Hầu hết công ty du lịch lớn thế giới đều thực hành ESG, Việt Nam thì sao?
Việc thực hành ESG tốt sẽ là hành trang vững chắc, công cụ marketing tốt cho doanh nghiệp trong tiếp cận khách du lịch.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng song song với tốc độ phát triển nhanh chóng, ngành du lịch cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và xã hội.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, ngành du lịch đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và xã hội. Việc áp dụng các yếu tố ESG (Môi trường – Environmental, Xã hội – Social, Quản trị – Governance) vào chiến lược phát triển du lịch sẽ giúp Việt Nam khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của mình, đồng thời bảo vệ và phát triển bền vững các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hoá.
Ngày 6/9, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), đã diễn ra Hội thảo “Định hướng thúc đẩy phát triển Du lịch bền vững qua ESG” do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Oxalis tổ chức. Hội thảo là một trong những sự kiện nổi bật của Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2024 (ITE HCMC 2024), thu hút đông đảo diễn giả và đại biểu tham dự.
“Cánh cửa” cho sự phát triển của ngành du lịch trong tương lai
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng song song với tốc độ phát triển nhanh chóng, ngành du lịch cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và xã hội. Đặc biệt sau dịch Covid-19, tâm lý và hành vi tiêu dùng của khách du lịch càng chú trọng đến các tiêu chí về môi trường và xã hội trong việc lựa chọn điểm đến.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định phát triển du lịch với định hướng bền vững, bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong hành trình hướng đến phát triển bền vững và toàn diện, việc tích hợp các nguyên tắc, khung quản trị rủi ro như ESG vào chiến lược cũng như mục tiêu được xem là “cánh cửa” cho sự phát triển của ngành du lịch trong tương lai.
Đặc biệt, với xu hướng du quốc tế ngày càng chú trọng đến các tiêu chí về môi trường và xã hội trong việc lựa chọn điểm đến, việc các tổ chức, doanh nghiệp du lịch Việt Nam thực hiện các cam kết về ESG sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút du khách và góp phần phát triển du lịch tại điểm đến một cách bền vững.
Chia sẻ về tầm quan trọng của Phát triển bền vững ESG trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Nam – Phó Tổng Giám đốc - Lãnh đạo ESG PWC Việt Nam nhấn mạnh, thông qua việc áp dụng các nguyên tắc ESG trong du lịch, các doanh nghiệp có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng. Đồng thời tạo ra các giá trị xã hội tích cực như tăng cường cuộc sống cộng đồng địa phương, bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên, và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
Về ứng dụng tiêu chí Môi trường (Environmental) của ESG, bà Nguyễn Hà Dung – Phó Tổng Giám đốc Oxalis chỉ ra điều này sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc giảm lượng khí thải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Trong khi đó ở trụ cột Xã hội (Social), ông Inthy Deuansavanh - Founder & CEO Inthira Group - Laos cho rằng ứng dụng tiêu chí ESG sẽ giúp đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng địa phương thông qua việc tạo công ăn việc làm, bảo tồn các giá trị văn hóa và truyền thống, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách.
Cuối cùng, yếu tố Quản trị (Governance) giúp tăng cường tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, đảm bảo các quyết định kinh doanh không chỉ dựa trên lợi ích ngắn hạn mà còn hướng đến sự bền vững lâu dài, ông Đàm Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng Quản trị Ngân Hàng ACB chia sẻ.
ESG là xu thế tất yếu
Thông qua 2 phiên thảo luận, Hội thảo đã tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về du lịch bền vững, tăng cường sự hiểu biết toàn diện về phát triển du lịch bền vững thông qua ESG. Tại hội thảo, các diễn giả cũng đã thảo luận về các cách thức triển khai ESG hiệu quả vào hoạt động của doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm thực hành ESG của doanh nghiệp, những lợi ích, thách thức mà các doanh nghiệp có thể gặp phải khi thực hành ESG.
Những chủ đề được thảo luận trong suốt hội thảo đã giúp doanh nghiệp xác định việc thực hành ESG là xu thế tất yếu của thế giới và cả Việt Nam.
Hiện nay, hầu hết các hãng du lịch lớn của thế giới đều yêu cầu thực hành ESG tại các nhà cung ứng/tour operator của họ ở nước ngoài nhằm duy trì và phát triển quan hệ đối tác. Việc thực hành ESG tốt sẽ là hành trang vững chắc, và công cụ marketing tốt cho doanh nghiệp trong tiếp cận khách du lịch riêng lẻ và khách đoàn hay khách doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có thể bắt đầu thực hành ESG bằng việc quản trị tốt. Việc quản trị doanh nghiệp tốt sẽ phòng tránh được các rủi ro pháp lý và tăng cường hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận. Việc này mỗi doanh nghiệp có thể tự đặt ra mục tiêu hành động mà không cần có sự tác động nào từ bên ngoài.
Kế đến thực hành các yếu tố môi trường, căn cứ vào hoạt động của công ty để có đánh giá, kiểm kê khí nhà kính, xả thải và rác thải để doanh nghiệp tự đặt ra mục tiêu cải thiện.
Cuối cùng là thực hành các yếu tố cộng đồng, tùy theo phạm vi kinh doanh và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng để doanh nghiệp tự đưa ra mục tiêu và giải pháp của mình.
Du khách quốc tế đến Phan Thiết du lịch.
Với những chia sẻ, đóng góp tích cực của đông đảo diễn giả, đại biểu, Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững thông qua ESG” không chỉ là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau tìm ra những giải pháp mới cho ngành du lịch mà còn là bước đi quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín của ngành du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.