Du lịch Quảng Bình xây dựng sản phẩm độc đáo để thoát tính mùa vụ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngành du lịch Quảng Bình cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới, đẩy mạnh quảng bá cho các thị trường mục tiêu để thu hút khách đến đến cả năm theo từng nhóm sản phẩm.

Xem thêm các kỳ:

Tìm hướng đi mới phù hợp kèm những giải pháp căn cơ để dần thoát tính mùa vụ là trăn trở lâu nay của tỉnh và ngành du lịch Quảng Bình. Trong bài cuối của chuyên đề, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Quý - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình về vấn đề này.

Ông nhận định về tính mùa vụ trong du lịch ở Quảng Bình như thế nào?

Thời vụ trong du lịch là quy luật có tính phổ biến ở tất cả các nước và các vùng có hoạt động du lịch và một trong những nguyên nhân quyết định là điều kiện khí hậu. Quảng Bình là tỉnh có điều kiện thời tiết bất lợi cho du lịch từ cuối tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, do chịu ảnh hưởng của mưa bão và không khí lạnh mùa đông trong khoảng 2-3 tháng/năm.

Du lịch Quảng Bình xây dựng sản phẩm độc đáo để thoát tính mùa vụ - 1

Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình

Du lịch trên địa bàn tỉnh cũng mới phát triển hơn 10 năm trở lại đây, phải chịu nhiều tác động bất lợi bởi thời tiết, sự cố môi trường biển, đại dịch COVID-19… Lượng khách đến tỉnh chủ yếu là từ nội địa, chiếm 93-95% tổng lượng khách hằng năm (khách quốc tế chiếm tỷ trọng chỉ 5-7%). Do đó, mùa du lịch đông đúc tại Quảng Bình thường là từ dịp 30/4-2/9, cao điểm từ tháng 6-8, là mùa nghỉ hè và đi du lịch của du khách nội địa. Khách quốc tế đến tỉnh chủ yếu từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm, phần lớn tại Phong Nha - Kẻ Bàng, nhưng chỉ mới đón được số lượng hạn chế.

Du lịch của tỉnh chịu ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Sự tác động của thời vụ đối với du lịch Quảng Bình trong thời gian qua là khá rõ rệt. Thời gian hoạt động chủ yếu trong năm chỉ tập trung vào mùa hè và các dịp lễ lớn, do đó lúc cao điểm thì áp lực lên chất lượng dịch vụ là rất cao, trong khi thời gian còn lại thì lượng khách giảm nhiều…

Thời gian hoạt động của nhiều tour, điểm bị gián đoạn, thậm chí dừng hẳn. Số lượng du khách giảm nhiều đương nhiên dẫn đến hệ quả là doanh thu của ngành bị sụt giảm mạnh. Từ đó, ảnh hưởng đến việc duy trì và đảm bảo số lượng, chất lượng nhân lực cho mùa sau, chất lượng dịch vụ cũng sẽ bị giảm.

Du lịch Quảng Bình xây dựng sản phẩm độc đáo để thoát tính mùa vụ - 2

Hàng quán ven biển Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, đóng cửa vào mùa đông

Phần lớn cơ sở vật chất bỏ phí hàng tháng ròng, không sử dụng sẽ bị hư hỏng, hằng năm phải đầu tư sửa chữa lại để đón khách mùa sau. Yếu tố mùa vụ ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư cho các dự án vui chơi, giải trí quy mô lớn...

Trước thực tế đó, ngành đã có hướng đi và quyết sách gì?

Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030 xác định tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Phong Nha - Kẻ Bàng thành khu du lịch quốc gia và thành phố Đồng Hới là một trong hai trung tâm động lực tăng trưởng. Du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp, liên vùng nên định hướng này là điều kiện quan trọng để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các đơn vị, địa phương tập trung tạo lập chuỗi dịch vụ du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch thích ứng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường khách du lịch bao gồm cả khách du lịch nội địa và quốc tế.

Du lịch Quảng Bình xây dựng sản phẩm độc đáo để thoát tính mùa vụ - 3

Nhà hàng, quán ăn ven biển dọn dẹp đồ đạc để “nghỉ đông”

Chúng tôi cũng đã tham mưu tỉnh bố trí vốn đầu tư công và huy động các nguồn lực đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại. Cụ thể, đang xây dựng đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; phối hợp đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc - Nam, xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ Cảng hàng không Đồng Hới; mở đường du lịch Đồng Hới đi Phong Nha, nâng cấp cảng biển tổng hợp quốc tế Hòn La, mở hệ thống giao thông đường bộ, đường sông kết nối các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các nhà đầu tư, đơn vị kinh doanh đầu tư đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách và thích ứng với điều kiện thời tiết khác nhau.

Mới đây, Khu nghỉ dưỡng mùa đông suối nước nóng Bang, phố đi bộ và phố đêm tại Khu đô thị Bảo Ninh 1 (Regal Legend City) đã đi vào hoạt động, các sản phẩm du lịch trải nghiệm mùa mưa lụt, mùa lạnh, trải nghiệm thiên nhiên, các sản phẩm du lịch thể thao… cũng đã được triển khai.

Đối với doanh nghiệp và người dân làm du lịch, tỉnh có những chính sách nào để hỗ trợ cho họ?

Ngành du lịch đã và đang đồng hành cùng với doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động quảng bá với nội dung đa dạng, chuyên biệt cho các thị trường mục tiêu để thu hút khách đến đến cả năm theo từng nhóm sản phẩm. Quảng bá mọi điểm đến gắn với sản phẩm thích ứng thời tiết và hướng đến các thị trường khách quốc tế, thị trường ngách với các sản phẩm du lịch đặc thù ngoài mùa cao điểm.

Du lịch Quảng Bình xây dựng sản phẩm độc đáo để thoát tính mùa vụ - 4

Khu du lịch cao cấp Bang Onsen Spa & Resort 

Cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển mô hình làng văn hóa du lịch, làng du lịch nông thôn, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc và miền núi làm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp…

Tỉnh cũng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch. Cụ thể là đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giảm miễn tiền thuế đất, đào tạo nhân lực, tiếp cận mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số... Tập trung cho doanh nghiệp, người dân tạo nhiều hàng hóa, sản phẩm và thị trường khách trong nước và quốc tế, để có lượng khách đến trong cả năm phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết. Từ đó giảm dần thời gian thấp điểm, từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi với Tạp chí Du lịch TP.HCM!

Tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp và người làm du lịch

Với quan điểm, định hướng để ngành du lịch Quảng Bình phục hồi nhanh - phát triển mạnh và bền vững, tỉnh luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp, trong đó có việc phát triển và lan tỏa văn hóa du lịch của từng cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền, từng người lao động trong các doanh nghiệp và người dân để tạo ra hình ảnh đẹp cho du lịch của tỉnh. Hỗ trợ cao nhất để đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của du lịch Quảng Bình trong bối cảnh còn chi phối của thời tiết mùa vụ.

Đưa du lịch phát triển trong sự liên kết chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế-xã hội tỉnh nhà, từng bước hình thành các mô hình chuỗi giá trị du lịch. Chính quyền cùng các doanh nghiệp, người dân làm du lịch chuyển đổi số để thích ứng với các công nghệ mới, sản phẩm mới và thị trường mới. Ủng hộ tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch…

Tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao… để thu hút du khách. Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cũng tiếp nhận, tham mưu lãnh đạo tỉnh giải quyết và hỗ trợ nhanh nhất mọi thủ tục, chính sách cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình

Xem thêm các kỳ:

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lam Giang

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!