Mì vịt tiềm - Món ăn gợi nhớ, gợi thương
Khi tô mì được bưng ra, ta ngỡ ngàng trước một sự hài hoà tổng thể. Màu xanh của lá rau cải nổi bật trên những sợi mì vàng óng, bên cạnh là một chiếc đùi vịt được tẩm ướp, chiên vàng cánh gián, xung quanh nước dùng vẫn còn nóng hổi phảng phất làn hương thơm dịu mùi thảo mộc.
“Ai ᴠề Gia Định thì ᴠề
Nướᴄ trong gạo trắng dễ bề làm ăn”
Sài thành – Gia Định từ lâu đã sớm trở thành vùng đất trù phú, thuận lợi cho giao thương, buôn bán. Nhiều người từ khắp nơi đến đây nhộn nhịp làm ăn, sinh sống, đắp xây cho văn hoá của xứ trời nam ngày càng đa dạng, phong phú.
Là nơi hội tụ của những thương nhân giàu có, bởi vậy ẩm thực Sài thành cũng tự nhiên mà được chú ý, mang những nét độc đáo, dư sức để làm hài lòng các thực khách sành ăn.
Đi trên đường, không khó để thưởng thức một món ăn đậm chất Sài thành, từ những nhà hàng sang trọng đến những con ngõ nhỏ lụp xụp gánh hàng bán rong. Người Sài thành không vì một chiếc xe đẩy, vài ba chiếc bàn, cộng dăm chiếc ghế nhựa nhếch nhác mà tặc lưỡi đi ngay. Bù lại bởi vì có những điều tưởng chừng đơn giản mà các bà, các chị bán hàng rong quan tâm đáo để.
Một ngày kia cái bụng sôi lên sùng sục, ta chạy vội ra ngoài kiếm gì đó để lấp đầy dạ dày trống, nhưng bất chợt giữa bao nhiêu cao lương, mỹ vị của thành phố sầm uất này, việc lựa chọn một món để ăn còn khó hơn cả người say tìm được đường về nhà. Nào bún, bánh mì, phá lấu, nào cơm tấm, cơm chiên, cơm thố, biết bao nhiêu thức quà mà món nào cũng ngon cũng cuốn.
Lựa chọn quả thực là một điều khó khăn, vất vả, ấy vậy mà các bà, các chị lại biết cách để chiều lòng hết sảy. Với những người bản địa, họ thuộc lòng các hàng quán quen. Nếu đến mà không biết ăn gì, bạn sẽ được dẫn ngay ra quán bảy ngày bảy món của chị Yến ở đường Phan Văn Hân. Ở Sài thành, không khó để tìm được những quán bán hàng như vậy nhưng tuỳ khẩu vị của mỗi người mà lại có những quán “ruột” khác nhau.
Tiệm mì vịt tiềm chị Yến, đường Phan Văn Hân.
Ngày đến cửa hàng chị Yến là vào thứ năm, đi từ xa mà mùi thơm của nấm Đông Cô quyện lẫn hương vị thuốc bắc và thịt vịt phảng phất đánh thức khứu giác. Cửa hàng của chị nằm lọt trong một góc chợ, không có bàn ghế sang trọng, không có biển hiệu hào nhoáng nhưng không vì thế mà vắng khách. Trái lại khi chúng tôi đến, khách đông quá còn không đủ chỗ ngồi, mọi người phải ngồi chen chúc. Ấy vậy mà ai nấy đều rất thoải mái, có lẽ bởi hương vị của món ăn, cũng có thể một phần từ tính cách hào sảng của con người ở đây vốn thế.
Treo hớ hênh trên chiếc dù tránh nắng, tránh mưa là một tấm biển nhỏ ghi vội ba chữ MÌ VỊT TIỀM xiêu vẹo. Dòng quảng cáo ngắn gọn nhưng rất thực tế bởi vì mỗi ngày trong tuần chị Yến lại nấu một món khác nhau. Thứ hai là hủ tiếu Nam Vang, thứ ba thì có bún mắm, thứ tư bán bánh canh cua, thứ năm mì vịt tiềm, thứ sáu bún thái, thứ bảy bún mắm, chủ nhật chị bán cháo lòng. Mỗi món là một hương vị, cách bài trí, mang lại sự bổ dưỡng khác nhau. Ta như bước chân vào vào một thế giới ẩm thực tinh tế và đầy chiều sâu của trải nghiệm.
Tô mì vịt tiềm.
Những tia nắng tháng mười vẫn còn đỏng đảnh cũng bị hấp dẫn bởi hương thơm từ nồi nước dùng. Trên mặt nước nổi đầy những quả táo tàu đỏ lựng đã được hầm cùng các loại gia vị mà chỉ người nấu mới nắm kỹ tên nguyên liệu, tỷ lệ gia giảm cho thế nào thật khéo để không bị nồng.
Khi bát mì được bưng ra, ta ngỡ ngàng trước một sự hài hoà tổng thể. Màu xanh của lá rau cải nổi bật trên những sợi mì vàng óng, bên cạnh là một chiếc đùi vịt được tẩm ướp, chiên vàng cánh gián, xung quanh nước dùng vẫn còn nóng hổi phảng phất làn hương thơm dịu mùi thảo mộc. Sợi mì được thái nhỏ qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp thì nở mềm thấm đẫm nước dùng, tan chảy vị giác khi ăn. Phần thịt vịt sau khi được sơ chế tỉ mỉ cho sạch được mang đi chiên rồi hầm với nhiều loại thảo mộc nên phần thịt chín mềm mà không bị bở, bị nồng. Một bát mì đầy đủ thịt, rau, tinh bột, thảo mộc như thế nhưng kể đến đồng tiền thì không lấy gì làm đắt. Quán của chị Yến nổi tiếng bởi bán với mức giá phải chăng chỉ từ 40.000 một bát là no căng. Ai ăn khoẻ có thể gọi thêm một phần đùi bên ngoài để thoả cái bụng dạ trước sức hấp dẫn không thể nào chối từ.
Khi được hỏi, bán thế chị lấy lãi ở đâu, chị Yến chị cười xoà rồi nói: “Mình bán cho người dân lao động, họ làm gì có nhiều tiền đâu mà bán đắt hả em!”. Ấy là cái tình cảm chân chất, cái tròn vị dư âm mà những người bán hàng như chị mang vào trong món ăn. Chao ôi! Giữa trưa mệt nhọc được húp xì xụp bát mì vịt tiềm nóng hổi như một phương thuốc bí truyền xua tan đi bao mệt nhọc của công việc thường ngày. Ta nhớ như in sự hiếu khách của chị Yến, câu hỏi han, chuyện phiếm của chú Tư bàn bên. Con người Sài thành cũng như món ăn vậy, hào sảng và dễ dàng thu nạp một kẻ phương xa.
Quán mì vịt tiềm chị Yến.
Nhiều người nói món mì vịt tiềm xuất phát từ Trung Hoa, cũng có những người quả quyết cho rằng bên xứ Trung không có món nào tên gọi như thế. Ở Sài thành, món mì vịt tiềm nổi tiếng bậc nhất có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến quán Hải Ký. Đó là do một số người sành ăn truyền tai nhau như vậy nhưng có lẽ với người dân ở bất kì đâu, quán ngon nhất vẫn là những quán quen, hợp khẩu vị.
Không phổ biến như Phở, hay bún bò Huế có mặt ở hầu khắp các vùng, ta rất khó để tìm được một quán mì vịt tiềm ở Hà Nội. Bởi vậy không quá khi cho rằng, ăn mì vịt tiềm ngon nhất là ở Sài Gòn và dễ tìm nhất cũng chính là ở Sài Gòn. Nó dễ dàng làm ta gợi nhớ, gợi thương khi trót ăn một lần trong cuộc hành trình vạn dặm.