Bánh Trung thu dưới bàn tay người trẻ
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, một số bạn trẻ lựa chọn sáng tạo bánh Trung thu mới mẻ về hình dáng, thậm chí là chất liệu.
Thay vì xếp hàng dài đợi mua những chiếc bánh Trung thu truyền thống, một số người tận dụng sự sáng tạo để làm ra chiếc bánh, mâm cỗ đón rằm tháng 8 độc đáo.
Tranh Đông Hồ, màu gốm xanh lục thời Lý... những điều tưởng chừng không liên quan đến bánh Trung thu nhưng lại là nguồn cảm hứng để các bạn trẻ tạo ra tác phẩm nghệ thuật nhận nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội.
Cảm hứng từ màu gốm xanh lục thời Lý
Từ góc nhìn của một người làm trong ngành thiết kế thời trang và yêu những nét đẹp lịch sử, Nguyễn Hồng Trang (TP.HCM) đã đưa màu sắc cổ xưa vào những chiếc bánh Trung thu truyền thống.
Trong một lần hoàn thành bộ sưu tập cho khách hàng, màu gốm xanh lục chủ đạo đã thu hút Trang, tạo cảm hứng cho nhà thiết kế trẻ này bắt tay vào làm những mẻ bánh nhìn tựa tác phẩm gốm.
Chiếc bánh Trung thu của Trang có vẻ ngoài tựa một tác phẩm làm từ gốm men xanh lục.
"Mình đọc một số tài liệu về gốm xanh lục thời Lý và đặc biệt ấn tượng với gam màu hoài cổ này. Những triều đại trước đó, gốm chỉ có màu trắng gạo hay xanh lam. Màu xanh lục này không quá tươi, không quá tối, đặc biệt nổi bật trên chất liệu gốm", Trang miêu tả về màu sắc độc đáo của mẻ bánh Trung thu chị tự tay làm.
Chiếc bánh Trang làm có công thức tương tự bánh nướng truyền thống, nét khác biệt nằm ở màu sắc lớp vỏ. Để tạo lớp vỏ bánh nhìn như gốm thật, Trang gặp không ít rắc rối. "Màu xanh này bị ảnh hưởng bởi màu nền của bột mì. Mình pha bột mì số 8 với bột mì đa dụng. Bột số 8 vốn đậm và ẩm, khi thêm nước đường và nướng bánh, thành phẩm sẽ quá tối màu, khó nâng tông trong trẻo", chị nói.
Trang cho biết để bánh Trung thu có vẻ ngoài giống gốm, phải tạo màu mang nét cũ kỹ, sờn bạc nhẹ. Nếu màu quá trong xanh sẽ giống ngọc hơn gốm. Để làm mẻ bánh cầu kỳ này, Trang sử dụng khuôn đầu lân thay vì khuôn hoa thông thường để tạo cảm giác cổ xưa.
"Mình dành 4 tiếng để thử màu ưng ý và thể hiện các chi tiết mong muốn, chưa kể thời gian nướng. Bánh truyền thống mình làm trong 2-3 tiếng. Mình không phải dân chuyên làm bánh và đây là lần đầu mình sáng tạo chiếc bánh nướng quen thuộc, không nghĩ lại được nhiều người quan tâm đến thế", Trang tâm sự.
Bằng sự sáng tạo của mình, Trang mong muốn đem lại cảm quan mới, cái nhìn mới cho những chiếc bánh Trung thu quen thuộc.
Vẽ tranh Đông Hồ trên bánh nướng truyền thống
Chia sẻ với PV, Thùy Dương (TP.HCM) cho biết tranh thủ thời gian nghỉ dịch ở nhà đã tự tay làm bánh Trung thu có vỏ ngoài là những bức tranh vẽ tay trên nền đậu xanh. "Mình tái hiện lại tranh dân gian Đông Hồ, tranh của họa sĩ, hay những họa tiết hoa lá trên mặt chiếc bánh nướng truyền thống", Dương nói.
Yêu thích làm bánh từ khi còn là sinh viên, Dương đã từ bỏ công việc ổn định tại ngân hàng để theo đuổi đam mê thời trẻ. Hiện tại, cô gái 9X đang kinh doanh bánh ngọt và giảng dạy các khóa học làm bánh tại TP.HCM.
Thùy Dương đã tạo hình cho bánh Trung thu truyền thống bằng những bức tranh nổi tiếng.
Bên cạnh các sản phẩm bánh thông thường, Thùy Dương còn chú trọng vào các dòng bánh nghệ thuật. "Một chiếc bánh ngon không chỉ nằm ở hương vị mà khâu trang trí cũng cần đầu tư", Dương nói.
Không chỉ đam mê làm bánh, Dương còn có năng khiếu hội họa. Nhờ đó, cô gái 9X đã lên ý tưởng trang trí những chiếc bánh Trung thu truyền thống bằng họa tiết và tranh vẽ tay.
"Mình thấy những kiểu bánh nướng, bánh dẻo có hoa văn dập khuôn khá nhàm chán. Tận dụng một ít năng khiếu vẽ vời, mình đã thử vẽ tranh trên mẻ bánh Trung thu năm nay", Thùy Dương chia sẻ.
Ban đầu, Dương chỉ vẽ những họa tiết hoa lá. Sau khi chia sẻ hình ảnh bánh Trung thu trang trí hoa văn sặc sỡ trên trang cá nhân và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dân mạng, Thùy Dương tiếp tục thử sức với những kiểu trang trí khó hơn như vẽ lại tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ, tranh dân gian Đông Hồ.
"Những chiếc bánh mình trang trí đều là dòng bánh nướng truyền thống. Nếu đưa lên bánh vài nét vẽ phong cách xưa cũ thay vì những họa tiết quen thuộc sẽ làm cho chiếc bánh mới mẻ hơn mà hương vị vẫn giữ nguyên", Dương nói.
Các chi tiết trang trí trên mặt bánh giống như tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, đòi hỏi người sáng tạo phải khéo léo và tỉ mỉ. Theo kinh nghiệm của Dương, công đoạn quyết định chất lượng hình vẽ là làm nền đậu xanh sao cho màu không bị lem, hình vẽ lên rõ nét.
Đối với những bức hoạ đơn giản và ít chi tiết, Dương mất khoảng 5-10 phút để vẽ. Những tác phẩm phức tạp như tranh Đông Hồ cần đến hàng giờ thực hiện vì nhiều chi tiết và màu sắc.
Dương chia sẻ những chiếc bánh trang trí này vừa phục vụ đam mê, vừa là sản phẩm kinh doanh kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch. Mỗi chiếc bánh có trọng lượng khoảng 150 g, phần nhân quen thuộc như thập cẩm, đậu xanh, hạt sen hoặc các loại mứt. Bánh có giá 180.000-250.000 đồng/chiếc, thời hạn sử dụng trong một tuần.
Bánh Trung thu, đèn lồng làm từ len
Không phải những chiếc bánh làm từ bột mì, trứng, nhân thập cẩm hay đậu xanh... Những chiếc bánh Trung thu và mâm cỗ rằm tháng 8 của Nguyễn Thu Thảo (Hà Nội) lại làm từ len.
"Gần đến ngày đoàn viên, lại có nhiều thời gian rảnh vì giãn cách xã hội, mình đã nảy ra ý tưởng đan những chiếc bánh Trung thu len. Mình thử tìm trên mạng xem có ai làm trước đó chưa, kết quả là chưa và mình bắt tay vào thiết kế'', Thảo nói.
Thu Thảo bắt đầu đam mê len sợi từ hồi cấp 2 và cũng đang làm công việc thiết kế thủ công len. 9X chia sẻ những ngày đầu làm quen với len chỉ học đan khăn với mũi cơ bản, gọi là đan cốt.
Bánh Trung thu, đèn lồng được Thảo sáng tạo với chất liệu từ len.
Sau nhiều năm gác lại đam mê, đến năm 2018, Thảo mới quay lại với len và kim. Từ đó Thảo biết đến Amigurumi - môn nghệ thuật về đan móc len. Ban đầu, Thảo chỉ tìm hiểu để đan áo và móc thú bông cho con gái sắp sinh.
"Càng tìm hiểu sâu, mình càng thấy hấp dẫn và quyết định tự thiết kế ra các mẫu thú bông bằng len. Đến nay, mình chính thức theo nghề được 3 năm", Thảo tâm sự về đam mê với sợi len.
Bà mẹ 9X chia sẻ đây là lần đầu tiên thử sức với các sản phẩm len móc mang chủ đề Trung thu. Ngoài các mẫu bánh, Thảo còn làm cả đèn ông sao, đèn lồng bằng len.
"Để làm các sản phẩm chủ đề Trung thu, mình phải nghiên cứu mẫu thật có đặc điểm, hình dáng, màu sắc gì. Sau đó mình tự phác thảo mẫu, chia sản phẩm ra thành các mảnh ghép có thể khâu ráp lại với nhau. Bước tiếp theo là sử dụng các kỹ thuật móc để tạo ra các mảnh ghép. Từ các mảnh ghép, mình khâu ráp lại với nhau và nhồi bông để hoàn thiện sản phẩm", Thảo chia sẻ về các bước làm ra một sản phẩm len.
Chị cho biết khi làm sản phẩm bánh Trung thu thử nghiệm, đã dành một tuần để thiết kế, hoàn thiện. Với mẫu bánh trung thu hình hoa sen, Thảo tốn mất 2 tuần để làm mẫu thử và làm chart móc (bản hướng dẫn cách làm ra sản phẩm bằng len). Sau đó chị dành khoảng 7-8 tiếng để hoàn thiện sản phẩm
"Đầu tiên, mình thiết kế chart móc. Khi đã có chart móc rồi thì mình mất khoảng 5-6 tiếng để làm xong một chiếc bánh". Thảo nói.
Không chỉ là sản phẩm sáng tạo, những chiếc bánh Trung thu bằng len còn tạo thu nhập cho Thảo trong mùa dịch. "Hiện vẫn có nhiều khách đặt mình làm các sản phẩm Trung thu nhưng sát ngày lễ rồi nên mình không nhận đơn. Hơn nữa, giãn cách khiến mình khó mua nguyên vật liệu, không làm kịp để gửi khách chơi dịp ngày Trung thu", Thu Thảo chia sẻ.
Ngoài công việc kinh doanh từ len, Thảo cũng tranh thủ mở lớp có thu phí, hướng dẫn đan móc, dạy cách làm ra những chiếc bánh Trung thu, đèn lồng và đèn ông sao.
Sau khi bị ép nóng vài phút, những con bạch tuộc biến thành chiếc bánh giòn mỏng cỡ 1 mm vừa đẹp vừa ngon.