Dịu dàng sông thở?
Trước sông, hình như ai cũng chùng lại khi nghĩ về những con nước và dòng sông của năm tháng đời mình…
LTS: Một tản văn ám ảnh về con sông Hương dù không có chữ nào nêu đích danh tên sông. Mà đâu cần con sông nào cụ thể, bởi nó là tâm trạng con người. Một tâm trạng rất nữ tính của nhà báo Hạnh Nhi khiến ta cũng dịu dàng mà đọc…
Hôm đó, sông đã ngủ chưa?
Là tôi đã tự hỏi thế khi tần ngần mãi bên cửa sổ. Không có gì là rõ ràng trong một đêm mưa tối. Phía xa bên kia bờ hắt lên một quầng sáng. Nhưng kể cả ánh đèn rất mỏng ở căn phòng nơi tôi ghé lại cũng chỉ đủ thấy lờ mờ dáng cây. Chúng đứng lặng lẽ trong mưa. Hình như rất chịu đựng. Cũng có thể đó là sự nhẫn nại đã quen. Mà cũng có thể là cách mà cây thở.
Trước mặt tôi lúc ấy là vệt sông mờ dài và trắng sữa. Cơn mưa dữ vẫn còn đôi chút dùng dằng, nhưng sông thì yên tĩnh đến độ chỉ có thể đoán định về dòng chảy. Không mặc định về câu thơ của Thu Bồn, nhưng tôi cứ nghĩ về sự điềm tĩnh đến độ hiền triết của sông. Có lẽ cũng vì thế mà trước sông, hình như ai cũng chùng lại khi nghĩ về những con nước và dòng sông của năm tháng đời mình…
Khi đứng một mình bên ô cửa, nhìn sông chảy trong lặng lẽ, miệt mài, tôi chừng như đã không nghĩ gì nhiều lắm. Chỉ là một sự lặng lẽ chừng như là bất tận. Tôi nhớ gương mặt của ba và cách mà ông hiền hậu sống trong cuộc đời này. Về má với những ngày lặng lẽ chờ con, chờ cháu trong những bữa cơm chiều. Về những người bạn mình có. Nhớ mình đã đi qua rất nhiều dòng sông khác, nhưng không dòng sông nào, ở nơi đâu lại thấm đẫm, sâu lắng mà chan chứa như dòng sông của tôi. Như dòng sông quê tôi.
Lúc đó, không biết sông đã ngủ chưa? Tôi có lúc cảm thấy khó thở khi giọng hát của Khánh Ly cồn cào trong đoản khúc mưa của Tuổi đá buồn phát ra từ chiếc ipad cũ. Cảm giác về một sự lênh loang chừng như làm mình muốn rơi nước mắt trong căn phòng chỉ có tôi và những phím mưa khẽ buông ngoài hiên vắng. Cảm giác như sông, bằng sự lặng lẽ minh triết của mình đã dung hòa mọi trạng thái, cảm xúc, những buồn vui đã có trong mỗi cuộc đời. Như một lời ru miệt mài của những năm tháng phận người.
Lúc đó sông đã ngủ chưa? Khi quay lại với một ly coffee pha sẵn vì biết rằng đằng nào cũng khó ngủ, tôi đã đồng hành cùng Khánh Ly, với những chầm chậm, da diết mà chay vay trong chất giọng nồng nàn của bà. Là những phần đời, là những thương yêu được đánh thức, cả những điều gì đó vừa như là dành cất lại, vừa như là thúc đẩy. Là nỗi buồn dịu dàng như cách mà sông đang lặng lẽ chảy phía ngoài kia. Nhớ ai đó đã nói về cách chết trong lòng một ít, nhưng có thể đó là một cách để thương những điều đã trở thành hoài niệm, thương luôn những điều mình đang có.
Không biết lúc đó sông đã ngủ chưa, còn tôi đã nghe tiếng gió run nhè nhẹ và tiếng mưa trong khoảnh rừng thông trầm mặc. Đó cũng là một cảm giác rất lạ, trong một ngẫu hứng tình cờ, ở một nơi chỉ cách thành phố chừng hơn 10 km, nhưng lại trôi dài trong những ý nghĩ về mình, về người.
Tôi biết mình sẽ còn những đêm khó ngủ. Nhưng đó sẽ là những đêm khó ngủ dễ chịu nếu được đánh thức bằng sự dịu dàng như cách mà sông thở ở ngoài kia…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu hiện là phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM. Gắn...