TP.HCM những ngày giãn cách
Nhìn tổng thể, nhất là về đêm, thành phố vẫn rất đẹp, vẫn rất lộng lẫy như những gì vốn có của nó.
Đã gần 60 ngày trôi qua kể từ khi TP.HCM áp dụng từng bước các cấp độ phòng, chống dịch từ thấp đến cao. Những người bình thường như tôi cùng biết bao công dân của thành phố này chắc chắn đã có nhiều đêm không ngủ. Ngủ ngon, yên lòng sao được khi mỗi lần mở ti vi hay điện thoại xem thống kê, cập nhật những con số bệnh nhân COVID -19 cứ mỗi ngày một tăng, từ vài trăm lên đến 5 rồi 7 nghìn ca mỗi ngày (riêng TP.HCM luôn chiếm đa phần) và chưa ai thấy đỉnh nó đang ở đâu?
Đêm yên tĩnh ở TP.HCM. Ảnh: Hữu Long.
Cũng trong hơn 2 tháng qua, hàng ngàn cán bộ y tế đang phải ngày đêm âm thầm lo toan vất vả vì sinh mạng của những bệnh nhân nặng và “hàng núi” công việc mà khó ai có thể thay thế được họ. Mọi công việc khác người tham gia chỉ là trợ giúp vòng ngoài.
Có rất nhiều câu chuyện đời thường dù là những chuyện xem như rất nhỏ nhưng lại rất cảm động, rất vĩ đại, không thể nói hết bằng lời. Bác sĩ Nguyễn Thị T đã nhiều năm công tác tại 1 bệnh viện lớn ở thành phố, khi dịch bùng phát, ngay từ những ngày đầu chị được bổ sung vào đơn vị chống dịch tuyến đầu.
Cũng như hàng ngàn cán bộ y tế, gần 2 tháng qua họ đang phải ngày đêm âm thầm lo toan vất vả vì sinh mạng của những bệnh nhân nặng và “hàng núi” công việc mà khó ai có thể thay thế được họ. Mọi công việc khác người tham gia chỉ là trợ giúp vòng ngoài.
T tâm sự bằng những dòng tin nhắn về cho người thân khiến nhiều người không cầm lòng.
“Anh ạ, gần hai tháng qua em chưa có đêm nào được ngủ yên giấc. Làm việc quần quật cả ngày, trưa không dám nghỉ, tối đến vừa chợp mắt bệnh nhân lại réo, có người còn vô cớ quát tháo hờn trách. Có bệnh nhân nhập viện không kịp mang theo tiền, không kịp mang theo một số đồ dùng sinh hoạt cá nhân họ cũng gọi bác sĩ. Nhiều ngày qua em thèm nhất vẫn là rau xanh, cơm vẫn có nhưng chủ yếu là cơm hộp, nhiều hôm mải lo cho bệnh nhân, quá giờ cơm thiu, không nuốt nổi. Vì thế em vẫn chọn mỳ tôm làm bữa chính anh ạ. Mỳ tôm cũng không có sự lựa chọn đâu, chỉ cần dễ nuốt, ăn nhanh để còn có thời gian lo cho bệnh nhân đang rất cần sự chăm sóc…”
T cho biết, bệnh nhân nhập viện tăng lên mỗi ngày, nhân lực, thuốc men y tế bổ sung không kịp. Cứ đà này bọn em không biết có trụ vững thêm bao lâu nữa? Và lời nhắn lại của tôi cũng như người thân của T chỉ còn biết động viên qua tin nhắn. Cố lên em, cả nước, cả thành phố này đang trông chờ bọn em đó. Cố lên em nhé, rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi!
Còn với y tá Nguyễn Thị N, mới ngoài 30 tuổi, con còn nhỏ mới hơn 1 tuổi, em được phân công trực tại bệnh viện dã chiến tập trung tại quận 2. Em kể, ngày nào trong nhóm của em cũng có người bị ngất xỉu. Đồ bảo hộ không được phút ly thân trong giờ làm việc, chuyện vệ sinh cũng rất hạn chế. Mấy ngày qua N không dám xem ti vi, không dám cập nhật số ca nhiễm mới.
Nhiều lúc nhớ con bé quá, người thân nhắn tin, con nhỏ bị ốm, nhớ mẹ quấy không chịu ăn nhưng không dám gọi điện, tối nào em cũng lẻn vào góc nhà dành được khoảng vài phút mở máy gọi điện nựng con được mấy câu rồi âm thầm lau nước mắt một mình, tránh thổ lộ cho ai. Vâng anh biết rồi, cố lên em nhé.! – dòng tin nhắn dừng lại.
Mới đây thôi, hưởng ứng “Tâm thư” của Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và thư ngỏ của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đã có hơn 1.300 lượt người đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch.Trong đó, có gần 300 bác sĩ có trình độ Đại học, 200 dược sĩ và 700 người ở các ngành nghề khác. Những người tình nguyện ở độ tuổi từ dưới 20 đến trên 50, chủ yếu đang sinh sống trong khu vực nội thành TP.Hồ Chí Minh, một số ít là ở khu vực ngoại thành.
Quả là một tin vui không chỉ đối với người dân TP.Hồ Chí Minh mà còn là tin vui với người dân cả nước trong điều kiện các ca nhiễm Covid – 19 trên địa bàn vẫn ở mức cao và chưa có dầu hiệu giảm, nhu cầu nhân lực hỗ trợ cho ngành y tế tại các điểm phong tỏa cũng như tại các điểm điều trị bệnh nhân nặng đang rất rất cần trong lúc này.
Bắt đầu từ ngày 26/7, người dân TP.HCM không phép ra đường từ 18 giờ cho đến 6 sáng hôm sau khi không thật sự cần thiết, không có nhiệm vụ đặc biệt. Ngay lập tức, đường phố vắng tanh, ý thức chấp hành mệnh lệnh chỉ đạo về phòng, chống dịch của người dân thành phố gần như tuyệt đối. Ai không có điều kiện tham gia các hoạt động chống dịch thì chí ít cũng ở yên nhà mình, đây cũng được xem là hành động yêu nước, yêu thành phố.
Dưới ánh đèn, thành phố vẫn đẹp, vẫn lung linh huyền ảo, mọi thanh âm đều lắng lại. Hy vọng những tiếng còi hú, những âm thanh chát chúa, nhói lòng của những chuyến xe cứu thương sẽ giảm dần và kết thúc... để “Sài thành” trở lại với những âm thanh sôi động, náo nhiệt của cuộc sống sinh hoạt đời thường...
Trước khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, một cậu bạn kịp ghé ngang qua tặng tôi vài chậu cây với lời nhắn nhủ chờ...