Vào giữa tháng 9, khi những trận mưa mở đầu mùa mưa lạnh đổ xuống, cũng là lúc khép lại “vụ mùa” du lịch 2023 của Quảng Bình.
LTS: Bao năm qua du lịch Quảng Bình vẫn mang tính mùa vụ nặng nề, thời gian hoạt động ít khiến doanh thu ảnh hưởng lớn. Vì vậy, Quảng Bình quyết phá tính mùa vụ để có lượng khách đến quanh năm, hướng đến mục tiêu gần là đón 7-8 triệu lượt khách năm 2025, trong đó khách quốc tế chiếm 10-20%, tỉ lệ đóng góp 10-12% GRDP cho tỉnh. Tạp chí Du lịch TP.HCM xin gửi đến quý độc giả loạt 5 bài viết trong chuyên đề “Quảng Bình quyết phá vỡ tính mùa vụ để du lịch phát triển bền vững”.
Tính mùa vụ của du lịch Quảng Bình thể hiện rõ: gần 9 tháng đầu năm 2023 đã đón 2,9 triệu lượt khách (có hơn 100.000 lượt khách nước ngoài)/mục tiêu 3-3,5 triệu lượt của năm 2023. Nếu phá được tính mùa vụ, Quảng Bình có thêm 5 tháng hoạt động và có thể đón 1,5-2 triệu lượt khách nữa…
Làm nửa năm tiêu cả năm
Thời tiết là lực cản lớn làm giảm thời gian hoạt động và phục vụ, tạo ra tính mùa vụ cho du lịch Quảng Bình. Mỗi năm mùa du lịch của tỉnh bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 9, các cơ sở lưu trú ở TP Đồng Hới và Phong Nha không còn chỗ trống. Có năm nhiều đoàn khách phải tìm đến nhà dân hoặc người thân quen để… ở nhờ.
Nhưng từ tháng 10 đến tháng 3 vào mùa mưa lạnh, du khách, đặc biệt là nguồn chủ lực từ Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, không còn đổ xô vào tắm và tham quan hang động nữa. Nhà hàng, khách sạn liền lâm vào cảnh trống vắng. Điều này cũng khiến nhiều nhà đầu tư ngại chi tiền xây dựng cơ sở du lịch ở tỉnh, tạo thêm một cái khó nữa cho du lịch Quảng Bình, đó là thiếu các điểm nghỉ dưỡng, vui chơi cho mùa mưa lạnh.
Hang Sơn Đoòng và đường vào Sơn Đoòng ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Quảng Bình hiện có các vùng du lịch chính là Tân Hoá (Minh Hoá), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, TP Đồng Hới, Lệ Thuỷ, Quảng Ninh… nhưng tất cả đều chịu ảnh hưởng của tính mùa vụ. Anh Lệ, chủ khách sạn Nice ở xã Bảo Ninh, cho biết: “Hết mùa hè, qua mùa mưa rét thì khách đến lai rai. Như vậy chúng tôi làm vài tháng mùa hè, rồi dành dụm cất tiền để chi tiêu cả năm. Tiền đầu tư trở lại cho mua sắm, sửa chữa mới cũng trong đó cả”.
Bà Phạm Thị Hiền, chủ một nhà hàng trước bãi tắm Nhật Lệ, bộc bạch: “Hàng quán chúng tôi đây luôn xác định là cố mà làm trong 6 tháng mùa nắng, đến mùa mưa bão là đóng quán nghỉ ngơi chớ không còn làm được nữa. Vì du khách họ về cả, ai còn tắm hay nghỉ dưỡng chi ngày gió lạnh nữa mà bán. Chờ hè sang năm thôi”.
Bến thuyền đón khách vào động Phong Nha mùa hè đông đúc khách đến và mùa đông vắng khách
Bà Trần Thị Mai Hoa, du khách đến từ quận Hoàng Mai (Hà Nội), nói: “Mùa hè vào Đồng Hới tắm biển, rồi đi tham quan hang động ở Phong Nha rất thích. Nhưng mùa mưa lạnh muốn vào lại cũng không biết đi đâu cho lạ, chơi gì cho hay, vì Quảng Bình còn thiếu chỗ đến mùa đông quá, nên chúng tôi đành vào Đà Nẵng, Nha Trang vậy…”.
Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) đưa khách đi Sơn Đoòng cũng chỉ từ tháng 1 đến tháng 8 hằng năm, những tháng còn lại đóng cửa vì lượng mưa lớn, nước dâng nguy hiểm. Hang Tú Làn, hang Tiên nghỉ từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11. Ông Trần Xuân Cương, giám đốc Công ty TNHH Thông tin và du lịch Netin, cho hay công ty phải dừng hoạt động một tháng khi mưa lũ tới. Lượng khách đến vào các tháng mùa mưa và mùa đông tại hang Chà Lòi và trải nghiệm trekking vượt thác ở vùng Động Châu - khe Nước Trong cũng giảm nhiều so với các tháng mùa hè.
Tại “thủ phủ” của du lịch Quảng Bình là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng không thoát khỏi tính mùa vụ. Do ở đây còn thiếu sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết, nên nhiều tour tuyến phải tạm dừng từ tháng 9 đến tháng 11. Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết từ tháng 12 đến cuối tháng 3 du khách cũng không nhộn nhịp đến như trong mùa hè. Điểm đến chủ lực là động Phong Nha, Tiên Sơn về mùa mưa cũng tuỳ theo mức nước sông Son thế nào để dừng đưa khách vào động hay lên suối Nước Moọc, hang Tối...
Quảng Bình hội tụ đủ tiềm năng du lịch để khai thác du lịch: trên rừng, dưới biển, di tích văn hoá lịch sử và tâm linh, con người… Vì vậy mà từ 2015-2023 có gần 100 dự án du lịch, dịch vụ được tỉnh phê duyệt đầu tư. Nhưng do một phần vì tính mùa vụ, cộng với vướng mắc về cơ chế pháp lý, điều kiện thời tiết mưa lũ nhiều, giải phóng mặt bằng khó khăn… nên đến tháng 9/2023 chỉ có 12 dự án đi vào hoạt động.
“Chúng tôi chỉ làm việc trong mùa hè khi có khách du lịch đến tắm. Hết mùa hè là cả đội chúng tôi nghỉ việc, chờ cho đến vụ tắm sang năm mới làm lại. Trong thời gian nghỉ việc thì chúng tôi phải tìm việc khác làm để kiếm thêm thu nhập. Do công việc thời vụ như thế nên nhiều người bỏ việc ở đây luôn sau kỳ nghỉ, nếu như họ tìm được một việc khác ổn định hơn”. Ông Hoàng Minh Đức, nhân viên bảo vệ trật tự kiêm cứu hộ ở bãi tắm Nhật Lệ, TP Đồng Hới, Quảng Bình |
Một yếu tố khác cũng làm du lịch Quảng Bình thêm gặp cảnh mùa vụ. Đó là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được kỳ vọng của sự phát triển. Như ông Trần Đức Bình - chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch), nơi có động Phong Nha - cho biết để phát triển du lịch địa phương cần được tháo gỡ một số vướng mắc. “Là trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng các sản phẩm du lịch về đêm hoàn toàn không có nên không thể níu chân du khách lưu trú, đến cả hệ thống điện chiếu sáng cũng chưa hoàn chỉnh…”, ông Bình nói.
Do tính mùa vụ nên biển Nhật Lệ, TP Đồng Hới cũng chỉ chào đón du khách vào mùa hè
Trên địa bàn thị trấn này hiện có hơn 15 dự án du lịch chậm tiến độ, ảnh hưởng đến bộ mặt và sự phát triển của một đô thị du lịch. Ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa), cho biết Minh Hoá lâu nay đã hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế với hệ thống hang động Tú Làn và nhiều cảnh quay đẹp trong phim “Skull Island - Kong: Đảo Đầu Lâu” của Mỹ… Dù đã được tỉnh định hướng xây dựng thành một trung tâm du lịch trọng điểm phía Tây Bắc Quảng Bình, nhưng hiện vẫn chưa được đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch phù hợp.
Thích ứng thời tiết và đa dạng thị trường du khách
Như vậy nguyên nhân chính dẫn đến tính mùa vụ của du lịch Quảng Bình là thời tiết, thiếu điểm đến thích ứng, thiếu cơ sở hạ tầng và chưa có được thị trường du khách phù hợp. Nhận thấy rõ điều này nên tỉnh Quảng Bình đã tìm cách hoá giải.
Năm 2020, Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động 01 phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm vụ. Năm 2022, HĐND tỉnh có Nghị quyết 38 và UBND tỉnh có Kế hoạch 117 đưa du lịch là khâu đột phá giai đoạn 2021-2025, xây dựng và phát triển các tour với sự đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường khách du lịch, đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch lớn đang thực hiện.
Những căn nhà nổi ở Tân Hóa
Trong khi các chính sách của tỉnh bắt đầu đi sâu vào thực tiễn, phía các doanh nghiệp và người làm du lịch cũng tự cứu mình. Năm 2023 Câu lạc bộ Du lịch Quảng Bình xây dựng sách “Lookbook Quảng Bình mùa Đông - Xuân”, với hình ảnh độc đáo, thiết kế sáng tạo nhằm truyền tải giá trị đặc trưng của Quảng Bình và gợi mở những trải nghiệm, điểm đến nổi bật, khác lạ về mùa đông - xuân tới du khách.Công ty Oxalis mời Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia dự báo thời tiết và biến đổi khí hậu độc lập, làm đại sứ du lịch thích ứng thời tiết, cung cấp thông tin dự báo thời tiết kịp thời và quảng bá loại hình du lịch thích ứng thời tiết.
Những căn nhà nổi màu xanh ở vùng rốn lũ Tân Hóa
Oxalis còn thử nghiệm tour Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hoá, Quảng Bình), du khách chèo thuyền ngắm cảnh quan mùa lụt tại khu vực trước cửa khu điều hành Tú Làn, hay chèo thuyền đi tặng quà cho người dân và sống cùng họ trong mùa lụt; tour trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa; tour chèo thuyền tại khu vực rừng ngập nước ở Hung Trâu trước khi vào với bản người Rục.
Doanh nghiệp này cũng khai thác cơ sở Rural Homestay thích ứng thời tiết tại xã Tân Hóa với 10 căn nhà nổi của dân trong xã, để du khách sinh hoạt và trải nghiệm cuộc sống mùa lụt cùng dân bản địa trên nhà nổi chống lũ…
Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2023.
Với những nỗ lực của người dân trong làm du lịch cộng đồng và du lịch thích ứng thời tiết vào mùa mưa lũ, cùng sự hỗ trợ có hệ thống của Công ty Oxalis, Tân Hoá đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới vào ngày 19/10/2023 tại Samarkand, Uzbekistan. Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages) là một sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm mục đích nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) thông qua du lịch |
Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh đưa vào sử dụng cơ sở nghỉ dưỡng nước suối nóng Bang Onsen Spa & Resort ở huyện Lệ Thuỷ, với nhiều loại dịch vụ nghỉ dưỡng, trị liệu và tắm khoáng nóng, ẩm thực cao cấp theo tiêu chuẩn Nhật Bản... Đây là sản phẩm thực sự phục vụ du khách trong mùa mưa lạnh.
Hồ nước khoáng nóng ở suối Bang, trong Khu du lịch Bang Onsen ở huyện Lệ Thuỷ
Ở Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, khuyến khích du khách đến suối Nước Moọc từ đầu tháng 3 để ngắm cây vàng anh và các loài cây khác nở hoa rực rỡ bên suối, hay đến Vườn thực vật Phong Nha ngắm thú hoang và rừng cây nguyên sinh, chơi ở thác Gió hữu tình. Ở Đồng Hới, Công ty TNHH Nhật Lệ Travel khai thác tour Du thuyền ngắm cảnh trên sông Nhật Lệ kết hợp tham quan danh thắng, di tích văn hoá lịch sử dọc 12km từ cửa biển Nhật Lệ đến cầu Quán Hàu.
Các cơ sở du lịch khác như Pomelo Homestay, Đoàn Gia Resort Phong Nha, Juugle Boss... cũng xây dựng hệ thống lưu trú, nghỉ dưỡng phù hợp, thích ứng với thời tiết đáp ứng nhu cầu du khách trong chừng mực có thể.
Du khách tham quan tượng đài mẹ Suốt
Các loại hình du lịch thích ứng thời tiết này rất phù hợp với du khách nước ngoài. Đây cũng là nguồn khách có khả năng lấp đầy khoảng trống du lịch vào mùa thấp điểm ở Quảng Bình. Minh chứng cho điều này, chị Phan Thị Hồng Thắm, Giám đốc cơ sở Phong Nha Lake House Resort, cho biết vào mùa mưa lạnh cơ sở của chị vẫn có đều khách nước ngoài lưu trú để đi các tour mạo hiểm, khám phá. Cơ sở Phong Nha Farmstay cũng thu hút được khách nước ngoài.
Khách sạn Nam Long 60-70% tổng số phòng có khách nước ngoài lưu trú trong mùa thấp điểm. Chị Lê Thị Thu Nga, quản lý khách sạn Nam Long, cho biết là do Nam Long đã nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng được yêu cầu của khách.
Vào giữa tháng 9, khi những trận mưa mở đầu mùa mưa lạnh năm 2023 đổ xuống, cũng khép lại “vụ mùa” du lịch 2023 của Quảng Bình. Sự đa dạng hóa sản phẩm, thị trường khách du lịch, nâng chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo sản phẩm thích ứng thời tiết… của du lịch Quảng Bình mới chỉ là những bước đi vỡ vạc ban đầu. Nhưng đó chính là hướng tiến đúng để Quảng Bình phá tính “ăn đong”, “ngồi đơm” khách đến theo mùa vụ của nhiều năm qua, từ đó bứt lên phát triển bền vững.
Bài 2: Du lịch Quảng Bình: Đầu tư tiền chẵn, thu về tiền lẻ vì mùa vụ