cạn nước gần hết nên mấy ngày nay, chiều nào, chú Út cũng dẫn cu cậu và các anh em cùng tuổi xuống lạch, men theo đường nước chảy ngày trước, tìm những vũng nước nhỏ còn sót lại, bắt cá. Cá ở lạch mùa nước nổi nhiều bao nhiêu thì những vũng nước nhỏ vào mùa này, cá cũng nhiều như thế. Cá rô, cá lóc, cứ thò tay xuống là bắt.
Người lớn ăn cá lóc nướng trui với đủ loại rau lá trong vườn, chấm mắm me. Trẻ con, chỉ cần chén muối ớt là đủ - Ảnh: Uyên Lâm
Nhưng thú vị nhất là "săn" những chú cá lóc trưởng thành. "Đã có tuổi" nên những chú cá ấy không co cụm trong những vũng nước với đám cá "chưa trải đời" mà đào hang riêng. Dân sành đi "nhặt" cá mùa cạn cứ để ý vết hằn cá để lại khi di chuyển, thế nào cũng tìm đến hang. Phát hiện ra hang, hoặc lấy chút muối đổ vào miệng hang, hoặc dùng thuổng đào, thể nào cũng dụ hay moi được chú cá lóc trọng trọng.
Cá bắt xong, chú Út chọn những con cá lóc khoảng ba ngón tay để lại, còn phần lớn là mang về cho bà nội nấu bữa tối. Những con cá lóc được giữ lại ấy, chú Út kéo đám nhóc về cuối hiên nhà, dùng cây đâm ngang từ miệng cá, đầu còn lại cắm xuống đất rồi gom lá cây, gom củi đốt. Khi khúc cây xiên cá cháy gần hết hay khi vảy cháy đen thì cá chín.
Người lớn khi ăn cá lóc nướng trui, thường cầu kỳ hái thêm rau này, lá nọ trong vườn, có khi bứt cả lá sen non, rồi cuốn, chấm cùng mắm me nhưng bọn nhóc thì đơn giản lắm, mỗi đứa cầm một con, lột bỏ lớp vỏ cháy đen rồi bóc từng mảng thịt trắng phau, chấm cùng muối ớt. Cá tươi, ngọt, thơm, muối cay mặn, nóng hổi ăn ngon hơn hẳn nên bọn nhóc thích lắm. Chỉ tội chú Út, mê mải nhắc hết đứa này đến đứa kia chỗ nào cá có nhiều thịt, chỗ nào thịt cá nhiều xương, bọn nhóc ăn hết, con cá nướng trên tay vẫn còn nguyên.
Ở Sài Gòn, lôi cuốn thực khách đâu chỉ có những quán nằm ngay mặt tiền. Ngay trong các con hẻm Sài Gòn, cho đến nay vẫn...