Làn sóng trí tuệ nhân tạo trong xu hướng báo chí - truyền thông
Báo chí dữ liệu có vị trí trung tâm và vai trò cốt lõi trong tiến trình phát triển báo chí số trên thế giới và Việt Nam, là giải pháp mạnh để thực thi chiến lược nội dung vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ quan báo chí.
Đó là nhận định của PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng tại Phiên thảo luận: "Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội".
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam tại Hội Báo toàn quốc 2024 chiều ngày 15/3/2024.
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh) về xu hướng báo chí - truyền thông năm 2024, có 3 vấn đề đang tác động đến báo chí truyền thông: Thứ nhất, nhiều loại thiết bị mới ra đời; Thứ hai, các nền tảng số, mạng xã hội chuyên biệt về sáng tạo âm thanh và video phát triển bùng nổ; Thứ ba, làn sóng trí tuệ nhân tạo.
Trong phần phát biểu khai màn Phiên thảo luận, Giám đốc khu vực Châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới Kah Whye Lee nêu rõ, số lượng toà soạn trong quá trình chuyển đổi số sâu và rộng có xu hướng tăng.
Ưu tiên số một của các toà soạn hiện nay là sẽ đầu tư vào AI, kế đến là phân tích dữ liệu, thông tin chuyên sâu, thứ 3 là tập trung vào video.
"Mặc dù AI là đầu tư lớn nhất, nhưng các toà soạn đều chưa có lộ trình cụ thể. Thật ngạc nhiên khi phần lớn các toà soạn nói rằng họ chưa sử dụng AI như Chat GPT…", ông Lee bày tỏ.
Lý giải điều này, ông Lee cho rằng, việc chần chừ này do họ không chắc chắn về độ chính xác và chính sách quản lý vẫn chưa rõ ràng. Khoảng 80% toà soạn lo ngại về AI và coi đây là mối nguy cơ của mình.
Đáng lo ngại nhất là dùng nội dung của toà soạn nhưng không trả tiền, thứ hai là độc giả sẽ đọc nội dung của AI chứ không đọc trên báo chí nữa, thứ 3 là lo ngại về tin giả.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Phiên thảo luận.
Cùng quan điểm trên, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam - PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, vài năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mạng xã hội và gần đây là Trí tuệ nhân tạo (AI) đã tác động đến hành vi người dùng Internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại.
Theo đó tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí đang thúc đẩy chiến lược nội dung đa phương tiện, kết hợp báo chí dữ liệu với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo; một số cơ quan báo chí tập trung vào chiến lược nội dung chuyên sâu vào các thị trường ngách.
Một số tòa soạn gọi sự thay đổi này là “giai đoạn thứ hai” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược nội dung khác biệt, vượt trội để giữ chân công chúng.
Bà Hằng nhấn mạnh, báo chí dữ liệu là hướng đi không thể tách rời dòng chảy báo chí Việt Nam; để phát triển bền vững, các cơ quan báo chí cần chủ động nghiên cứu, tìm kiếm cho riêng mình mô hình báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội thì cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới báo chí số.
Toàn cảnh Phiên thảo luận Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội chiều ngày 15/3/2024.
Dẫn chứng việc chú trọng đến chiến lược phát triển nội dung vượt trội, trong đó tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ, Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử Báo Nhân Dân cho biết, tòa soạn đã triển khai các mô hình toà soạn số, áp dụng công cũ theo dõi hành vi bạn đọc trên trang chủ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)...
Bên cạnh đó, báo Nhân Dân cũng đẩy mạnh phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ, điển hình như chuyên mục Tri thức chuyên sâu với slogan: Mọi câu hỏi đều có lời giải. Đây là chuyên mục đầu tiên, khác biệt so với tất cả các chuyên mục khác trên các báo ở Việt Nam.
Ông Việt Anh tổng kết một số kinh nghiệm của Báo Nhân Dân trong việc phát triển chiến lược nội dung vượt trội và báo chí dữ liệu.
Theo đó, về nhân sự, cần thay đổi tư duy lãnh đạo và nhân viên theo hướng digital-first; đồng thời vận hành toà soạn theo hướng mở, tương tác; chú trọng đào tạo nhân sự đa phương tiện, đa nền tảng và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo.
Về công nghệ, cần phát triển mô hình toà soạn báo chí công nghệ, tăng cường đầu tư trang thiết bị, kỹ sư công nghệ; đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Về tài chính, các cơ quan báo chí cần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách; đồng thời đa dạng nguồn thu từ quảng cáo nội dung, tổ chức sự kiện để tái đầu tư.
AI thách thức báo chí
Trình bày tham luận trong phiên khai mạc Diễn đàn Báo chí Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, hiện nay, báo chí đang đứng trước những thách thức cũng như cơ hội lớn.
Đó là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo AI đang góp phần cải thiện công việc của nhà báo nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nội dung, gây ảnh hưởng đến lượt tiếp cận mỗi tờ báo.
Hiện nay, báo chí thế giới cũng phải đối mặt với vấn nạn tin giả, nhiều đối tượng đã sử dụng AI để bóp méo hình ảnh, gây ra hậu quả nghiêm trọng.