Quán cơm đổi món mỗi ngày, đưa khách về Đà Lạt xưa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Quán trang trí theo phong cách hoài niệm, thực đơn với các món ăn quen thuộc của gia đình Việt, giá từ 40.000 đồng/món.

Trong chuyến hành trình khám phá TP Đà Lạt, vlogger ẩm thực Max McFarlin ghé một quán ăn trên đường Trần Nhật Duật, phường 5, TP Đà Lạt để dùng bữa trưa. Nơi này được trang trí theo phong cách hoài niệm với các vật dụng xưa cũ. Max cho biết những quán ăn như thế này hiện có rất nhiều tại Đà Lạt.

Bước vào quán, thực khách như được quay trở lại căn nhà của ông bà mình thời xưa, một ngôi nhà cũ sạch, sàn nhà lót trơn bằng xi măng, tủ kệ để tivi nhỏ, chiếc đèn bàn, dàn máy may cũ, bước vào bên trong khách vẫn nghe tiếng radio đang phát tin tức. "Quán trang trí đơn giản nhưng có nhiều thứ gợi nhắc tuổi thơ của người Việt", Max nói.

Quán cơm đổi món mỗi ngày, đưa khách về Đà Lạt xưa - 1

Không gian quán cơm phủ đầy cây xanh. Ảnh: Quán cơm Ngày Ba Bữa

Bên ngoài quán là một khu vườn nhỏ trồng đủ loại cây xanh, thực khách có thể ngồi trong nhà hoặc bên ngoài để dùng cơm, hiện quán mở cửa từ 10h30 đến 15h mỗi ngày. Thực đơn tại đây được thay đổi liên tục hàng ngày tùy theo bữa chợ để khách luôn có món mới tươi ngon, menu không in sẵn trên giấy dán mà được viết tay theo món mặn, món ăn kèm, cơm, canh, nước uống.

Thay vì dọn sẵn, sắp xếp chén đũa cho khách thì quán để cả đũa và chén xếp gọn trong một cái rổ tre, khách sẽ tự so đũa và lấy chén ăn cơm theo số lượng người đến quán. "Mình rất thích so đũa như thế này, phải quan sát một lúc mới tìm được một đôi đũa. Không biết 2 chiếc đũa mình lấy có phải là một đôi không nhưng nhìn cũng gần giống", vlogger ẩm thực người Mỹ hào hứng.

Quán cơm đổi món mỗi ngày, đưa khách về Đà Lạt xưa - 2

Quán cơm đổi món mỗi ngày, đưa khách về Đà Lạt xưa - 3

Quán cơm đổi món mỗi ngày, đưa khách về Đà Lạt xưa - 4

Quán cơm đổi món mỗi ngày, đưa khách về Đà Lạt xưa - 5

Các món ăn tại quán không chế biến cầu kỳ, nấu nướng đơn giản mang lại cảm giác thân thuộc như bữa cơm gia đình của người Việt. Các món mặn gồm: sườn cốt lết chiên, gà dội nước mắm, cá nục chiên giòn, bò xào rau củ, trứng chiên thịt... khách có thể gọi thêm các món ăn kèm như salad hành phi, đậu hũ, cà tím sốt mắm hành, su su xào cà rốt... giá món ăn từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng/món, bữa ăn cũng không thể thiếu cơm trắng và các món canh nóng.

Max gọi 3 món mặn cùng 2 món ăn kèm cơm trắng và canh, nước uống. Anh ấn tượng với món gà dội mắm, có thịt đùi, ức gà, tiêu, thêm ít ngò trang trí cùng nhiều hành tây và ớt chuông đỏ. Thoạt nhìn món ăn này như các món kho của Việt Nam, tuy nhiên với phần nước sốt sệt có vị ngọt của hành tây nấu chín, vị cay của ớt hòa cùng gia vị nêm nếm thông thường lại khiến món ăn trở nên đặc biệt hơn.

Quán cơm đổi món mỗi ngày, đưa khách về Đà Lạt xưa - 6

Max nhận xét mỗi món cơm Việt Nam đều có vị ngon riêng và làm anh ấn tượng. Ảnh: Max McFarlin/YouTube

Bên cạnh đó, món su su xào cà rốt với lớp dầu bóng mỡ xen lẫn vị ngọt của rau củ cũng bắt cơm không kém. Đơn giản nhất là món trứng chiên thịt chấm cùng nước mắm ngọt, ăn mằn mặn với cơm trắng rất hợp.

Bữa cơm của Max khoảng 355.000 đồng (gần 15,5 USD), anh thấy ấn tượng với các món cơm ở Việt Nam dù là cơm tấm, cơm bình dân hay cơm gia đình như vừa thưởng thức, mỗi loại đều có cái ngon riêng, ăn rất ngon miệng dù chế biến đơn giản, không cầu kỳ. "Cơm ở Việt Nam nằm ở một đẳng cấp khác rồi", anh bày tỏ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huỳnh Như (Theo VnExpress)

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.