Gia đình vợ Việt - chồng Canada 'không nhà', đưa con đi khắp thế giới
Gia đình anh Maxime - chị Thêu chọn cuộc sống du mục: Không nhà cố định, làm việc online, cùng con đi phượt khắp thế giới. Hiện gia đình nhỏ trong hành trình khám phá châu Âu.
Gia đình nhỏ sang du lịch châu Âu từ tháng 8, đã đi qua gần 10 quốc gia và “chưa rõ ngày rời châu Âu”. "Chúng tôi được mọi người biết tới với tên gọi “Gia đình phượt”. Và đúng như tên gọi ấy, cả nhà đều mê xê dịch, thích khám phá thế giới”, chị Thêu chia sẻ.
"Tôi từng hỏi các con mình: “Con muốn có một ngôi nhà đẹp tại một thành phố cố định hay tiếp tục đi khám phá nhiều nơi khác nhau cùng bố mẹ?”. Các bé nói: “Đi!” Và thế là chúng tôi tiếp tục hành trình”, chị Thêu kể.
Anh Maxim và chị Thêu cùng hai con đi du lịch nhiều nơi trong và ngoài nước. Ảnh: NVCC
Đưa con đi phượt… từ khi còn trong bụng mẹ
Chị Nguyễn Thị Thêu (40 tuổi, ngụ tại TP. Thủ Đức) và anh Maxime Godin-Murphy (người Canada) cưới nhau năm 2012. Thời điểm đó, anh Maxime có dự định chinh phục 50 quốc gia trên thế giới. Khi ngao du được một nửa chặng đường, đến Việt Nam, anh Maxime gặp chị Thêu và quyết định ở lại xây dựng gia đình.
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bé Kim (7 tuổi) đã đi phượt 50 tỉnh, thành khắp Việt Nam và tới một số quốc gia châu Á (Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…), châu Mỹ (Mỹ, Canada), châu Âu.
"Những chuyến đi của gia đình mình thường chỉ biết điểm xuất phát mà không biết điểm kết thúc. Trước đây, mình có một số dự án ở Việt Nam nên cứ vài tháng sẽ trở về. Hai vợ chồng làm việc ngay trên đường du lịch”, chị Thêu cho biết.
Gia đình nhỏ tại châu Âu. Ảnh: NVCC
Vì ảnh hưởng của COVID-19, gia đình chị Thêu ở TP.HCM và không đi xa suốt 2 năm. Từ sau Tết Nguyên đán 2022, họ mới bắt đầu hành trình phượt xuyên Việt bằng xe máy với dự định đi hết 63 tỉnh, thành trong khoảng 6 - 8 tháng. Trong chuyến đi, gia đình chị Thêu có thể thuê khách sạn, homestay hoặc cắm trại, ở nhờ nhà dân có hiên vườn để các con được giao lưu.
"Đây là chuyến phượt đầu tiên của bé An, con gái thứ 2 của mình (2 tuổi). Cả nhà đã đi qua khoảng 30 tỉnh, thành. Tuy nhiên, mùa mưa đến, việc di chuyển vất vả hơn nên vợ chồng mình quyết định tạm dừng, chuyển hướng tới châu Âu và Bắc Mỹ”, chị Thêu cho biết. Có thể họ sẽ trở lại Việt Nam vào dịp Tết để hoàn thành hành trình xuyên Việt.
Kinh doanh khách sạn nên vợ chồng chị Thêu có thể quản lý công việc trực tuyến, rất thuận lợi khi đi phượt. "Tôi cảm thấy may mắn khi có một công việc tự do và chủ động thời gian, kinh tế để thực hiện sở thích của cả gia đình", anh chị cho biết.
Cô bé Kim học theo hình thức homeschooling (giáo dục tại gia) của Mỹ. Sách được nhà trường gửi về tận nhà và Kim lên hệ thống giảng bài của trường tự học, làm bài tập. Khi nào đáp ứng đủ bài thi và điểm số, cô bé có thể lên lớp.
"Lịch học của con hoàn toàn do con chủ động sắp xếp. Nếu học liên tục, bé chỉ cần 4 tháng là hoàn thành một lớp. Bố mẹ có thể giúp con kiểm tra bài tập một lần mỗi ngày”, chị Thêu cho biết.
Anh Maxime và chị Thêu đèo hai con trên hai chiếc xe máy, rong ruổi qua 30 tỉnh, thành phố. Ảnh: NVCC
Ngoài tiếng Việt, bé Kim hiện có thể nói tiếng Anh, Pháp. Nhiều năm theo bố mẹ đi phượt, cô bé rất mạnh dạn, giỏi giao tiếp, thích nghi và nhiều kĩ năng sống khác.
“Hai năm không thể đi đâu vì dịch COVID, bé Kim rất sốt ruột. Con thường xuyên hỏi tôi về những chuyến đi, khao khát được trải nghiệm vùng đất mới. Con chưa bao giờ than thở vất vả mà luôn hào hứng tham gia mỗi chuyến đi”, chị Thêu tâm sự.
Những điều thú vị ở châu Âu
Từng cùng ông xã đến châu Âu nhiều lần nhưng trong chuyến đi này, khi đưa theo hai con nhỏ, chị Thêu đặc biệt cảm mến sự ngọt ngào, thân thiện mà người dân châu Âu dành cho trẻ em.
Khi cùng cha mẹ di chuyển bằng phương tiện công cộng, bé Kim và An thường xuyên được nhân viên tàu, hành khách tặng cho kẹo bánh, sô-cô-la. “Khi ở Việt Nam, hai bé cũng rất hay được mọi người cho bim bim, kẹo, ổi, xoài, cóc… Những điều giản dị đó khiến vợ chồng mình cảm thấy hạnh phúc lắm”, chị Thêu chia sẻ.
Cả gia đình thích thú với “đất nước xe đạp” Hà Lan. Tại đây, cả nhà có một kỷ niệm khá vui khi thuê xe đạp dạo quanh thành phố Amsterdam. Mọi chiếc xe đều quá khổ so với vóc dáng của chị Thêu khiến nhân viên cửa hàng không yên tâm. Họ tư vấn cho chị mua bảo hiểm 14 euro (320.000 đồng) để phòng trường hợp té ngã.
"Đạp xe tại Amsterdam thực sự rất thoải mái. Chỗ nào trên thành phố cũng thấy xe đạp, mọi thứ trong lành, sạch sẽ. Hệ thống sông ngòi chằng chịt nhưng mực nước được kiểm soát rất tốt, chỉ mấp mé bờ, tĩnh lặng không gợn sóng, tạo cảm giác vô cùng bình yên”, chị Thêu tâm sự.
Chị Thêu phải mua bảo hiểm mới được đi xe đạp ở Hà Lan. Ảnh: NVCC
Những ngày đầu tới Pháp, chị Thêu suýt bị móc túi khi đi tàu tại Paris. May mắn, một nữ hành khách đã chặn kẻ gian. Thỉnh thoảng cả nhà cũng bị lỡ tàu, hay “chạy thục mạng” để kịp giờ tàu.
Ngày 10/9, khi từ Munich di chuyển tới Venice, đoàn tàu gia đình đang đi đột ngột dừng lại do công nhân đình công. Họ và các hành khách khác phải xuống tàu, di chuyển chuyến tàu khác. “Gia đình có trẻ con nên rất nhiều đồ đạc. Việc chuyển tàu khá vất vả. Đáng lẽ chúng tôi chỉ mất 6 tiếng để di chuyển nhưng cuối cùng mất tới hơn 9 tiếng”, chị Thêu cho biết.
Khi từ Rome đến Florence, các ga tàu cũng đồng loạt đóng cửa do công nhân đình công. “Rất nhiều người bị trễ tàu xe nên ở nhà ga, dòng người xếp hàng dài, ùn ứ”, chị Thêu kể.
Một “trở ngại” trong chuyến đi là bé Kim khá “nghiện” cơm. Tuy nhiên khi qua châu Âu, không dễ để gia đình nhỏ tìm được cơm. Tại Thụy Sĩ, một chén cơm nhỏ được bán với giá khoảng 250.000 đồng. “Tôi cảm giác như hai đứa trẻ có thể ăn cả vài chục bát cơm như thế”, chị Thêu hài hước nói.