Tạp chí Du lịch TP.HCM đồng hành cùng ngành du lịch hướng tới mục tiêu Net Zero
Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi sang du lịch Net Zero, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển.
Du lịch Net Zero giờ đây không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành một chiến lược cấp thiết để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc giảm thiểu lượng khí thải nhà kính từ các hoạt động du lịch không chỉ góp phần vào mục tiêu chung của toàn cầu mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội.
Theo tạp chí khoa học Nature Climate Change, lượng khí thải carbon trong du lịch dự báo có thể đạt 6,5 tỷ tấn vào năm 2025, chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Tại Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu ngành du lịch đạt 436 nghìn tỷ đồng, đóng góp một phần lớn vào tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ (ngành kinh tế lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 42,54% tổng sản phẩm trong nước năm 2023). Nhưng hoạt động du lịch đã vượt qua khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và suy thoái môi trường.
Thực hành du lịch Net Zero còn trở thành tiêu chí quan trọng của một công dân toàn cầu thời đại mới. Nhiều du khách quốc tế đã có yêu cầu sử dụng dịch vụ Net Zero trong các kỳ nghỉ để lấy chứng chỉ giảm thải carbon trong những chuyến công tác hoặc du lịch để được giảm thuế khi về nước. Vì vậy, du lịch Việt Nam không thể nằm ngoài tiến trình tiến tới Net Zero trong cam kết chung của chính phủ.
Việt Nam, với cam kết đạt mức phát thải net zero vào năm 2050, đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Từ việc bắt buộc kiểm kê khí nhà kính đối với các doanh nghiệp lớn đến việc phát triển thị trường tín chỉ carbon và cam kết chấm dứt nạn phá rừng, Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu này. Những nỗ lực này không chỉ thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà còn tạo điều kiện để ngành du lịch phát triển bền vững.
Hội thảo CƠ SỞ DỮ LIỆU VÀ TIÊU CHÍ THỰC HÀNH DU LỊCH NET ZERO được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM lần thứ 18, với sự tham gia của các chuyên gia đa lĩnh vực quan tâm đến phát triển du lịch, nhằm tìm được sự tham vấn về hành lang pháp lý thực hành triển khai du lịch Net Zero.
Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng biên tập Tạp chí Du lịch TP.HCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch Net Zero trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai các cam kết về giảm phát thải.
Một số doanh nghiệp và địa phương đã bắt đầu áp dụng các thực hành du lịch bền vững, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai trên diện rộng. Theo bà Hà, việc xây dựng một hệ sinh thái du lịch Net Zero đòi hỏi sự chung tay của các bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp đến du khách.
Tại TP.HCM, một trong những trung tâm du lịch lớn nhất Việt Nam, việc thúc đẩy du lịch Net Zero càng trở nên cấp thiết. Tạp chí Du lịch TP.HCM, với vai trò là cầu nối giữa các bên, đang tích cực tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hành du lịch bền vững.
Hội thảo hôm nay là một minh chứng cho thấy sự quan tâm của cộng đồng đối với vấn đề này. Thông qua việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các tiêu chí chung, chúng ta cùng hướng tới mục tiêu xây dựng một ngành du lịch Việt Nam xanh, sạch và bền vững.
Trong bài tham luận của mình, TS Nguyễn Thanh Hoà, đại diện Sở TTTT - TP.HCM nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ số trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế Net Zero. Các ứng dụng của công nghệ số bao gồm thiết kế và tối ưu hóa công nghệ hấp thụ carbon, quản lý dữ liệu bền vững, giám sát khí nhà kính và tối ưu hóa hệ thống năng lượng sạch.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hoà, đại diện Sở TTTT - TP.HCM.
Công nghệ số với khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu, phân tích nhanh và mô phỏng các kịch bản giúp tối ưu hóa quy trình, quản lý nguồn lực hiệu quả, từ đó giảm thiểu khí thải. Nhờ đó, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế Net Zero trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Dữ liệu số cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thúc đẩy du lịch bền vững. Việc phân tích và ứng dụng dữ liệu cho phép tối ưu hóa lộ trình, giảm tiêu thụ nhiên liệu, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng và các hình thức di chuyển xanh.
Các ứng dụng di động giúp người dùng theo dõi lượng khí thải trong hành trình và lựa chọn phương án di chuyển hợp lý hơn. Việc tích hợp tùy chọn bù đắp carbon vào hệ thống đặt vé trực tuyến cũng giúp du khách dễ dàng giảm thiểu tác động môi trường.
Bà Trần Hương Giang - Giám đốc chuyên môn Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt
Trong khi đó, theo bà Trần Hương Giang - chuyên gia về vấn đề môi trường và tài chính xanh, cho rằng trong khi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vẫn chưa xong giai đoạn chuyển đổi số thì chuyển đổi xanh đã tới. Việc chuyển đổi sang phát triển xanh đang là thách thức lớn cho nhiều doanh nghiệp.
"Ngành du lịch Việt Nam với các hoạt động nhỏ lẻ và tính liên kết thấp, khó xác định dấu chân carbon, nguồn phát thải và kiểm kê khí nhà kính. Nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế cùng với đó là việc quản lý theo ngành chứ chưa theo chuỗi giá trị và cụm ngành gây khó khăn cho việc xác định và đánh giá phát thải", bà Hương Giang cho biết thêm.
Chia sẻ cách làm thực tế tại khu du lịch Làng Nhỏ, tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Mạnh Bình San - chủ khu lịch này cho biết, xe điện, xe đạp, bè tre là phương tiện di chuyển chính trong làng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng của tự nhiên. Gió và Mặt Trời là hai nguồn năng lượng thay thế được đơn vị tận dụng để tạo ra điện. Mỗi tháng Làng Nhỏ tiết kiệm đươc khoảng 25 triệu đồng nhờ sử dụng nguồn điện tái tạo. Hệ thống lưu trú tại đây được xây dưới tán cây rừng nên nhìn từ trên cao, du khách có cảm giác gần như không có hoạt động chặt phá cây.
Từ kinh nghiệm thực tiễn tại Vương Quốc Anh, Ts Daisy Gayathri - Khoa Quản lý Du lịch và Khách sạn - ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng điều quan trọng nhất khi thực hiện hành trình phát thải ròng bằng 0 là cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. " Vương quốc Anh đã tham gia tuyên bố Glasgow về Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong du lịch, hội nghị COP 26, 11/2021. Theo đó, 183 doanh nghiệp tại Anh đã cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể, trước năm 2050", bà Daisy cho biết.
Cũng tại hội thảo, cuộc thảo luận với chủ đề: SÁNG KIẾN CHO DU LỊCH NET ZERO TẠI TP.HCM cũng được ban tổ chức đặt ra để các chuyên gia, các nhà phát triển du lịch cùng nhau đóng góp ý kiến, nhằm góp phần tìm ra hướng đi đúng cho ngành du lịch của thành phố - đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ du khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam.