Tháng 7 Vu lan, nhớ mùa thị chín
Những đứa trẻ thôn quê như chúng tôi luôn đợi mùa quả chín tới với sự háo hức vô cùng.
Ảnh minh họa
Bao giờ cũng vậy, hễ cứ tháng Bảy Âm lịch tới là những cây thị trong vườn nhà tôi lại bắt đầu bước vào mùa quả chín. Đầu tiên là những quả chín bói, phải tinh mắt lắm mới thấy những quả thị chín nép mình lấp ló sau các tán lá xanh biêng biếc tít ở trên cao. Miền quê yên ả của tôi hầu như nhà nào cũng trồng thị, có nhà còn trồng tới cả ba, bốn cây với mục đích bán quả.
Gia đình tôi cũng có tới 4 cây thị cổ thụ, những cây thị to lớn với đường kính thân lên tới cả hơn nửa mét, cao cả vài chục mét là thành quả mà ông bà nội tôi đã vun trồng từ khi còn trẻ.
Suốt quãng thời gian thơ ấu, lũ trẻ con chúng tôi hay tụ tập dưới tán thị rợp bóng mát để chơi các trò chơi dân gian. Mùa quả chín, cả làng quê lại ngập tràn hương thơm ngào ngạt đến khoan khoái, dễ chịu. Mỗi đêm hè trước khi đi ngủ, mẹ luôn nhắc tôi mở toang cánh cửa sổ để cho căn phòng thoáng đãng, đồng thời “đón” hương thị thơm tho bay vào.
Những đứa trẻ thôn quê như chúng tôi luôn đợi mùa quả chín tới với sự háo hức vô cùng. Cầm những quả thị màu vàng ruộm để ngửi hít hà, để chơi khi đan bị bằng sợi rồi thả những quả thị vào đó treo lủng lẳng, xách đi khoe bạn bè… Rồi khi thị chín mềm, màu vàng óng chuyển qua màu sậm là lúc chúng tôi mang ra ăn một cách ngon lành. Người ta thường bảo thị chỉ để chơi, để ngửi cho thơm, nhưng với bọn trẻ chúng tôi, thị chín ăn cũng hấp dẫn không kém hồng xiêm, ổi, nhãn hay vài loại hoa quả khác.
Ngày nội tôi còn sống, hễ cứ thấy những quả thị chín bói đầu tiên là nội lại bắc thang, hay sai con, cháu leo lên cây hái những quả chín ấy mang xuống, rửa sạch sẽ bụi bẩn, rồi sắp vào đĩa, sau đó đặt ngay ngắn lên bàn thờ để thắp hương khấn ông bà tiên tổ. Nội từng nói với mấy anh chị em chúng tôi rằng: "Quả chín đầu mùa bao giờ cũng phải dành cho ông bà tiên tổ trước, bởi làm như vậy thì mùa sau ông bà tiên tổ mới phù hộ độ trì cho cây trái sai quả hơn, quả to hơn...".
Sau này, khi ông nội già yếu rồi mất thì cha tôi luôn là người kế tiếp công việc mà khi xưa nội vẫn hay làm, đó là luôn hái những quả thị chín bói đầu mùa dâng lên bàn thờ, sau đó mới hạ lễ xuống phân phát cho mấy anh chị em chúng tôi.
Mấy anh chị em chúng tôi lần lượt rời quê lên thành phố học tập rồi ở lại lập nghiệp. Mỗi dịp tháng bảy Âm lịch về, tôi nôn nao nhớ quê, nhớ thời dấu yêu nhiều kỷ niệm bên những gốc thị già mùa quả chín. Giữa không gian phố phường chật chội, tôi bỗng thấy như có mùi thị chín thoảng bay trong gió…
Rất nhiều bạn mình khi đi xa cũng bảo nhớ Hà Nội quay quắt. Và mình biết chắc trong trăm ngàn nỗi nhớ ấy thế nào cũng...