Thuần dưỡng “báu vật” của rừng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chè hoa vàng không chỉ là giống chè quý hiếm, mà chè mọc ở dãy núi Tam Đảo còn có hàm lượng dược liệu cao hơn hẳn ở nhiều nơi khác.

Thuần dưỡng “báu vật” của rừng - 1

Dáng người dong dỏng, sống mũi cao, dù khuôn mặt có phần rám nắng, song vẫn không đủ để khỏa lấp nước da trắng, mái tóc húi cao gọn ghẽ và đặc biệt cởi mở, dễ gần là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp anh Nguyễn Viết Tuấn, xóm Khe Lánh, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) người sở hữu hàng nghìn gốc chè hoa vàng quý giá.

Nhìn dáng vẻ của ông chủ vườn chè, tôi có chút hoài nghi bởi thú thực Tuấn không giống “lão nông chi điền” cho lắm. Tôi tò mò, Tuấn chắc là “quản lý” vườn chè nhỉ?. Nghe tôi hỏi vậy, Tuấn cười hiền lành, giơ đôi bàn tay chai sạm của mình ra cho tôi nhìn rồi bảo: Vườn chè em tự làm hết đó. Chỉ thời điểm vào đóng bầu mới phải thêm nhân công hỗ trợ thôi.

Cho đến khi nhìn cách Tuấn chăm chút vườn chè giống thì chút hoài nghi trong tôi đã được xóa bỏ hoàn toàn.

Sinh năm 1994 tại xóm Khe Lánh, vùng đất giáp chân dãy núi Tam Đảo 4 mùa sương giăng lãng đãng, khí hậu mát mẻ. Tuấn từng sinh sống tại nước Nga 2 năm rồi làm việc tại một salon tóc tại Hà Nội 4 năm. Công việc tuy không vất vả, thu nhập khá song vốn yêu thiên nhiên và cây cỏ từ nhỏ, mong ước được “vui thú điền viên” ngày càng lớn trong tâm trí chàng trai trẻ Nguyễn Viết Tuấn. Gần 5 năm trước, Tuấn quyết định trở về quê nhà trồng cây ăn quả. Chẳng mấy chốc, khu vườn rộng 4 héc-ta đã được phủ kín bởi chuối, đu đủ, cam và chè. 

Thuần dưỡng “báu vật” của rừng - 2

Còn với chè hoa vàng, dù đã biết đến từ lâu, song đến tận khi anh quyết định trở về lập nghiệp tại quê nhà, thấy nhiều người dân địa phương thường lên dãy núi Tam Đảo tìm và đào về bán sang Trung Quốc anh mới đi sâu vào tìm hiểu. Anh thực sự lo khi biết không ít thương lái lạ rêu rao thông tin thu mua cả thân cây chè hoa vàng khiến nhiều người lên núi đào cả gốc chè mang về bán. Trước sự thu mua ráo riết và không giới hạn của các thương lái mang đi Trung Quốc, anh Tuấn mày mò để tìm nguyên do. 

Vừa tự tìm hiểu vừa học hỏi những người có kinh nghiệm, anh Tuấn được biết, chè hoa vàng không chỉ là giống chè quý hiếm, mà chè mọc ở dãy núi Tam Đảo còn có hàm lượng dược liệu cao hơn hẳn ở nhiều nơi khác. Hơn nữa, với tốc độ “tận diệt” các gốc chè hoa vàng để bán sang Trung Quốc như vậy chẳng bao lâu chè hoa vàng sẽ rơi vào nguy cơ tuyệt chủng. Dù biết sức mình nhỏ bé, song anh Tuấn vẫn mong muốn có thể góp phần bảo tồn  được giống chè quý này. Bởi vậy, hễ khi nào người dân địa phương lấy được chè hoa vàng về rao bán là anh lập tức thu mua với suy nghĩ ban đầu là không để thương lái Trung Quốc thu gom được hết giống cây quý ở quê mình. Thời gian đầu, làm thế nào để những cây chè hoa vàng thu mua về có thể sống khỏe mạnh là điều không dễ dàng gì với anh Tuấn. Bởi chè sống trên núi vốn ưa thời tiết mát mẻ, độ ẩm cao lại có dễ cọc. Nhưng khi người dân khai thác, chặt đứt rễ chính của cây, cộng với thời tiết ở vườn, đồi không phù hợp khiến tỷ lệ cây sống rất thấp. Đã có lúc anh tiêu tốn đến hàng trăm triệu đồng.

Thuần dưỡng “báu vật” của rừng - 3

Anh Tuấn không nhớ đã bao nhiêu đêm anh thức trắng ngồi cầm gốc chè giống nghiên cứu, ngẫm nghĩ cách đóng bầu, cắt tỉa cành, che nắng, thử nghiệm lượng nước tưới sao cho phù hợp đề thuần dưỡng được cây rừng. Tiếp đó anh mày mò tìm cách giâm cành để nhân giống chè hoa vàng. Bởi anh nghĩ, chỉ khi có thể nhân giống bằng cách ấy thì mới góp phần bảo vệ được cây quý không bị lén lút chặt phá.

Có thời điểm, vườn của anh Tuấn có đến 3.000 cây chè giống, song vì đa phần người dân địa phương chưa biết đến giá trị của lá và hoa chè hoa vàng nên nhu cầu trồng loại chè này rất ít. Thậm chí, nhiều người chỉ có nhu cầu mua vài ba cây về làm cảnh. Anh Tuấn mộc mạc: Khách hàng mua cây giống của vườn thường là những chủ trang trại lớn ở Vĩnh Phúc. Em trộm nghĩ, thôi thì trước mắt cứ làm sao bảo tồn và phát triển được giống cây quý này. Ở địa phương chưa nhiều người đánh giá đúng giá trị của giống chè này, đành cung ứng cho những người nhận diện được đúng giá trị của nó dù ở địa phương khác nhưng còn tốt hơn là nó bị bán sang bên kia biên giới.

Chỉ tay lên khu vườn sau nhà, Tuấn chia sẻ: Em dự định sẽ trồng chè hoa vàng vào khu đất này vừa để bảo tồn giống vừa lấy thành phẩm là lá và hoa chè. Mong ước của em là sau này cứ mùa Đông và mùa Xuân đến là những bông hoa chè màu vàng to, đẹp, cánh mịn như nhung sẽ nở quanh nhà. Ngày ngày sáng, tối được uống những ấm trà hoa vàng ruộm có nguồn gốc từ dãy núi Tam Đảo mờ sương kia sẽ thỏa trí biết bao…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kim Ngân - Mạnh Hùng (Báo Thái Nguyên)