Chem chép không… nghỉ hè
Có thể nói, cảm giác không nhàm chán ở người mới ăn chem chép lần đầu và nhiều lần sau nữa vẫn vẹn nguyên, dù đó là dân địa phương hay phố thị.
Hè về, một số dân biển miệt Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre)… khoan khoái hé mở miền thơm nơi cửa miệng những con chem chép nhỏ.
Đón mua chem chép vừa mới bắt ở cồn Kẽm
Cũng thuộc hàng trời với biển nuôi nhưng đám chem chép bình dị không sáng giá bằng “tụi” hàu, nghêu, sò lụa… trên thị trường chung. Tuy nhiên, loài hai mảnh khá bình dân này lại biết tạo dấu ấn khó phai với người thưởng thức chúng. Có một mùi thơm thoang thoảng của sữa tươi cùng vị ngọt béo thật đặc biệt khi chúng vừa chín tới.
Do vậy, những người sành ăn chem chép thường là dân từng hoặc thường bước thấp bước cao lội tìm moi hang chem chép ở khắp các vùng biển chúng ưa sinh sống như Gò Công (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Đồng Nai, Quảng Ngãi… Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến dòng chem chép biển miền Tây.
Khi ngâm trong nước vo gạo hoặc nước ớt, chem chép sẽ nhanh nhả sạch bùn, cát
Mỗi khi nhắc đến các món ngon từ chem chép, anh Lê Văn Tấn, ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, thường hào hứng kể về món “cháo bồi” chem chép trong tiệc cưới của người em vợ út, ở cùng huyện. “Ta nói, nó ngon hết biết luôn! Húp tới đâu “nghe” ngọt béo tới đó liền” - anh Tấn chép miệng vài ba cái trước khi kể.
Số là vợ anh muốn có món lạ mang hương vị quê nhà để đãi nhóm khách trí thức thân tín ở TPHCM xuống dự tiệc. Cho nên, chị cất công chăm chút nồi “cháo bồi” thật hấp dẫn. Chị lấy nước luộc chem chép đem hầm nhúm gạo thơm Hương Lài, có pha ít nếp Thái cho thật nhừ.
Chưa hết, chị còn nêm vào ít nước cốt dừa nạo nhằm tăng độ béo tự nhiên. Chị nêm rất ít muối hột để cân bằng vị béo của hải sản với thực vật, cũng như bảo vệ hệ tiêu hóa. Trước khi nhắc nồi rời bếp, chị không quên thả mớ ruột chem chép vào, rắc ít hành tiêu. Món này ăn kèm rau cải bẹ xanh tươi non xắt nhuyễn trộn cùng mớ giá hẹ giòn mát.
Chem chép vừa chín tới hé miệng trắng ngần
Bữa đó, hai bàn “khách thành phố” húp cháo chem chép đến mê say. Chưa hết, họ còn xin thêm hai lượt cháo nữa. Thế nên, các món bò lúc lắc, gà bó xôi, cá chẽm hấp… gần như còn nguyên trong bàn tiệc của nhóm khách.
Còn chị Tẻ, chủ quán cùng tên ở ấp Mỹ Xuân thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, cho biết nhiều khách quen của chị rất thích món chem chép nhúng nước lá me non hoặc hấp sả. Cứ canh chúng vừa hé miệng là họ liền vớt ra, vạch lấy khối ruột trắng tươi ăn mộc thật ngon lành.
Tại biển Rạch Bùn (Tiền Giang) và Cửa Đại (Bến Tre), nơi gần “hang ổ” của nhiều đời chem chép, dân bản xứ chế biến chúng đơn giản hơn, chủ yếu là hấp, luộc, xào… Song, chính độ tươi nguyên, căng mọng của từng cục “ruột” chem chép cỡ đầu ngón tay cái người lớn sẽ gây cảm giác luyến khoái dạt dào cho người ăn.
Hôm ghé cồn Kẽm thuộc xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, chúng tôi được thưởng thức món chem chép luộc thật ấn tượng. Món ăn không chỉ ngon mà còn tràn đầy lòng mến khách của gia đình ông Năm Ân, dân cố cựu ở đây.
Chem chép nhúng nước lá me non
Cũng chính nơi đây, tôi biết thêm tên mới của một loại chem chép đại. Dân địa phương vẫn quen gọi nó là con “trời ơi”.
Loại chem chép này thường sống ở các vùng biển có nghề nuôi nghêu, hang sâu gấp 2-3 lần so với đám chem chép thông thường. Phần miệng vỏ của chúng rất sắc bén khiến người moi bắt “mệt… muốn đứt hơi”. Đôi khi, họ phải đổ máu, chỗ mấy đầu ngón tay móp méo vì lạnh cóng do bị vỏ “trời ơi” cứa đứt. Cứ mỗi bận bầm dập như vậy, họ lại cảm thán: “Trời ơi!”. Từ đó, loài chem chép đại nơi đây mang biệt danh mới.
Nhắc về loại chem chép hàng hiếm này, ông Lê Trọng Huỳnh, chủ một cửa hàng hải sản cao cấp ở quận 1, TPHCM, gật gù xác nhận: “Thịt con “trời ơi” ngọt và đặc biệt béo”.
Một số dân cồn Kẽm còn phát hiện ra điều thú vị khác về con “trời ơi”. Chẳng hạn nó rất hợp với mướp non trong món “xào chay và khô”. Người chế biến không cần dùng dầu ăn hoặc mỡ heo để xào. Họ cũng chẳng cần cho thêm nước vào mà món ăn vẫn không bị cháy khét, lại hài hòa mùi thơm lẫn vị ngọt, béo đặc trưng đến ngạc nhiên.
Anh Nguyễn Văn Giòn - một “thổ địa” rành nghề đánh bắt ven bờ ở huyện Bình Đại - cho hay hang chem chép dẹp tựa miệng ổ khóa xe máy. Nó thường đào hang sâu khoảng 2 tấc. Đặc biệt, dân bắt chem chép chuyên nghiệp thường rủ nhau đi bắt chem chép vào mùa gió Nam, từ khoảng tháng Ba đến tháng Tám âm lịch. Khoảng thời gian đó khá trùng khớp với dịp đám học trò ăn no nhưng lo chưa tới tung tăng chơi hè, nhất là vào khoảng từ 30 đến mùng Bảy âm lịch.
Thế nên trong ngăn kéo ký ức của nhiều người dân biển miền Tây thường không thiếu hình ảnh mớ ruột chem chép trắng tươi, căng mọng, bầu bầu cùng chiếc vòi khá ngắn với một chấm đen nhỏ xíu nơi miệng. Lồng trong đó là những bàn tay người mẹ, người chị, người vợ… cần mẫn chà rửa, chăm chút nên từng miếng thơm bình dị mà khó quên. Hay nói cách khác, cũng như đám gà tây trời Âu thường không biết mùi tết tây, những “ổ” chem chép nơi đây cũng chẳng được… nghỉ hè.
Hình ảnh những chiếc bánh mì tròn cháy đen được bày bán trong một khu chợ ở Manchester gần đây đã gây ra tranh cãi lớn...