LTS: Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu hiện là phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM. Gắn bó với Sài Gòn từ năm 17 tuổi, mảnh đất này với chị “là quê hương, là người thương trong trái tim lỗi nhịp khi nhớ về…”

Tháng Chạp, sáng - chiều - tối, trời Sài Gòn se lạnh... 

Gió chướng tràn về khiến lòng người chùng lại, ngẩn ngơ, đã hết năm rồi đấy! Người thành phố chợt nhớ một năm đã qua nhưng hình như còn bao việc chưa làm được, người quê xa vào thành phố làm ăn thì nôn nao sắp được về nhà ăn Tết. 

Cứ vậy, bao nhiêu cái Tết, bao nhiêu mùa xuân trôi qua, bao nhiêu con người từ mọi miền của đất nước đến đây, đã thích nghi, hòa nhập, tứ hải giai huynh đệ, sống tương thân tương ái... để xây dựng vùng đất này giàu đẹp như ngày nay.

1. Sách Gia Định thành thông chí, một công trình địa chí về vùng đất Nam bộ đầu thế kỷ 19, trong quyển 4 Phong tục chí đã có những ghi chép cụ thể thật thú vị về sinh hoạt dịp Tết ở Gia Định - trong đó có Phiên Trấn là vùng Sài Gòn ngày nay. Từ một môi trường thiên nhiên khá thuận lợi trong làm ăn, nhất là sản xuất nông nghiệp, nên con người cũng mang phong cách phóng khoáng: “Vùng Gia Định nước Việt đất rộng lượng nhiều, không lo nạn đói lạnh, nên ít dự trữ. Dân quen thói xa hoa sĩ phu phong khí phấn phát. Do người bốn phương tụ cư nên mỗi nhà đều có tục lệ riêng”.

Với sự dồi dào sản vật tự nhiên, sự phong phú sản phẩm do con người làm ra, dịp Tết nhất, lễ hội cũng là những ngày người dân nghỉ ngơi, vui chơi và thực hành những truyền thống lâu đời được mang theo từ hàng trăm năm trước, như một hành lý quan trọng không thể thiếu trên bước đường vào Nam của các thế hệ lưu dân.

Tục lệ đầu tiên là nhớ đến ông bà, những người đã khai hoang lập ấp. Tháng cuối năm thì: cúng tảo mộ, quét dọn bồi đắp phần mộ tổ tiên, rồi sau đó là lo may sắm quần áo mới, quét dọn sạch sẽ trong nhà ngoài sân, treo dán liễn mới, sắp đặt bàn ghế, trang trí bàn thờ tổ tiên, trên đó trưng bày các vật tốt đẹp để khoe với nhau, dặn con cháu cẩn thận trong mọi việc để được điềm lành trọn năm.

Mọi nhà đều dựng cây tre trước cửa lớn, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, bên cạnh giỏ treo giấy tiền vàng bạc, là Dựng Nêu... Đến ngày mùng 7 Tết thì gỡ xuống, là hạ nêu. Trong mấy ngày Tết thì những khoản nợ nần đều không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi.

Ngày Nguyên đán, bất kể là sang hèn hay lớn nhỏ, đều no say vui chơi, tuy người thôn quê nghèo hèn cũng có nề nếp. Từ ngày dựng nêu trở đi, nhà nào cũng đều đua tranh cờ bạc vui chơi đủ trò không ai ngăn cấm, đến ngày hạ nêu mới thôi. 

Những sinh hoạt trong dịp Tết xưa ở vùng Gia Định “cả nước không đâu sánh bằng” như sách miêu tả đã tồn tại lâu dài, nhất là ở Trấn Phiên An - Sài Gòn nay - nơi “đô hội lớn của Gia Định” từ hai trăm năm trước.

2. Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, Tết ở Sài Gòn đã có sự thay đổi. Ở các đô thị (bắt đầu từ thời Pháp thuộc) có lối sống “công nghiệp” làm theo giờ hành chính nên nghỉ Tết thường chỉ 3 ngày là 30, mùng 1 và mùng 2 Tết. Trước đó, từ rằm tháng chạp dân chúng đã lo mua sắm Tết, phố phường Sài Gòn nhộn nhịp khác thường, từ ngoại ô đến nội thị nô nức bán buôn. Dọc theo rạch Bến Nghé hay kinh Tàu Hũ từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, những ngày giáp Tết là cảnh “trên bến dưới thuyền” vô cùng độc đáo.

Từ trước rằm tháng chạp mấy chiếc ghe chở “ông lò” (bếp lò đất) đã về. Tiếp đó những chiếc ghe lớn chở than đước ngày nào cũng cập bến. Ngày 23 cúng ông Táo, nhà nào cũng đốt than trong ông lò mới để cầu mong cho nhà cửa luôn ấm êm, hạnh phúc. Những ghe chiếu chất đầy chiếu bông chiếu trắng, đan bằng những cọng lác tròn bóng thơm mùi gió chướng mùi đất phèn miền Tây… Nhưng từ nhiều năm rồi vắng bóng ghe than, ghe chiếu, mà phải thôi, bây giờ ở thành phố còn mấy nhà chụm than bếp lò, mấy nhà còn trải chiếu Cà Mau…
 

Sau 23 tháng Chạp là ghe trái cây về san sát, chuyển hàng lên bến khỏi cần bắc ván làm cầu. Nhưng độc đáo nhứt ở bến Bình Đông là chợ mai, tắc kiểng dài suốt con đường. Càng gần 30 Tết càng nhộn nhịp, trái cây bán sỉ bán lẻ, người mang kẻ vác từng giỏ, người mua hoa, kẻ kêu xe chở cây kiểng chen chúc trên đường. 

Chợ Tết hoạt động từ 23 tháng chạp, ba ngày 27, 28, 29 chợ bán đến đêm. Những chợ nổi tiếng như Chợ Bến Thành, Bình Tây, Tân Định, Bà Chiểu, Xóm Chiếu... dịp Tết còn là dịp du khách tham quan nườm nượp mỗi ngày. Khắp Sài Gòn có hàng trăm chợ nhỏ giữa những xóm lao động, kế bên các chung cư...

Bình thường chợ bán vào buổi sáng, chỉ vài ngày giáp Tết là chợ tấp nập suốt ngày, các hẻm nhỏ xung quanh cũng hàng quán la liệt, người đông chen chúc chào mời ồn ào mà vui vẻ. 

Trong nhà lồng là những sạp hàng quần áo giày dép, đồ dùng gia đình, thịt cá, đồ khô, rượu bia bánh mứt ê hề, bên ngoài là hàng trái cây rau xanh, hàng đồ gốm bình bông tiền vàng mã... Khắp nơi là bánh chưng bánh Tết, giò chả đồ nguội, dưa chua các loại... Những gói quà biếu chủ yếu cũng là đồ ăn uống: bánh mứt kẹo rượu cà phê… Đúng là “ăn Tết”! 

Hoa tươi cây kiểng muôn sắc khắp nơi nhưng Tết phương Nam đâu thể thiếu cúc vàng, mai vàng, cũng như Tết miền Bắc sao có thể thiếu cành đào phai đào bích? Vùng Chợ Lớn nhiều nơi còn thấy các cụ đồ trong bộ áo dài khăn đóng, viết thư pháp nắn nót mà nhẹ nhàng, nét chữ mềm mại nhưng mạnh mẽ hiện ra trên những tờ giấy đỏ chói, nào là Tài Lộc, Phú Quý, Thọ Khang... theo thời gian còn có thêm chữ Tâm chữ Đức. Bây giờ có cả những “ông đồ” trẻ cũng khăn đóng áo dài nhưng viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ, “Sống trong đời cần có một tấm lòng” được nhiều người đặt viết.

Đến nay, sinh hoạt ngày Tết Sài Gòn đã có ít nhiều thay đổi nhưng vài tục lệ xưa vẫn còn hiện diện. Sáng 30 Tết từng gia đình đã dọn dẹp xong nhà cửa, trang hoàng phòng khách, rồi sắp bày mâm cúng bàn thờ gồm những trái cây “cầu dừa đủ xài” có khi thêm cả “sung thơm” với mong muốn năm mới đủ đầy. Trước Tết nhiều gia đình tranh thủ về quê viếng mồ mả ông bà, thăm hỏi bà con... Cuộc sống ngày càng hiện đại nên với nhiều người Sài Gòn ăn Tết không còn là mối bận tâm lớn nhất mà là chơi Tết.

“Chơi Tết” là đi du lịch xa gần, là nghỉ ngơi thư giãn sau một năm chăm chỉ làm ăn. Tham quan Đường Hoa, Đường Sách là những “phong tục” văn hóa mới của người Sài Gòn. Đặc biệt có những nhóm gia đình, bạn bè, dịp Tết mọi người rủ nhau đi đến những vùng sâu vùng xa, nơi còn nhiều người khó khăn. Họ chia sẻ với bà con những món quà Tết thiết thực, tặng người già trẻ nhỏ những bộ quần áo mới, “của ít lòng nhiều” thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Sài Gòn. 

Năm nay, đại dịch khốc liệt, Sài Gòn vắng vẻ hơn nhiều, mất đi sự xôn xao náo nhiệt như Tết mọi năm... Hàng triệu người lao động về quê tránh dịch chưa biết lúc nào mới trở lên thành phố. Từ Sài Gòn những đoàn tàu thưa thớt người vẫn mệt mài chạy ra Trung ra Bắc, nhiều chuyến xe vắng vẻ vẫn chạy về miền Tây. Tết rồi sẽ qua nhanh, hy vọng ra Giêng những chuyến tàu chuyến xe lại mang theo bao người từ khắp mọi miền đất nước trở lại Sài Gòn. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Tư, ngày 02/02/2022 06:00 AM (GMT+7)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu