Vé máy bay có phải là thủ phạm gây khó cho du lịch?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những ngày gần đây, dư luận bức xúc việc vé máy bay Tết 2024 tăng quá cao. Hầu hết đều cho rằng vé máy bay giá cao là nguyên nhân làm khách du lịch quay xe. Vấn đề có đúng như vậy không?

Vé máy bay có phải là thủ phạm gây khó cho du lịch? - 1

Du khách làm thủ tục lên máy bay.

Vận chuyển là thành tố quan trọng của giá tour bên cạnh ăn uống, lưu trú, tham quan, vui chơi giải trí, trải nghiệm…Vận chuyển bao gồm máy bay, ô tô, tàu thuyền, xe hai bánh. Đổ hết lỗi cho vé máy bay là rất không công bằng.

Quyết định hàng đầu việc chọn tour là độ hấp dẫn của sản phẩm, sau đó mới đến giá cả và các thủ tục pháp lý. Giá tour cao, dĩ nhiên ảnh hưởng ít nhiều đến sự chọn lựa của du khách.

Du lịch nội địa kém, đi sau các nước, không phải vì vé máy bay giá cao. Du lịch kém vì thiếu liên kết, vì không có chuẩn dịch vụ tối thiểu, vì rất nhiều bất cập từ giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sống, dịch vụ không ổn định, không rõ ràng với khách hàng,…Đặc biệt là sản phẩm nghèo nàn, nghiệp dư, trùng lắp.

Kinh doanh theo qui luật “Cung – Cầu” của thị trường. Cung không thể đáp ứng, giá sẽ tăng là đương nhiên nhưng trong khuôn khổ luật định. Giá cả do các doanh nghiệp điều chỉnh trong biên độ theo độ nóng thị trường. Trừ khi được bao cấp, các doanh nghiệp đều tính toán và dự báo giá cả tùy thời điểm. Luật canh tranh và người tiêu dùng sẽ không cho phép các doanh nghiệp tự tung tự tác.

Tết Nguyên đán là dịp quan trọng nhất trong năm của người Việt, được nghỉ dài ngày nhất. Cầu tăng đột biến, cung không thể nào đáp ứng nên tăng giá là đương nhiên. Gì cũng tăng, không riêng gì vé máy bay. Nước nào cũng vậy, chỉ khác là cách làm. Làm việc ngoài giờ hoặc các dịp tết lễ, tiền công luôn cao hơn bình thường.

Vé máy bay ngày thường đã cố định lượng khách. Tết, tăng chuyến đột xuất, nhiều chuyến chỉ đầy một lượt. Máy bay không thể chờ như ô tô, bay về có khi chỉ vài ba khách. Vé máy bay Tết gần giống việc thuê xe một lượt nhưng phải tính giá khứ hồi.

Nếu chỉ nhìn giá, tour nội địa Việt Nam bằng, thậm chí cao hơn một số tour quốc tế. Nhưng thực tế không hẳn vậy. Giá cả dịch vụ luôn tương ứng với mức thu nhập đầu người dân của từng nước. Nếu làm tour bình thường, giá tour Việt Nam luôn rẻ hơn. Giá chỉ rẻ với các tour shopping và đi kèm các option giải trí không bao gồm.

Không ít khách ngán ngẩm “Đi tour gì mà toàn vào các điểm shopping”. Không vào shopping, sao có tour giá rẻ? Vắng tour ngày nào, nếu báo trước, tour nội địa có khi được hoàn trả tiền ăn, vé tham quan…nhưng nhiều tour quốc tế phải đóng thêm vài chục USD mỗi ngày. Cái hay của các tour thương mại nước ngoài giá rẻ là sự liên kết chặt chẽ, có hệ thống và được chuẩn hóa. Việt Nam rất muốn nhưng chưa làm được vì thiếu nhạc trưởng đủ cả tâm lẫn tầm.

Vé máy bay có phải là thủ phạm gây khó cho du lịch? - 2

Giá vé máy bay nội địa, có thể tăng gấp đôi vào dịp Tết 2024 nhưng không bao giờ có chuyện “cao hơn giá tour trọn gói 3 ngày 2 đêm đi Singapore, Thái Lan…cùng thời điểm”

Lợi nhuận từ shopping và các option được phân chia với các công ty lữ hành, tìm cách hạ giá thành nhưng vẫn có phần riêng của hướng dẫn viên và nhà xe. Tất cả mức chiết khấu được chuẩn hóa thành hợp đồng. Thực tế tại bất cứ đâu (cũng như Việt Nam), các tour 0 đồng hoặc chạm đáy đều dựa vào shopping và các option tự túc. Chưa kể những chính sách miễn giảm thuế, trợ giá dịch vụ để kéo khách đến.

Một số thông tin cho rằng, các hãng bay tung ra bán vé máy bay Tết 2024 với giá quá cao, thậm chí cao hơn giá tour trọn gói đến các nước trong khu vực. Trong dịp Tết 2024, ghi nhận cho thấy giá vé khứ hồi bay nội địa của các hãng bay trên một số đường bay bằng thậm chí cao hơn giá tour du lịch trọn gói 3 ngày 2 đêm ở Singapore, Thái Lan…

Việc này có đúng không? Theo các phòng vé dự báo, giá vé máy bay nội địa, có thể tăng gấp đôi vào dịp Tết 2024 nhưng không bao giờ có chuyện “cao hơn giá tour trọn gói 3 ngày 2 đêm đi Singapore, Thái Lan…cùng thời điểm”. Làm gì có tour Thái Lan 3 ngày 2 đêm. Các tour giá rẻ, tối thiểu phải 5 ngày, tour ít ngày không thể có giá rẻ. Tết, đường bay quốc tế cũng sẽ tăng vì cầu cao hơn cung. Dịch vụ Tết (nước nào cũng có Tết riêng) , nơi nào cũng tăng giá, đâu riêng gì Việt Nam.

Dù các nước không ngừng giảm giá, khuyến mãi, vé máy bay Việt Nam ngày thường vẫn rẻ hơn. Thời điểm tháng 10/2023, giá vé khứ hồi bình quân Sài Gòn - Vientiane (Lào) 1.143 km, giá 9,0 – 10,0 triệu đồng; Sài Gòn - Siem Reap (Campuchia) 463 km, giá 6,0 – 8,0 triệu; Sài Gòn - Bangkok (Thái Lan) 755 km, giá 4,5 triêu; Kualar Lumpur (Malaysia) 1.060 km giá 3,5 - 4,0 triệu; Sài Gòn – Singapore 1.085 km, giá 5 triệu; Bangkok – ChiengMai 686 km và Bangkok – Phukhet 845 km cùng giá 2,0 – 3,0 triệu…Vé nội địa các nước cũng không rẻ hơn Việt Nam.

Về thông tin giá vé máy bay nội địa tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường trong dịp cao điểm Tết là quá cao, khiến nhiều người phải thay đổi kế hoạch đi du lịch trong nước. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Thật ra ngày thường giá vé máy bay Việt Nam quá rẻ. Giá vé Sài Gòn – Hà Nội xe tốc hành  khoảng 0,8 - 0,9 triệu; xe lửa ghế ngồi chừng 1,0 triệu; giường nằm trên dưới 1,5 triệu. Ai cũng biết vốn đầu tư và chi phí vận hành máy bay cao gấp nhiều lần ô tô và xe lửa. Giá vé Tết cao hơn ngày thường là đương nhiên, nhưng vẫn trong biên độ cho phép.

Tôi nghĩ hàng không cũng rất lo nên đã cân nhắc và dự báo. Quan trọng là người tiêu dùng có quyền chọn lựa, không ai ép buộc ai. Ngoài vé máy bay, còn xe lửa, ô tô và cả xe gắn máy. Nếu dự báo sai, khách hàng quay lưng, hàng không lãnh đủ. Việc kinh doanh, có lúc này lúc khác, muốn chưa chắc đã được.

Ngoài ra, là các loại hình vận chuyển khác nhau, so sánh giá vé máy bay với xe đò hoàn toàn không hợp lý. Mặt khác, dịp Tết, đảm bảo xe đò cũng tăng không kém và không dễ gì thuê được xe riêng.

Vé máy bay có phải là thủ phạm gây khó cho du lịch? - 3

Ngày thường, giá vé máy bay Việt Nam quá rẻ.

Nói vậy không phải khuyến khích vé máy bay tăng vô tội vạ. Cái chính là chuẩn bị dư luận và truyền thông để mọi người cùng hiểu và chia sẻ. Hàng không và lữ hành cần ngồi lại tìm tiếng nói chung. Cái gì cũng phải từ hai phía. Không cực đoan đổ lỗi. Chất lượng sản phảm và dịch vụ luôn luôn là ưu tiên số 1 của du lịch ở các nước phát triển.

Hàng không và du lịch còn chưa hiểu nhau, làm sao giới truyền thông và người dân hiểu? Họ trách là phải. Mới hay sự liên kết ở Việt Nam chỗ nào cũng lỏng lẻo, thậm chí không có; đâu riêng gì ngành du lịch. Có người đã đúc kết “Kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng, có rất nhiều thế manh. Mạnh nhất là mạnh ai nấy làm”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours)