Mạng lưới giao đồ ăn 130 năm tuổi ở Ấn Độ trong đại dịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mạng lưới phân phối đồ ăn chính ở Mumbai tồn tại gần 130 năm phải vượt qua thời kỳ đại dịch với nguồn nhân lực đa số mù chữ và hoạt động kinh doanh lao dốc tới 90%.

Dabbawala là thuật ngữ dùng để gọi những người người giao đồ ăn thuộc hệ thống giao hàng “huyền thoại” đã phân phối thực phẩm trên khắp Mumbai, một trong những thành phố nhộn nhịp nhất Ấn Độ, trong suốt gần 130 năm qua.

Thông thường, các dabbawala phân loại và phân phối khoảng 200.000 bữa ăn mỗi ngày nhờ các phương tiện đơn giản như xe đạp, xe đẩy hoặc xe lửa. Toàn bộ thành phố có thể bị ảnh hưởng nếu họ giao hàng trễ, vì vậy các dabbawala luôn được người dân và cảnh sát giao thông ưu tiên khi di chuyển.

Trước đây, Mumbai từng có 5.000 dabbawala liên tục vận chuyển thức ăn từ các đầu bếp tại gia tới người dân trong thành phố, dù là vào những thời điểm khó khăn như lúc mưa giông, lũ lụt,… thậm chí cả khi có tấn công khủng bố. Nhưng đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến mạng lưới này gần như sụp đổ.

“Chúng tôi đã làm việc cả trong những tình huống khó khăn nhất. Nhóm bao gồm 7 dabbawala của tôi từng thực hiện khoảng 20 chuyến giao hàng mỗi ngày. Nhưng giờ đây chúng tôi chỉ đi không quá 4 chuyến”, một dabbawala kỳ cựu đến từ làng Rajgurunagar, Khed taluka, chia sẻ.

“Tôi đã làm công việc này hơn 40 năm rồi, đó là việc làm duy nhất của tôi”.

Mạng lưới giao đồ ăn 130 năm tuổi ở Ấn Độ trong đại dịch - 1

Dabbawala là thuật ngữ dùng để gọi những người người giao đồ ăn thuộc hệ thống giao hàng truyền thống ở Mumbai trong gần 130 năm qua. (Ảnh: Getty Images)

COVID-19 đã thay đổi cả nền văn hóa ẩm thực của Mumbai. Các đợt phong tỏa kéo dài buộc hàng triệu người phải làm việc tại nhà và hoạt động giao đồ ăn hầu như bị cấm. Thu nhập từ 188 – 295 USD/tháng của các dabbawala đột nhiên giảm xuống con số không, nhiều người đã phải vật lộn để nuôi sống gia đình kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 4 năm ngoái. Khoảng 3.000 dabbawala ở Mumbai buộc phải bỏ về quê kiếm sống.

“Các thành viên của chúng tôi phải chuyển sang làm bảo vệ và làm thuê ở nhiều nơi, đồng thời vẫn nhận giao đồ ăn cho các nhà hàng”, ông Ulhas Muke, đại diện cho một tổ chức dabbawala ở Mumbai, cho biết.

Mạng lưới giao đồ ăn 130 năm tuổi ở Ấn Độ trong đại dịch - 2

Các dabbawala phân phối khoảng 200.000 bữa ăn mỗi ngày nhờ các phương tiện đơn giản như xe đạp, xe đẩy hoặc xe lửa. (Ảnh: Getty Images)

Bắt tay với các nhà hàng nổi tiếng

Hồi tháng 5, một số nhà hàng nổi tiếng tại Mumbai quyết định trợ giúp các dabbawala trở lại làm việc. Những người giao hàng truyền thống không còn chỉ giao đồ của các đầu bếp tại gia nữa, họ giao đủ loại món ăn nhà hàng, từ nachos đến mì Ý, cho những cư dân buộc phải làm việc tại nhà vào năm COVID thứ hai ở Ấn Độ.

“Tất nhiên chúng tôi muốn giúp đỡ các dabbawala. Họ là những người giao hàng chính gốc của Mumbai”, Riyaaz Amlani, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Impresario có 57 chi nhánh tại hơn 10 thành phố của Ấn Độ, cho biết. Ông Amlani đang có kế hoạch mở rộng mối quan hệ đối tác với các dabbawala.

Việc hợp tác với các dabbawala cũng cung cấp cho các nhà hàng giải pháp chống lại xu hướng độc quyền ngày càng thịnh hành của những “gã khổng lồ” trong ngành giao hàng như công ty Zomato và Swiggy.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chỉ hợp tác với các nhà hàng là không đủ để giúp mạng lưới giao hàng truyền thống hơn trăm tuổi “sống sót” sau đại dịch.

Mạng lưới giao đồ ăn 130 năm tuổi ở Ấn Độ trong đại dịch - 3

Khoảng 3.000 dabbawala ở Mumbai đã buộc phải bỏ về quê kiếm sống. (Ảnh: Getty Images)

Vượt qua vấn nạn mù chữ - mù công nghệ

Cùng với những khó khăn do đại dịch mang lại, công việc giao đồ ăn truyền thống ở Mumbai ngày càng khó khăn hơn trong thời đại thống trị bởi công nghệ. Đặc biệt là đối với những người như ông Pandurang Jadhav, 39 tuổi, một dabbawala mù chữ. Trước đây, dù không biết đọc cũng không biết viết, ông Jadhav vẫn có thể quản lý một nhóm dabbawala gồm 30 người hoạt động trôi chảy. Nhưng những hạn chế trong đại dịch đòi hỏi con người cần linh hoạt và mọi công việc đều phụ thuộc nhiều vào các thiết bị hiện đại. Điều đó đã đẩy ông Jadhav đến cảnh thất nghiệp, phải về quê làm ruộng với nguồn thu nhập ít ỏi.

“Dabbawalas đã từng là công việc tốt nhất”, ông Jadhav vẫn tha thiết nhớ nghề, nhớ Mumbai.

Thực tế là đa phần dabbawala ở Mumbai đều mù chữ. Dù có cơ hội hợp tác với các nhà hàng lớn, việc không biết chữ khiến nhiều dabbawala không muốn đảm nhận công việc đòi hỏi hiểu biết về công nghệ.

Bà Sreedevi R, chuyên gia tại viện Nghiên cứu và Quản trị SP Jain ở Mumbai, cho biết điều tối quan trọng để duy trì công việc cho các dabbawala là sự linh hoạt và nhanh chóng thích nghi với những điều kiện của thời đại mới.

“Các dabbawala có thể trở thành đại lý giao hàng cho không chỉ các nhà hàng mà còn cho bất kỳ doanh nghiệp thương mại điện tử nào”, bà Sreedevi R nói.

Mạng lưới giao đồ ăn 130 năm tuổi ở Ấn Độ trong đại dịch - 4

Đa phần dabbawala ở Mumbai đều mù chữ. (Ảnh: Getty Images)

Anh Ritesh Andre 25 tuổi, dabbawala thế hệ thứ tư trong gia đình, quyết định tự xây dựng một hệ thống làm việc mới cho các dabbawala ở Mumbai. Anh đang phát triển một trang web cho phép mọi người đặt thức ăn trực tuyến, khách hàng có thể chọn giữa đăng ký giao đồ ăn hàng tháng hoặc hàng năm. Trang web này cũng hỗ trợ thanh toán trực tuyến. Đây có thể coi là một bước tiến đối với dịch vụ chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt của dabbawala.

“Ý tưởng của tôi là sử dụng các kỹ năng độc đáo của các dabbawala để đa dạng hóa, tạo việc làm, mang lại sự ổn định và niềm tự hào về chuỗi giao hàng thực phẩm lâu đời nhất của Ấn Độ”, anh Andre cho biết.

Ông Ulhas Muke cũng đang hoàn thiện kế hoạch thành lập dịch vụ chế biến và giao thức ăn mới của riêng dabbawala, giúp cung cấp các bữa ăn giá rẻ trên khắp Mumbai.

Kế hoạch của ông Muke đã nhận được hàng triệu USD tiền quyên góp, bao gồm khoản đóng góp 2 triệu USD từ ngân hàng HSBC. “Nhà bếp của dabbawala” dự kiến sẽ mở cửa trong vài tuần tới.

“Ông tôi là một dabbawala, tiếp đó là chú tôi và bây giờ là tôi. Đây là công việc mà tôi yêu thích, tôi mong muốn được tiếp tục giao thức ăn cho mọi người”, ông Muke nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TRẦN TRANG (Tổng hợp) (VTC)

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.