Sắc xuân phía quê nhà
Tết năm nay, sẽ có những người không thể trở về quê nhà như tôi, nhưng có hề gì khi quê nhà vẫn luôn ở đây, ở trong chính tâm mình.
“Xuân đã về! Xuân đã về! Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông”
Tôi như cụm mây no gió, mang theo giai điệu ca khúc “Xuân đã về” của nhạc sĩ Minh Kỳ băng băng trên từng đỉnh cao của đại ngàn xanh. Rồi cụm mây sẽ mất hút giữa thung sâu, nơi tôi hình dung ra đang tím biếc những chuỗi bằng lăng nghiêng xuống dòng thác réo sôi sau mùa lũ.
Dòng suối tím biếc ấy cứ miệt mài trôi, khi réo rắt, khi lững lờ qua bao cánh rừng u trầm rồi bất ngờ hiện diện ngay trên sân thượng nhà tôi, nơi gốc đào Nhật Tân già cỗi vừa kịp tõe thêm mấy mầm chồi mởn non.
Cụ đào ấy đã ở trên sân thượng nhà tôi cả chục năm rồi. Ai mang cụ từ phương Bắc vào phương Nam nắng gió này? Tôi sẽ không bao giờ biết. Vì sau mùa Tết năm đó, tôi nhìn thấy cụ nằm lẫn trong rác rưởi người ta dồn đống sau Tết chờ dọp dẹp. Gốc cụ sần chai tuổi tác.
Vẫn biết đào Bắc không kết được hoa trong nắng gió phương Nam nhưng tôi vẫn rước cụ về chăm bẳm. Dẫu chưa năm nào ra hoa nhưng cụ cứ thế nẩy lộc đâm chồi hết lần này đến lần khác, cùng tôi nơi góc nhỏ sân thượng.
Ảnh minh họa
Cái góc nhỏ mà tôi đã biến thành “pháo đài” suốt bao đợt giãn cách để chống dịch Covid-19. Cũng nơi ấy, bao nhiêu ngày tết, ngày Xuân tôi ngồi nhớ quê nhà, nhớ cụ đào phai cạnh giếng nước trước sân nhà tôi tết năm nào cũng chi chít những nụ hồng phớt.
Tôi không rõ cụ đào phai ấy có tự bao giờ ở sân nhà tôi, chỉ biết gốc cụ lớn lắm, cũng sần sùi cổ tích.
Nội tôi vẫn ngồi dưới gốc đào ngày nối ngày cặm cụi vót những chiếc nan tre để đan thành thúng, mủng, dần, sàng. Chiến tranh, máy bay Mỹ rải bom, nhiều lần mảnh bom phạt ngang gốc, nhưng cụ vẫn sống, vẫn vươn cành mỗi độ xuân sang.
Ảnh minh họa
Có năm bão giật tơi bời, nhà sập, cây cũng sập. Thân cụ dập nát, cành ngọn tả tơi. Bão qua, cha tôi cắm cọc, níu từng cành một để dưỡng. Mỗi khi thấy một chồi non nhú lên, cha mừng suốt cả ngày.
Tết đến, cha chọn những cành đẹp nhất để biếu hai bên nội ngoại và đưa cho chúng tôi mang đi biếu thầy cô giáo. Dân buôn bán cây kiểng bao lần đến hỏi mua nguyên gốc, giá ngang cả con trâu, cha nhất quyết không bán, một cành cũng không bán.
****
“Dịch giã thế này e ở lại Sài Gòn chứ đừng về quê con ạ!”. Sát Tết, mẹ nhắn.
Năm ngoái, năm kia cũng thế, đã sẵn sàng gói ghém tất cả, háo hức đếm từng ngày để lên đường về quê. Nhưng cuối cùng phải hủy chuyến, vì dịch bệnh. Vậy là tròn 3 mùa Tết lỡ hẹn với quê nhà.
Ảnh minh họa
Cũng buồn đó nhưng không sao cả. Năm trước, cũng vì giãn cách, đi đâu cũng ngại tiếp xúc người lạ, rồi người từ vùng dịch... nên gia đình tôi quyết định đi dã ngoại.
Hóa ra thế mà hay. Cả nhà lên xe. Tăng võng, lều bạt, bánh trái, thực phẩm, bếp ga mini, đàn ghi ta... cứ thế lên đường. Chúng tôi chọn đi theo Quốc lộ 14 hướng lên Tây Nguyên để xem núi rừng, ra đến miền Trung thì quay vào bằng Quốc lộ 1 để ngắm biển. Đói thì dừng nghỉ, nấu ăn. Tối thấy đâu khung cảnh đẹp, an toàn thì cắm trại.
Sau bao ngày ức chế “ai ở đâu ở yên đó”, nay được thả mình trong không gian bát ngát của núi rừng, mênh mông của biển vắng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận được những điều thú vị khi đứng trên đèo Lò Xo lộng gió, lia ống kính máy ảnh vào từng bước chân của đám trẻ vùng cao hồn nhiên rượt đuổi nhau trong những trò chơi tết dân dã.
Ảnh minh họa
Những rừng thông bạt ngàn, những bản làng cheo leo trên sườn núi, những thác nước như dải lụa mềm huyền ảo níu chân chúng tôi. Chuyến dã ngoại về với thiên nhiên mang lại rất nhiều điều thú vị, nhất là khi sắc xuân bừng lên trên mỗi nhành cây ngọn cỏ, trong từng sợi nắng lung linh ẩn hiện sau những điệp trùng.
Đi để sẽ thấy yêu thêm đất nước mình, để thấy nơi đâu trên dải đất hình chữ S này cũng là quê hương xứ sở…
Vẫn lối viết rất... Phọt Phẹt, Lê Hồng Tuân bày một cái Tết rất Việt trong một hành văn rất lãng tử kiểu... Tây....