Vì sao TP.HCM nóng lòng muốn đón khách quốc tế ngay trong tháng 12?
Lộ trình mở cửa du lịch của TP.HCM dự kiến đến đầu 2022 mới khôi phục du lịch quốc tế, song, thành phố đang xây dựng phương án đón du khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vắc xin” ngay trong tháng 12 tới.
Dự thảo đề án "Tổ chức đón khách du lịch quốc tế đến TP.HCM sử dụng “hộ chiếu vắc xin” cuối năm 2021 và năm 2022" đang được UBND TP.HCM lấy ý kiến, dự kiến thí điểm từ tháng 12.2021 và thực hiện mở rộng trong năm 2022. Khách quốc tế đến TP.HCM khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vắc xin” sẽ không bị yêu cầu cách ly sau nhập cảnh.
TP.HCM dự kiến thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, khép kín thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế - Ảnh KHẢ HÒA
Du lịch chưa bao giờ "thê thảm" như thế!
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch. Các chỉ tiêu của ngành trong năm 2020 cũng như 9 tháng đầu năm 2021 sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, nếu khách quốc tế đến TP.HCM năm 2020 là hơn 1,3 triệu lượt, giảm 84,8% so cùng kỳ năm 2019 thì 9 tháng đầu năm 2021, con số này chính thức giảm xuống số 0 tròn trĩnh.
Khách du lịch nội địa cũng không thoát khỏi đà lao dốc. Năm 2020 dịch phập phồng, có hơn 15,8 triệu lượt khách đến thành phố, giảm 51,5% so cùng kỳ năm 2019. 9 tháng vừa qua, lượng khách nội địa tiếp tục giảm thêm 31% so với cùng kỳ 2020, ước đạt 7,750 triệu lượt khách. Tổng thu du lịch từ 140.070 tỉ đồng năm 2019, giảm xuống 84.512 tỉ đồng trong 2020 và đến nay đã tụt xuống chỉ còn 39.523 tỉ đồng cho 9 tháng năm 2021.
Trong năm 2020, trung bình lượng khách của các công ty lữ hành chỉ đạt từ 30 - 40% lượng khách so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng với doanh thu chỉ đạt từ 20 - 30%. Điển hình như Công ty Saigontourist chỉ đạt 25%, giảm khoảng 3.900 tỉ đồng; Công ty Vietravel chỉ đạt 23%, giảm khoảng 5.300 tỉ đồng... Theo báo cáo của 26 doanh nghiệp lữ hành đầu ngành, khi dịch Covid-19 bùng phát lại vào đầu năm 2021 đến ngày 1.3, đã có hơn 930 đoàn hủy tour với số lượng hơn 43.100 khách, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp lữ hành trên 363 tỉ đồng.
Từ cuối tháng 4, Covid-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành phố và diễn biến phức tạp tại TP.HCM càng làm ảnh hưởng nặng nề hơn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị cho đợt cao điểm hè năm 2021. Theo báo cáo sơ bộ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn thành phố, doanh thu lữ hành trong 5 tháng đầu năm 2021 chỉ khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Các đơn vị lữ hành tuy không có doanh thu nhưng vẫn chi trả các khoản chi phí cố định như tiền mặt bằng, lương, bảo hiểm, thuế… tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Thống kê của UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn thành phố cho biết đến nay, chỉ còn khoảng 50% số lượng doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động. Trong đó, có đến 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động. Từ ngày 1.1.2020 - 31.5.2021, có tổng cộng 171 công ty rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (trong đó có 152 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 19 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa).
Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp dựa trên nguồn vốn dự phòng còn lại để hoạt động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều cắt giảm từ 50 - 80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.
Đối với hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn thành phố, chỉ còn lực lượng hướng dẫn viên chính thức của các công ty lữ hành còn hoạt động (hướng dẫn viên quốc tế còn khoảng 10%, hướng dẫn viên nội địa còn khoảng 40 - 50%), riêng đối với các hướng dẫn viên cộng tác hoặc tự do đã phải chuyển nghề bán hàng trực tuyến, mở quán kinh doanh ăn uống, môi giới bảo hiểm hoặc về quê…
Lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, hoặc tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa.
Qua rà soát, thống kê, trên địa bàn thành phố có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao/tương đương tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao/tương đương hoạt động cầm chừng. Doanh thu lưu trú giảm 70% so với năm 2019, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ khác giảm 68%, lượng lao động giảm 35%.
"Nhìn lại suốt 2 năm qua, chưa bao giờ ngành du lịch thê thảm như vậy" - một cán bộ Sở Du lịch TP.HCM cám cảnh.
TP.HCM đã sẵn sàng đáp ứng mọi điều kiện để tổ chức các tour an toàn, tái hồi phục du lịch - Ảnh VŨ PHƯỢNG
Đủ điều kiện mở "hộ chiếu vắc xin", đón khách quốc tế
UBND TP.HCM đánh giá tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương trong cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, Việt Nam chủ động được cơ bản nguồn vắc xin, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm, ý thức người dân được nâng cao...
Mặc dù đang gặp phải nhiều khó khăn, song công tác phòng, chống dịch ở thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực, quan trọng nhất là tỷ lệ người dân được tiêm chủng vắc xin ngày càng cao. Tính đến ngày 15.10, thành phố đã đạt tỷ lệ bao phủ mũi 1 là 98,6% và mũi 2 là 75,34%.
Bên cạnh đó, phác đồ, phương pháp điều trị cho người F0 đạt nhiều hiệu quả tích cực nên số ca tử vong và số ca mắc mới xu hướng đang giảm dần... Người dân và doanh nghiệp của thành phố cũng đã dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với riêng ngành du lịch, từ tháng 4 khi đại dịch bùng phát, TP.HCM đã triển khai thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố và tự đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.
Theo thống kê tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn, có 1.178 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố đã đăng ký thành công và tự đánh giá an toàn Covid-19. Đồng thời, triển khai quy trình mẫu xử lý các tình huống phát sinh tại cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành và khu, điểm du lịch trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tiếp đến, nhằm chuẩn bị cho việc khôi phục hoạt động của ngành du lịch thành phố trong quý 4, từ tháng 6, UBND TP đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố (bao gồm doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch). Đây là cơ sở quan trọng để triển khai Kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch thành phố giai đoạn đến cuối năm 2021 và năm 2022.
Bên cạnh việc chú trọng nâng chất các sản phẩm du lịch, đặc biệt là phát triển các dòng sản phẩm chủ lực, có thương hiệu riêng, TP.HCM cũng đang tích cực từng bước tái khởi động chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh thành trong cả nước theo hướng hợp tác đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương để tạo những sản phẩm du lịch liên kết, có sức hấp dẫn, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của du khách. Hiện các địa phương đang rà soát chọn vùng xanh để kết nối tour, tuyến, khách sẽ đáp ứng nhu cầu, ngành có cơ hội phục hồi nhanh bền vững trong thời gian tới.
Ngoài ra, ngành du lịch thành phố đã tập trung nghiên cứu các thị trường du lịch quốc tế đã kiểm soát dịch Covid-19 và là thị trường tiềm năng để đặt trọng tâm các hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch. Chương trình chuẩn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị - Giai đoạn 2021 - 2030” đã được xây dựng.
"Do đó, việc triển khai hộ chiếu vắc xin tại TP.HCM là hoàn toàn phù hợp. Hộ chiếu vắc xin là giải pháp để thành phố nói riêng và cả nước nói chung sống chung với đại dịch, sớm mở cửa trở lại ngành du lịch đang bị đóng băng, góp phần phát triển kinh tế" - lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định.
Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đang tích cực xây dựng sản phẩm mới, theo cách du lịch mới, đảm bảo yếu tố an toàn...