Xích lô liệu đã lỗi thời?
Hai thập kỷ trước, có ít nhất 300 xe xích lô được sử dụng quanh thủ đô Hà Nội. Hiện tại chỉ còn khoảng 100 chiếc.
Những người lái xe xích lô bị bỏ lại trong thời đại phát triển công nghệ hiện nay. Họ không có thu nhập trong nhiều tháng do ảnh hưởng của đại dịch. Hầu hết người chạy xích lô là người lớn tuổi - đối tượng bây giờ khó tìm kiếm việc làm ổn định nhất.
Những con phố đẹp như tranh vẽ của Hà Nội tấp nập xe máy lưu thông hàng ngày. Đây được xem là phương tiện chủ đạo tại Việt Nam. Cuộc sống trên đường phố của thủ đô Việt Nam đang rộn ràng với tiếng còi xe ô tô và những chiếc xe bus du lịch chạy dọc theo hồ Hoàn Kiếm trong xanh.
Xe xích lô ở Hà Nội có thể sớm bị "tuyệt chủng". Ảnh: Shutterstock.
Xe xích lô thu hút khách du lịch
Tuy nhiên, nét đẹp của Hà Nội nằm ở xích lô - phương tiện chạy bằng sức người, để bạn có thể tận hưởng cảm giác chậm rãi đầy quyến rũ ở thủ đô.
Đối với khách du lịch, ngồi trên xích lô là cách nhàn nhã để ngắm nhìn thành phố, những con đường rợp bóng cây và những ngôi nhà đầy màu sắc trên từng con ngõ nhỏ.
Người cầm lái xích lô là những người đàn ông lớn tuổi. Họ đạp xe chăm chỉ mỗi ngày, kể cả trong cái nóng mùa hè gay gắt hay mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9.
Ông Trần Việt Đắc chia sẻ với SCMP: "Tôi đã làm việc này được 25 năm. Phần mệt mỏi nhất là bắt đầu. Một khi xe lăn bánh, tất cả sẽ ổn".
Tuy nhiên, chiếc áo sơ mi ướt của ông cho thấy công việc này vất vả như thế nào. Ông Việt Đắc dự định tiếp tục đạp xe xích lô thêm 2-3 năm nữa, sau đó muốn nghỉ hưu ở quê nhà, cách Hà Nội 100 km về phía Bắc.
Du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh, ngắm Hà Nội trên chiếc xích lô. Ảnh: Trip to VietNam.
Mặc dù các hạn chế về đại dịch đã dỡ bỏ, SCMP vẫn cho biết có ít khách du lịch ngoại quốc đến Hà Nội.
Nguyễn Hữu Thu - người đứng đầu Công ty Huy Phong với 50 mẫu xe, một nửa trong số đó vẫn còn hoạt động tại Hà Nội - cho biết: "Có hai lý do khiến mọi người yêu thích xe xích lô của chúng tôi.
Một mặt, đó là phương tiện giao thông rất chậm và thân thiện với môi trường - hoàn hảo để chụp ảnh. Mặt khác, nó cho phép hành khách hồi tưởng lại cuộc sống của Hà Nội trước đây và đắm mình trong quá khứ".
Nhưng các phương tiện ngày càng trở nên hiếm hoi. Ông Nguyễn Đức Mạnh - người giám sát một đội lái xe - cho hay, có ít nhất 300 xe xích lô hoạt động cách đây 20 năm. Bây giờ, chỉ còn lại 1/3 số đó.
"Tất nhiên, điều này chủ yếu liên quan đến thực tế là có nhiều phương thức vận tải khác nhanh và tiện hơn", ông Mạnh nói thêm.
Một khó khăn lớn khác là ngày càng khó tìm thấy những chàng trai trẻ muốn đảm nhận công việc này. Người đàn ông 60 tuổi nói: "Công việc rất mệt mỏi, hầu hết người trẻ muốn làm những việc khác".
Trong thời điểm giãn cách xã hội, những người lái xe xích lô phải bỏ về quê vì không có thu nhập. Ảnh: iStock.
Đại dịch đã không làm cho nghề này còn hấp dẫn. Những người lái xe xích lô đã bị bỏ lại, không có bất kỳ thu nhập nào trong nhiều tháng do các biện pháp giãn cách để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Nhiều người đã tiêu hết tiền tiết kiệm và phải trở về làng quê, nơi có cuộc sống rẻ hơn.
Ông Trần Viết Đắc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự và mới quay trở lại công việc tại Hà Nội vào tháng 3 năm nay. Mặc dù thế, công việc vẫn chưa khởi sắc trở lại như ông mong đợi.
"Vào những ngày đẹp trời, tôi có tới 10 chuyến đi. Trong những ngày thời tiết không tốt thì không có một chuyến nào cả", ông kể.
Các nhà chức trách yêu cầu xích lô phải được kiểm tra 6 tháng/lần về máy móc, ghi đông phải an toàn và vừa đủ để điều khiển. Bên cạnh đó, sức khỏe của những người đạp xe xích lô cũng cần được kiểm tra 6 tháng/lần.
Tương lai của xe xích lô
Xích lô, loại xe có 2 chỗ ngồi phía trước, thường được trùm bằng một tấm vải đỏ phía trên đầu để che nắng, mưa cho du khách. Xích lô dùng sức người để di chuyển.
Xe xích lô được phát minh tại Nhật Bản, sau đó du nhập vào Việt Nam vào năm 1883. Hồi đó, chúng là mô hình xe kéo, một hình thức vận chuyển không còn xuất hiện ở thời đại hiện tại. Giờ đây, những chiếc xe kéo duy nhất còn được sử dụng chủ yếu ở Kolkata, Ấn Độ.
Trong quá khứ, châu Âu sử dụng xe kéo ở khu vực Đông Dương. Vào đầu thế kỷ 20, chúng được thay thế bằng các phiên bản có bàn đạp.
Mặc dù số lượng xe xích lô không còn phổ biến như thời trước, đây vẫn là nét đẹp văn hóa khó biến mất hoàn toàn. Ảnh: Green trip Viet Nam.
Ông Nguyễn Hữu Thu cho biết, những khu phố cổ ở Hà Nội có quá nhiều con hẻm nhỏ, đồng thời mật độ ô tô lưu thông trên đường tăng cao khiến cho xe xích lô không có chỗ để di chuyển.
Bên cạnh đó, ông Hữu Thu cũng chắc chắn rằng du lịch sẽ sớm quay trở lại phố cổ Hà Nội. Xét cho cùng, để thực sự tận hưởng những nét đẹp của thủ đô, một chuyến tham quan trên xe xích lô sẽ giúp du khách có dịp chiêm ngưỡng nét đẹp của Hà Nội.
Trong khi đó người đạp xích lô Trần Viết Đắc cười khi nghĩ đến tương lai. Ông nói: "Tôi nghĩ xe xích lô sẽ còn tồn tại 100 năm nữa".
Những ngôi đền thờ cá voi có tuổi đời hàng thế kỷ đã cho thấy sự đa dạng và phân bố của các loài động vật biển...