Những người chọn bình thường hóa kỳ nghỉ lễ
Hãy tận hưởng kỳ nghỉ theo cách mà bạn muốn!
Bạn có công nhận thế này không: Trước bất kỳ một sự kiện nào đó, thế giới sẽ tự động chia ra chúng ta làm 2 nhóm người.
Như trong kỳ nghỉ lễ dài ngày đang diễn ra, sẽ có những người rộn ràng như kiểu hôm nay đã là ngày cuối cùng của năm, tất bật di chuyển để sum họp với gia đình, lên kế hoạch hít thở bầu không khí ở một vùng đất lạ. Nói chung là tranh thủ từng giây phút để sống khác cuộc sống vốn là một vòng lặp thường ngày.
Nhưng ở phía bên kia, ai đó đang không có chút động thái rõ ràng nào của việc tận hưởng kỳ nghỉ. Họ không lên kế hoạch đi chơi, không muốn làm những việc khác với thói quen sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí quên mất rằng mình đang nghỉ lễ! Chúng ta có thể gọi họ là: Những người chọn bình thường hóa kỳ nghỉ.
Đi lòng vòng, ngắm phố xá cũng thấy đủ vui
Có thể nói những ngày này là khoảng thời gian dễ chịu nhất ở các thành phố lớn. Bởi một phần lớn mọi người đã tham gia 2 phim "bom tấn" là "Về Quê" và "Đi Du Lịch". Không khí thoáng đãng hơn chính là món quà dành cho những người không đi đâu cả, cứ ở lại trong thành phố thế thôi.
Với nhiều người, hạnh phúc trong kỳ nghỉ lễ chính là có thời gian dành cho bản thân, đi hẹn hò với bạn bè, uống cốc cafe rồi về ngủ tới tận đâu thì… tới. Ngồi im và tận hưởng những ngày nghỉ đơn giản nhất có thể là một loại cảm giác thú vị mà những người ưa hoạt động, thích xê dịch khó chạm đến.
(Ảnh: Minh Nhân)
"Mình sẽ đi loanh quanh nội thành, dành thời gian cho bản thân, gia đình và hẹn cà phê với một vài người bạn. Tranh thủ dịp này mình muốn nhìn ngó xem Hà Nội dạo này có gì mới không. Thế nên nghỉ lễ cũng như cuối tuần được gấp đôi lên mà thôi.
Mình không đi du lịch vì 2 lý do. Một là vì công việc, mình không phải lên văn phòng nhưng thỉnh thoảng vẫn có vấn đề cần giải quyết. Mình khá sợ cảm giác chuẩn bị xong xuôi cho kỳ nghỉ rồi lại phải bỏ ngang vì phải đột ngột đi xử lý công việc. Hai là tầm này quá nhiều người đi du lịch, phí dịch vụ có thể tăng chóng mặt. Ba là đông người quá thì sợ lắm, mình hơi hướng nội nên ở nhà bật điều hòa cho mát", Minh Hoàng (28 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội) nói.
Minh Hoàng (Ảnh: NVCC)
Minh Thư (25 tuổi, phóng viên thể thao, Thái Bình) cũng ở lại Hà Nội trong dịp 2/9 này, phần vì công việc và phần vì thích lượn lờ phố xá những ngày này: "Kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay được nghỉ khá dài nên mọi người sẽ về quê nhiều, Hà Nội vì thế mà thưa người hơn. Thế nên mình đã lên lăng Bác dự lễ thượng cờ vào sáng 1/9 rồi vi vu lên phố ăn sáng, uống cà phê".
Minh Thư (Ảnh: NVCC)
Sợ gặp mặt họ hàng, lại bị giục lấy chồng
Một lý do để người ta chọn kỳ nghỉ lễ yên ả ở thành phố thay vì về quê là nỗi e ngại gặp mặt họ hàng. Giữa câu chuyện tầm phào với bạn bè và câu hỏi "bao giờ lấy chồng/ vợ" từ người thân cả năm gặp vài lần, họ chọn vế đầu tiên.
Trường hợp của Thanh Huyền (27 tuổi, nhân viên văn phòng) là ví dụ. Quê cách Hà Nội 250km và đã 5 tháng chưa về nhà nhưng cô vẫn chọn không về quê dịp 2/9 này vì:
"Kinh nghiệm 'xương máu' của mình là đi đâu cũng được nhưng đừng đi về quê trong dịp nghỉ lễ. Đây là thời gian mà mọi người về quê rất nhiều và đề tài mình phải nghe nhiều nhất chuyện yêu đương, chồng con.
Ngay cả khi gặp gỡ bạn bè hay liên hoan lớp thì ở tuổi mình, mọi người cũng chỉ xoay quanh bỉm sữa, con cái. Bố mẹ mình cũng càm ràm nhiều nên áp lực trong lẫn ngoài như vậy khiến mình thấy hơi phiền và chọn không về".
(Ảnh: Minh Nhân)
Cứ nghĩ đến cơm áo gạo tiền là chẳng muốn nghỉ nữa
Ngoài việc lượn lờ phố xá, rất nhiều người cũng chọn đi làm, thực sự biến ngày nghỉ thành ngày thường.
Có nhiều lý do cho quyết định này. Có người hướng đến mục tiêu là tiền lương tăng 300% hay tiền thưởng rủng rỉnh. Có người vì đặc thù công việc như làm ngành dịch vụ, sự kiện... nên không thể nghỉ. Tuy nhiên, đối với họ, không nghỉ lễ cũng chẳng sao vì công việc đối với họ mà nói như một giải chạy bền. Để cán đích, họ đã học được cách phân bổ giữa thời gian nghỉ ngơi và "chạy" việc hợp lý, bởi thế không cần nghỉ xả hơi giữa chặng làm gì.
Là hướng dẫn viên du lịch nên luôn bận tối tăm mặt mũi vào dịp lễ, Phạm Anh (25 tuổi, Hải Dương) nói: "Với người trưởng thành, ngày lễ không giống như khi còn đi học. Lúc đi học thì mong đến ngày nghỉ để được nghỉ học và đi chơi, nhưng đi làm thì ngày lễ đôi khi là 'chiến lợi phẩm' cần gắng sức mà giành giật ấy chứ".
Phạm Anh (Ảnh: NVCC)
Mình Hoàng cũng đồng tình với chuyện càng trưởng thành, ngày lễ càng bình thường: "Mình thấy khi trưởng thành người ta phải lo toan cơm áo gạo tiền, kiếm kế sinh nhai nên cũng không quá quan tâm đến chuyện nghỉ lễ. Mà nghỉ lễ bây giờ cũng khác. Ngày trước mọi người có ít sự lựa chọn giải trí hơn còn bây giờ cuộc sống hiện đại, có nhiều thứ hấp dẫn và thu hút hơn mỗi ngày. Cuộc sống thay đổi nên nhận thức thay đổi thôi".
Huy Hiệu (22 tuổi, làm việc tại công ty điện tử, Hải Phòng) đi làm 2 trong 4 ngày nghỉ lễ tâm sự: "Bây giờ, khi kinh tế ngày càng ổn định, người trẻ có thể muốn nghỉ ngơi vui chơi với bạn bè lúc nào cũng được, muốn đi du lịch thì sẵn sàng bỏ tiền để đi, không nhất thiết phải đợi đến dịp lễ. Thế nên, với người trẻ như mình thì ngày lễ không có gì đặc biệt thật".
Huy Hiệu (Ảnh: NVCC)
Chẳng có khuôn mẫu nào để tạo ra một kỳ nghỉ lễ hoàn hảo. Người đi chơi có cái vui của người đi chơi, người ở nhà ngủ nướng tới trưa rồi đi cafe cũng có cái thú của riêng họ. Và nếu bạn đang làm việc cật lực trong kỳ nghỉ này để "cá kiếm" ít tiền phục vụ cho mục đích nào đó của mình thì… cũng tốt thôi. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bạn luôn thấy mình đang tận hưởng hết mình từng phút giây chứ không phải vật vờ cho qua kỳ nghỉ lễ!