Con sông ôm lấy Nhà Bè từ hướng Đông, cũng là kênh tiếp giáp huyện lỵ này với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ - dường như từ rất lâu đã hứa hẹn sẽ mang một dòng chảy mới đến mảnh đất này: dòng du khách yêu mến sự hoang sơ và mong muốn khám phá gương mặt mới của một vùng đất. Đến Nhà Bè từ dòng Soài Rạp còn thấy thành phố có một gương mặt khác, đậm dấu ấn bản địa và chứa đựng dấu tích về một Sài Gòn xưa cũ – Sài Gòn của kênh rạch và hữu hảo giao thương. 

Rời bến phà Phước Khánh (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè), khách lên thuyền, xuôi dòng Soài Rạp về Hiệp Phước, tạm biệt những ồn ào đô thị để bắt đầu khám phá vùng đệm Sài thành. Du khách mở rộng tầm nhìn khi hai bờ ngày càng xa nhau. Trước mắt dần ẩn hiện những thân tàu trắng, những mũi tàu xanh, đỏ. “Chỉ cần nhìn mắt trên thân tàu sẽ biết được lai lịch từng con tàu”, anh Phan Xuân Anh, hướng dẫn viên “xịn” nhất hệ du lịch đường thủy (mà người trong ngành hay gọi là Thầy) bắt đầu chia sẻ. Nghe anh kể chuyện, thấy như cả một nền văn hóa của người Việt tái hiện trong vài phút. Chuyện mái đình cong cong, những mái nhà cổ của người Việt, tất cả đều bắt đầu từ một mạn thuyền.

Sau khi đi qua điểm chạm dòng sông chia hai: “Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về”, du khách bắt đầu khám phá Nhà Bè bằng điểm dừng đầu tiên - Chùa Bà Châu Đốc 2 (Miếu Ngũ Hành) - nơi đáp ứng nhiều nhu cầu tín ngưỡng khi có ban thờ nhiều vị, từ Bà Chúa Xứ, Bà Quan Âm Nam Hải, Ngọc Hoàng Thượng Đế, ban Ngũ Hành,...

Rời chùa Bà Châu Đốc 2, khách tiếp tục hành trình khám phá thành phố bên kia sông với những bến cảng tấp nập tàu thuyền và khu công nghiệp khổng lồ. Những ống khói nhả ra từ các nhà máy xi măng bên dòng Soài Rạp – dấu tích về một nền công nghiệp sơ khai nhưng đã nuôi dưỡng thành phố trở nên lớn mạnh như hiện tại. Đặc biệt, lượng khói, khí thải của các khu công nghiệp này dường như được điều hòa nhanh hơn nhờ những khoảng rừng ngập mặn và sự bao dung của dòng Soài Rạp. Vì thế, không có ngột ngạt. Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu mang một dấu ấn rất khác với hình dung của du khách trước đó.

Cũng vẫn “người kể chuyện” du lịch đường thủy Xuân Anh – anh kể về nhà máy nhiệt điện Sài Gòn với ống khói cao đầu tiên sau chiến tranh, những câu chuyện “mật” và cuộc đón tiếp vài vị khách “khổng lồ” trên các bến cảng ven sông Soài Rạp bằng những con tàu du lịch cao cấp: ông Neil Alden Armstrong (người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng); tỉ phú John (bạn đồng hành của Bill Gates).

Rồi du khách sẽ tận mắt ngắm nhìn những nhánh rẽ của từng dòng chảy để hiểu được vai trò huyết mạch của Soài Rạp kết nối với biển Đông, rừng Sác và nội thành Sài Gòn ra sao. Xa hơn về phía Tây của Nhà Bè, dòng kênh Cây Khô tiếp tục là đường thủy chủ lực của thành phố đi Tây Nam Bộ với mật độ các dòng kênh chằng chịt và một cảng nước sâu đáng giá – điểm đỗ của những con tàu lớn.

Đến Nhà Bè từ dòng Soài Rạp, không chỉ để tìm một điểm chạm khác trong hành trình khám phá, mà còn hiểu được lý do vì sao từ hơn một thế kỷ trước, sông Sài Gòn và những bến cảng đã được coi là “một Địa Trung Hải ở châu Á”. Tận dụng được thế mạnh này trong công cuộc phát triển kinh tế hôm nay, vị trí và thế mạnh đường thủy ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Cũng trên chuyến hành trình ấy, chuyện về Tân Chánh Võ Thủ Hoằng và việc kết tre làm bè, che lợp phòng ốc cho khách tàu thủy sinh hoạt từ miễn phí đến lúc hình thành chợ trên sông (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19), ghi dấu hình thức chợ nổi đầu tiên ở Nam Bộ. Cũng từ đây, cái tên Nhà Bè ra đời gắn với lòng ghi ơn một vị tiền nhân đáng kính “Ai ơi có đến Nhà Bè/Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng”.

Cứ thế, những câu chuyện tiếp nối để hai giờ trên sông trôi thật mau, thuyền từ từ đưa du khách cập bến Tân Cảng (Hiệp Phước). Từ đây, khách được nhận nón lá, xe đạp để khám phá những dải bát ngát xanh của Nhà Bè trên đường bộ.

Con đường Giáng Hương được chọn là điểm kết nối giữa Nhà Bè trên sông với Nhà Bè đường bộ, đưa du khách tiếp tục khám phá vùng đất tuy giáp Sài Gòn nhưng vẫn còn rất nhiều dấu tích hoang sơ. Trên con đường thôn quê mộc mạc chừng 4-5km trước khi ra lộ lớn, những căn nhà mái thấp thưa thớt như dấu chấm phẩy ẩn hiện trong sắc xanh của cây bần, cây đước, dừa nước và những hàng giáng hương rợp bóng. Mát mẻ, trong lành là cảm nhận của hầu hết người trải nghiệm. Sài thành huyên náo dường như đã ở đâu đó thật xa nơi này. Thật khó tin khi cùng trong một thành phố, những cách biệt về sinh hoạt hoàn toàn đổi khác.

Chị Mai, bán bánh xèo tôm bạc đon đả mời khách ghé quán. Chỉ 15.000 đồng cho mỗi chiếc bánh đổ nóng giòn, người ăn người bán cùng cười chan hòa trong nắng.

Du khách tiếp tục tham quan nhà truyền thống Nhà Bè, trại nuôi đông trùng hạ thảo hoặc ghé các điểm tham quan: Pháp Võ Cổ Tự hay các vườn do những hộ dân tự xây dựng, nhà hàng thuần việt Cổ Gia Quý được xây dựng hoàn toàn bằng gạch đá ong…

Và cuộc khám phá thứ hai của du khách dường như đắm chìm hơn với những món ăn lạ miệng trong bữa trưa, đậm chất bản địa: Cua cái so hai da hấp/Cá kèo đỏ kho với dừa nước/Lá gia bui xào ếch tơ (ếch nhỏ)/Gỏi còng/Lịch um nghệ/Bần ổi chấm mắm còng,… Thực đơn khiến ai cũng phải truyền tay nhau đọc để một lần nữa biết gọi tên cho đúng. Đáng nói, ai cũng xuýt xoa vì sao lạ quá mà vừa miệng quá chừng. Các bàn ăn rôm rả hơn khi từng người bắt đầu đoán món, kể chuyện. Chuyện con còng đất giống con rạm hay con cáy ở vùng Bắc Bộ, con lịch giống con trạch kho gừng, con cá kèo đỏ khác cá kèo miền Tây ra sao hay sự ngạc nhiên vì cá kèo kho dừa nước khác biệt hẳn với kho gừng cùng nước dừa xiêm. Rồi lá bui là lá gì mà sao ăn vị lạ mà hấp dẫn. Cứ thế, mâm cơm 10 món mà dần được chén sạch trong sự hân hoan đến tột cùng của người thưởng thức. Nhưng cách tính tiền sau đó mới càng làm hả dạ khách lữ hành, mỗi người chỉ phải chi trả khoảng 200.000 đồng. Đến đây thì câu nói của đầu bếp Paul Prudhomme (Mỹ) “Bạn không cần một chiếc thìa bạc để thưởng thức đồ ăn ngon” dường như đã đúng.

Có thể nói, hành trình đến Nhà Bè không chỉ để nhìn ngắm một Thành phố Hồ Chí Minh khác mà còn được tham gia chuyến “food tour” thực sự đặc biệt. Nếu là người đã xa quê nhiều năm, ẩm thực Nhà Bè giúp bạn trở về thuở thiếu thời. Dẫu từng món không phải bạn đã ăn ở thời tuổi thơ nghèo khó, nhưng chất dân giã trong từng món vẫn cho du khách tưởng cái hồn cốt của thơ ấu năm nào. Còn với du khách nói chung, ẩm thực bản địa Nhà Bè chắc chắn sẽ mang tới một trải nghiệm khiến không ai phải nuối tiếc.

Và hành trình cho một ngày sống khác có thể chỉ bắt đầu bằng một cái gật đầu, để chạm vào những hoang sơ còn sót lại nơi phố thị! Nào, đến Nhà Bè theo đường sông Soài Rạp, bạn đi không?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Ba, ngày 19/09/2023 08:47 AM (GMT+7)

Thực hiện: Thục Khôi